TAND chọn tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý

TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.

Ngày 23/4, Tòa án nhân dân Tối cao có văn bản 141 gửi lãnh đạo tòa án các tỉnh, thành... về việc lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.

Mẫu phác thảo số 3 tượng vua Lý Thái Tông cầm cán cân công lý- Ảnh: TAND tối cao

Mẫu phác thảo số 3 tượng vua Lý Thái Tông cầm cán cân công lý- Ảnh: TAND tối cao

Văn bản nói rõ, TAND tối cao tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông và dựng tượng để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.

Giải thích cho việc chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng cho ngành, TAND đưa ra 5 lý do:

Thứ nhất, vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử VN, khai mở nền pháp luật thân dân Việt Nam.

Thứ hai, vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ… Ngoài ra, ông đã đúc chuông để người dân nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ lên Hoàng đế để được thấu xét.

Thứ ba, ông cũng rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông.

Thứ tư, việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý, dựng tượng tại trụ sở tòa án được TAND tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật.

Thứ năm, lựa chọn vua Lý Thái Tông góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

Dựa trên những lập luận đó, TAND đưa ra 3 mẫu phác thảo để lấy ý kiến. Mẫu số 1: vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo.

Mẫu số 2: tay phải vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị.

Mẫu số 3: tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý.

Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, kích thước chiều cao là 5,3m.

Văn bản cũng cho biết, ngày 5/2, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.

TAND Tối cao cho rằng việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.

Nhiều tranh luận

Văn bản của TAND đang nhận được nhiều ý kiến góp ý khác nhau. Một số ý kiến không đồng tình, thậm chí còn nói thẳng cả 3 mẫu đưa ra đều có tính chất sao chép rõ ràng. Việc này có thể sẽ dẫn tới tranh chấp bản quyền với tác giả.

Trên tờ Thanh Niên dẫn lời ThS luật học Trần Anh Đức (ĐH Paris-Sud, Cộng hòa Pháp) cho rằng đúng là vua Lý Thái Tông đã ban hành bộ luật thành văn đầu tiên. Tuy nhiên, bộ luật này quy định thế nào thì không ai biết. Theo ông Đức, đây chính là công tác lập pháp, không phải xét xử. “Thành ra, nếu dựng tượng thì dựng ở Quốc hội, không phải ở tòa án”, ông Đức phân tích.

Để bám sát lịch xử xét xử Việt Nam, ông Đức đưa ra 3 gợi ý là: Hồng Thánh đại vương Phạm Cự Lạng, thờ tại đền Lương Sử (gần Văn Miếu Hà Nội) và Phí Trực người nổi danh với việc không xử nhầm người tự nhận là trộm cắp đầu sỏ Văn Khánh, dù người này đã tự nhận tội.

Ngoài ra, ông cũng nhắc tới Bùi Cầm Hồ, người đã minh oan cho người đàn bà nấu nhầm cháo rắn mà tưởng lươn cho chồng ăn dẫn đến tử vong.

Về phía các luật sư, tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thẳng thắn cho rằng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không có thẩm quyền để lựa chọn biểu tượng công lý.

Theo ông Quynh, nếu sau này mỗi cơ quan tư pháp đều tự mình lựa chọn một biểu tượng công lý thì sẽ ra sao? Việc lựa chọn hình tượng nào để trưng bày theo ông không có ý nghĩa gì về mặt nhận thức. Quan trọng là đạo đức, trí tuệ của thẩm phán có đủ để đem lại công lý cho người dân hay không.

"Chưa kể ngành tòa án xét xử phải dựa trên chứng cứ khoa học và nhân danh pháp luật. Việc đặt tượng trên toàn hệ thống tòa án khiến người ta liên tưởng đến thần quyền và yếu tố tâm linh, đây là điều tuyệt đối không nên có trong hệ thống tư pháp” - luật sư Nguyễn Văn Quynh cho biết.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tand-chon-tuong-vua-ly-thai-tong-la-bieu-tuong-cong-ly-3401072/