Tân Tổng thống Zelensky và nỗ lực 'thoát' Nga

Động thái mới nhất mà tân Tổng thống Zelensky của Ukraine thể hiện là mong muốn đưa Kiev 'thoát' khỏi quan hệ căng thẳng với Moscow, song đây sẽ là điều không dễ dàng. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Ông Volodymyr Zelensky trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ngày 20/5 (Nguồn: AP)

Chập chững bước đầu tiên

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/5, ông Zelensky khẳng định vấn đề kết thúc xung đột với phiến quân do Nga bảo trợ vùng Donbass, miền Đông Ukraine và giải quyết ổn thỏa quan hệ với Nga sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình.

Điểm thú vị nằm ở chỗ là trong cả bài phát biểu, ông Zelensky đã sử dụng tiếng Ukraine, song khi đề cập đến xung đột tại miền Đông Ukraine, ông đã chuyển sang dùng tiếng Nga, đồng thời khẳng định: “Tôi tin rằng điều kiện tiên quyết trong đối thoại (với Nga) là sự tự do cho công dân Ukraine đang bị Nga giam giữ”.

Nhà lãnh đạo này cũng “đòi” điện Kremlin trả lại những vùng lãnh thổ thuộc Kiev đang nằm trong quyền kiểm soát của Nga, đặc biệt là Crimea, đồng thời kêu gọi Washington tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Về tương lai Ukraine, nhà lãnh đạo này bày tỏ mong muốn đưa người dân Ukraine “là người Iceland trong bóng bầu dục, người Israel trong việc bảo vệ quê hương, người Nhật Bản trong phát triển công nghệ và người Thụy Sỹ trong việc chung sống hòa bình, bất chấp những khác biệt”.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể trở thành hiện thực với sự chung tay góp sức của toàn thể người dân, đặc biệt là bộ máy chính quyền. Chính phủ Ukraine từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng tham những và ông Zelensky cho rằng đã đến lúc chấm dứt tình trạng này.

Quan trọng hơn, một trong những quyết định đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống là giải tán và tổ chức bầu cử Quốc hội trong thời giam sớm nhất có thể.

Tất cả những động thái ban đầu này cho thấy một ông Zelensky rất khác so với lúc tranh cử Tổng thống. Trong các chiến dịch vận động, ông Zelensky từng khẳng định rất mong muốn đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của Ukraine, ông Zelensky đã không còn duy trì lập trường như trước, khi giữ quan điểm mong muốn đối thoại với Nga, song đi kèm những điều kiện bất khả thi.

Một Zelensky rất khác

Ngay trong bài phát biểu của mình sau khi nhậm chức Tổng thống ngày 20/5, ông Zelensky đã tuyên bố giải tán Quốc hội. (Nguồn: KyivPost)

Xét về toàn cảnh, quan hệ Nga – Ukraine, bất chấp sự hạ đài của Tổng thống chống Nga Petro Poroshenko, tiếp tục căng thẳng và Moscow vẫn rất thận trọng khi tiếp cận Kiev.

Ngay sau khi ông Zelensky nhậm chức, ông Putin khẳng định sẽ chỉ chúc mừng sau khi “có những thành công bước đầu trong việc giải quyết xung đột nội bộ tại miền Đông Nam Ukraine và trong bình thường hóa quan hệ Nga – Ukraine.” Do đó, khó có thể kỳ vọng Moscow sẽ “xuống nước” và có động thái phá băng quan hệ như thả công dân Ukraine bị bắt giữ trong xung đột tại miền Đông Ukraine hay đụng độ trên biển Azov.

Quan trọng hơn, việc Ukraine yêu cầu Nga “trả lại” những phần lãnh thổ của Ukraine mà nước này đang kiểm soát, đặc biệt là Crimea, là bất khả thi. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dù là Nga hay Ukraine, đều mong muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Trong bối cảnh Moscow đã coi Crimea là một phần của đất nước, yêu cầu của Kiev sẽ không thể thành hiện thực và thậm chí còn chọc giận điện Kremlin. Ngay sau phát ngôn của ông Zelensky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Alexei Pushkov đã lên tiếng phản đối và cho rằng đây chỉ là những lời khoa trương.

Thực trạng quan hệ Nga - Ukraine khi đó sẽ đặt tân Tổng thống Volodymyr Zelensky vào thế khó, khi tuyên bố giải quyết vấn đề xung đột miền Đông Ukraine và quan hệ với Nga vào trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên, thiếu vắng thiện chí đến từ Moscow, Kiev sẽ khó có thể hoàn thành mục tiêu của mình.

Trong khi đó, duy trì đường lối cứng rắn, tiếp tục gây chiến với Kremlin đồng nghĩa rằng ông Zelensky sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm. Do đó, không loại trừ khả năng chính quyền của tân Tổng thống Ukraine sẽ buộc phải có nhượng bộ trước, nhằm khơi gợi thiện chí của phía Nga cho một chính sách hòa hoãn hơn.

Tuy nhiên, những bước đi như vậy gần như chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối mạnh của phe chống Nga, vốn tiếp tục trụ vững trong Quốc hội bất chấp thất bại của Tổng thống Petro Poroshenko. Trong khi đó, đảng “Người Đầy tớ của Nhân dân” đưa ông Zelensky tới quyền lực lại chưa giành được ghế nào trong Quốc hội.

Do đó, việc giải tán và tổ chức bầu cử Quốc hội là cách tân Tổng thống gạt những thế lực chống Nga cực đoan và đưa lực lượng ủng hộ vào cơ quan lập pháp, tạo điều kiện xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại mềm mỏng hơn.

Chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine, giải quyết ổn thỏa quan hệ với Nga đã là mục tiêu hàng đầu của nhiều Tổng thống Ukraine, song họ đều thất bại. Trước ông Zelensky, trong thời gian đầu, cựu Tổng thống Petro Poroshenko cũng từng hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi trong quan hệ Ukraine – Nga, song chưa thể đáp ứng kỳ vọng. Còn với ông Zelensky, đây là cơ hội để tân Tổng thống Ukraine chứng tỏ rằng ông thực sự là “người đầy tớ của nhân dân”, chứ không chỉ là một vai diễn trên sân khấu truyền hình, dễ xem và dễ quên.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-tong-thong-zelensky-va-no-luc-thoat-nga-94528.html