Tân vương Thái Lan: Biểu tượng của đoàn kết và hòa giải

Quốc vương Vajiralongkorn (66 tuổi), còn được biết đến với tước hiệu Vua Rama X, sẽ chính thức làm lễ đăng quang từ ngày 4 đến 6/5/2019. Vương hiệu chính thức của nhà vua là Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun.

Xuất thân từ con đường binh nghiệp

Ngày 1/12/2016, Thái tử Maha Vajiralongkorn đã nhận lời mời lên ngôi tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Pornpetch Wichitcholchai. Cuộc gặp trên đã đánh dấu sự kiện Thái tử Vajiralongkorn trở thành vị vua thứ 10 của triều đại Chakri kéo dài 234 năm ở Thái Lan. Nhà vua Rama X sẽ chính thức trị vì từ ngày 4/5/2019. Sau gần 7 thập niên trị vì của nhà vua Bhumibol Adulyadej, người đã qua đời hồi tháng 10/2016, đất nước Thái Lan lại chứng kiến lễ đăng quang của tân quốc vương.

Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn

Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn

Vị vua băng hà Bhumibol là một trụ cột vững vàng, có uy tín mạnh mẽ, giúp ổn định tình hình đất nước suốt mấy chục năm qua. Giờ đây, thần dân Thái Lan sùng kính hoàng gia cũng mong đợi điều đó ở tân vương. Vua Rama X đã ghi điểm trong lòng nhiều người dân Thái Lan yêu mến hoàng gia với việc ông xuất hiện nhiều hơn trong các nghi thức tang lễ hoàng gia. Việc ông để trống ngai vàng trong 50 ngày để thương nhớ vua cha cũng được lòng nhiều người dân sùng kính vị vua băng hà.

Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, từ yêu cầu thay đổi hiến pháp cho đến việc thúc đẩy hòa hợp trong nước, ông đã để lại nhiều dấu ấn chỉ sau thời gian ngắn trở thành vua Rama X. Mặt khác, người dân hy vọng quốc vương mới sẽ tiếp tục đem lại sự ổn định cho đất nước, vì lợi ích của toàn thể người dân như cố Quốc vương Bhumibol đã làm trong suốt 70 năm trị vì. Ông Vajiralongkorn được xem như một biểu tượng của sự đoàn kết và hòa giải ở đất nước Thái Lan, một quốc gia có quá nhiều sự chia rẽ và khác biệt đảng phái.

Ông Vajiralongkorn (giữa) cùng vua cha Bhumibol Adulyadej và mẫu hậu

Ông Vajiralongkorn sinh ngày 28/7/1952, là con thứ hai và cũng là con trai duy nhất trong 4 người con của Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit. Năm 1972, Quốc vương Adulyadej sắc phong Vajiralongkorn tước hiệu Thái tử, xác lập ngôi vị thừa kế ngai vàng. Trong lễ tấn phong, hoàng thái tử Vajiralongkorn được yêu cầu tuyên thệ trung thành với đất nước, nhân dân và nguyện dốc hết sức lực, trí tuệ, khả năng và lòng vị tha của mình vì sự thịnh vượng, hạnh phúc và ổn định của Thái Lan. Để phù hợp với truyền thống của một đất nước theo Phật giáo, năm 1978, hoàng thái tử xuất gia đi tu như vua cha tại chùa Wat Phra Si Rattana Satsadaram ở Bangkok.

Vua Rama X nhận được sự kính ngưỡng từ chính quyền quân sự và người dân vì ông đã có thời gian học ở học viện quân đội, du học ở Anh và Úc. Ông từng là sĩ quan tham mưu trong bộ phận tình báo quân đội, tiếp tục học tại Trường Chỉ huy Tham mưu của Lục quân Hoàng gia Thái Lan và tốt nghiệp năm 1978, trở thành người đứng đầu Tiểu đoàn cận vệ của Quốc vương.

Ngoài ra, ông còn lấy bằng cử nhân luật tại Đại học Sukhothai Thammatirat ở Bangkok năm 1987. Ông còn được đào tạo để trở thành phi công lái máy bay chiến đấu. Ông đã tham gia các chương trình huấn luyện quân sự với các đơn vị không quân tác chiến đặc biệt ở Perth (Úc) cũng như tại Fort Bragg (Mỹ). Ông đã rất tích cực tham gia các hoạt động của quân đội. Ông từng giữ hàm tướng trong Lục quân Hoàng gia Thái Lan, hàm đô đốc trong Hải quân Hoàng gia và hàm thượng tướng trong Không quân Hoàng gia.

Ông trải nghiệm cảm giác trở thành phi công của máy bay thương mại khi điều khiển chiếc Boeing 737-400 cho Thai Airways International. Chuyến bay thương mại đầu tiên do ông cầm lái được thực hiện vào năm 2009. Đó là một chuyến bay từ thiện đến Chiang Mai để gây quỹ cho các nạn nhân lũ lụt và mua thiết bị y tế cho các bệnh viện ở 3 tỉnh cực Nam của Thái Lan.

Ông Vajiralongkorn đạp xe kêu gọi người dân tăng cường thể dục thể thao

Bản thân vua Thái Lan là một nhà thể thao đa năng. Môn mà ông mê nhất là môn thể thao vua - bóng đá vì nó có tính đối kháng cao. Ngoài bóng đá, vua Maha còn yêu thích môn xe đạp, đua ngựa, polo, bóng bầu dục, chèo thuyền... Để khuyến khích người dân tập thể dục, đích thân nhà vua đã nhiều lần dẫn đầu đoàn đua xe đạp xung quanh Thủ đô Bangkok.

Tình duyên “đơm hoa kết trái” sau những trắc trở

Đường binh nghiệp mở rộng nhưng đường hôn nhân của ông Vajiralongkorn gặp nhiều trắc trở. Ông kết hôn 3 lần, với bà Soamsawali Kitiyakara năm 1977, bà Yuvadhida Polpraserth năm 1994, bà Srirasmi Suwadee năm 2001 nhưng đều đã ly dị. Điều bất ngờ nhất là sắc lệnh hoàng gia được công bố hôm 1/5/2019 cho biết, nhà vua Maha Vajiralongkorn đã kết hôn “hợp pháp và theo truyền thống” với nữ tướng Suthida Vajiralongkorn na Ayudhya (40 tuổi) 3 ngày trước lễ đăng cơ của ông. Lễ phong hậu đã diễn ra hôm 1/5 tại Cung Dusit ở Bangkok với sự chứng kiến của vua Vajiralongkorn. Nhà vua mặc một bộ đồ màu trắng trong khi hoàng hậu Suthida mặc trang phục truyền thống Thái Lan.

Suthida Vajiralongkorn na Ayudhya là một người ít được biết đến. Bà từng là tiếp viên hàng không tại Thai Airways. Hoàng hậu Suthida nhận sắc phong hoàng gia đầu tiên năm 2012 khi đang là trung tá trong lực lượng bảo vệ nhà vua Vajiralongkorn, khi đó còn là thái tử. Năm 2013, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan ban hành 6 chỉ thị thăng cấp cho bà, giúp bà trở thành thiếu tướng. Tháng 8/2016, bà được phong hàm trung tướng và vài tháng sau trở thành tướng 4 sao, cấp bậc cao thứ hai trong quân đội Thái Lan.

Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida Vajiralongkorn na Ayudhya

Bà thường xuyên xuất hiện bên cạnh Nhà vua trong nhiều dịp lễ quan trọng của đất nước. Sau khi quốc vương Bhumibhol qua đời năm 2016 và con trai ông nối ngôi, bà Suthida thường xuất hiện bên cạnh tân vương vào những dịp trang trọng trong quân trang màu trắng. Tuy nhiên, mối quan hệ của bà với vua Vajiralongkorn chưa bao giờ được công bố chính thức. Bà và vua Vajiralongkorn có một con trai được cho là người kế vị của ông.

Nhà vua sẽ chính thức lên ngôi vào ngày 4/5 và buổi lễ diễu hành diễn ra vào ngày hôm sau. Đến ngày lễ quốc gia 6/5, quốc vương Rama X sẽ gặp gỡ chính thức các quan chức Thái Lan và các nhà ngoại giao. Tòa thị chính Bangkok ước tính sẽ có hơn 150.000 người đổ về Quảng trường Sanam Luang đối diện Hoàng cung để chứng kiến các nghi thức lên ngôi của Nhà vua. Ngày cao điểm nhất được dự tính là ngày 5/5, sẽ có tới 700.000-800.000 người đổ về các khu vực xung quanh Hoàng cung và dọc theo tuyến đường diễu hành Hoàng gia dài 7km từ Hoàng cung tới các chùa Wat Bovoranives, Wat Rajabopidh and Wat Phra Chetuphon. Tại mỗi ngôi chùa, Nhà vua sẽ viếng tượng Phật và thể hiện sự thành kính trước các vị vua và hoàng hậu đời trước, đồng thời sẽ dành thời gian để người dân có cơ hội biểu thị lòng trung thành với nhà vua mới.

Chính phủ Thái Lan dưới sự điều hành của quân đội cho biết sẽ chi 1 tỉ bath (tương đương 31 triệu USD) cho buổi lễ đăng quang trọng đại của Nhà vua. Buổi lễ đăng quang chính thức sẽ là sự kết hợp của các nghi lễ Phật giáo và Hindu Bà la môn.

Nước thiêng cho lễ tắm thanh tẩy được lấy từ 5 dòng sông lớn ở Thái Lan là Bang Pakong, Pasak, Chao Phraya, Ratchaburi và Phetchaburi và 4 chiếc ao thiêng cổ ở tỉnh Suphan Buri là Sa Ket, Sa Kaeo, Sa Khongkha và Sa Yamuna. Nhà vua sau đó sẽ thay vương phục và thực hiện nghi thức rưới nước thiêng được lấy từ 107 địa điểm quan trọng ở 76 tỉnh và Hoàng cung lên ngai làm bằng gỗ sung trước khi chuyển sang một ngai vàng khác cùng chiếc ô trắng 9 tầng cho nghi thức lên ngôi, đội vương miện và tuyên thệ kế vị.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tan-vuong-thai-lan-bieu-tuong-cua-doan-ket-va-hoa-giai-post58808.html