Tân tổng thống Ukraine kích nhầm 'bom Tatar' ở Crimea?

Tân Tổng thống Ukraine nói về việc giải phóng quê hương của người Tatar ở Crimea khỏi sự chiếm đóng mà quên rằng Nga đã hóa giải được mối nguy đó.

Viết trên Facebook ngày 18/5, ngày tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp người Tatar ở Crimea, Tổng thống Vladimir Zelensky bày tỏ sự tin tưởng rằng Ukraine sẽ lấy lại Crimea.

“Tôi tin rằng chúng ta sẽ giải phóng quê hương của người Tatar ở Crimea khỏi sự chiếm đóng. Chặng đường đưa Crimea trở về có thể kéo dài bao lâu chăng nữa, chúng ta sẽ vượt qua cùng với kyrymly (người Tatar ở Crimea). Đừng quên rằng ngay cả đêm tối dài nhất cũng kết thúc bằng bình minh”, ông Zelensky viết trên trang Facebook của mình.

Khi đưa ra những phát biểu trên, có lẽ tân Tổng thống Ukraine muốn một lần nữa muốn kích hoạt ngòi nổ người Tatar để tranh thủ sự ủng hộ mà quên mất rằng Nga đã hóa giải được mối nguy đó từ lâu.

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3/2014, Crimea trở thành một phần của Liên bang Nga và vào tháng 4 cùng năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kí sắc lệnh tái định cư cho người Tatar và các dân tộc khác của Crimea.

Nga đã tiến hành mở rộng chương trình cấp quyền công dân cho tất cả người dân Ukraine, áp dụng cho cả những người sinh ra hoặc sống ở Crimea trước tháng 3/2014 bất kể khi đó họ đang có quốc tịch Ukraine hay không.

Đáng chú ý, các thủ tục theo dõi và cấp quyền công dân Nga đã được tiến hành nhanh chóng. Các đối tượng được yêu cầu xử lý đơn xin cấp quyền công dân không quá 3 tháng.

Là cộng đồng Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, người Tatar chiếm khoảng 12% trong tổng số 2 triệu dân của Crimea và coi đây là quê hương lịch sử của họ. Năm 1944 toàn bộ người dân Tatar bị trục xuất tới Siberia và Trung Á theo lệnh của lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ, Josef Stalin.

Sau nhiều thập kỷ biểu tình ôn hòa, khoảng 200.000 người cuối cùng đã quay trở lại bán đảo này vào đầu những năm 1990. Họ tiếp tục yêu cầu chính phủ Ukraine công nhận tuyên bố lịch sử của họ đối với Crimea và đảm bảo việc bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Tatar.

Kể từ khi Crimea tuyên bố độc lập và chuẩn bị cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga, người Tatar bất ngờ trở thành một lực lượng chính trị được tính đến. Cả Nga và Ukraine bắt đầu thuyết phục người Tatar trên bán đảo này bằng những cam kết và sự bảo vệ.

Tổng thống mới đắc cử của Ukraine, ông Vladimir Zelensky. Ảnh: Sputnik

Tổng thống mới đắc cử của Ukraine, ông Vladimir Zelensky. Ảnh: Sputnik

Ukraine đã thông qua một nghị quyết công nhận tộc Tatar như người dân bản địa của Crimea vào ngày 20/3/2014. Nhưng với đa số người Tatar Crimea, đây gần như một sự “xúc phạm” vì sau 23 năm đề nghị, Ukraine không cho phép tộc người này tự trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ấy cũng nói rằng ông thừa nhận quyền của người Tatar-Crimea có đại diện trong chính quyền địa phương và được hưởng nền giáo dục bằng ngôn ngữ riêng của họ. Đại diện của người Tatar ở Nga cũng đã đến Crimea, nói về tình hữu nghị và hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh, văn hóa và tôn giáo. Chính quyền Crime vào thời điểm trên cho biết phân bổ 20% ngân sách của bán đảo này cho người Tatar ở đây.

“Crimea” - một tổ chức xã hội đại diện chính thức của người Tatar Crimea vào năm 2016 đã yêu cầu Đại hội đồng Liên hợp quốc và Nghị viện châu Âu công nhận bán đảo là thành phần của Liên bang Nga.

Tổ chức này tuyên bố, việc bán đảo về với Nga là thuận theo nguyện vọng chính đáng của người dân Crimea, do đó, cộng đồng quốc tế phải tôn trọng quyết định của họ, cần công nhận tuyên bố độc lập của nước Cộng hòa Crimea và việc sáp nhập vào Nga.

Ngoài ra, người Tatar cũng đề nghị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nghiêm túc tiếp cận, xem xét lại quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến Crimea, tỉnh táo trước các hành động “đầu cơ chính trị” của chính quyền Kiev và thừa nhận bán đảo thuộc về Nga,

Theo tổ chức cộng đồng của người Tatar, việc công nhận bán đảo là một thực thể của nước Nga sẽ góp phần tăng cường an ninh trong khu vực Biển Đen. Người Tatar Crimea đã sẵn sàng để trở thành "cầu nối hữu nghị" giữa Nga và cố hương của họ.

Nhiều lần nói về điểm chung giữa Ukraine và Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định "người Ukraine và người Nga là hai dân tộc anh em và hơn thế nữa. Chúng ta có điểm chung về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử... Và nếu chúng ta có quyền công dân chung giữa hai nước, thì điều này sẽ càng có lợi thêm cho cả đôi bên...Chúng ta sẽ càng mạnh mẽ và thành công hơn nữa".

Trở lại với những phát biểu của tân Tổng thống Ukraine, như lời khuyên của nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Dmitry Belik dành cho ông Zelensky, rằng tân Tổng thống Ukraine nên tập trung vào những điều thực tế, thay vì "vẽ" thêm vấn đề cho Ukraine.

"Ông Zelensky nên hiểu rằng: Màn đêm tại Sevastopol và Crimea đã kết thúc vào mùa xuân năm 2014. 'Bình minh' mà tân Tổng thống Ukraine nhắc tới trên Facebook đã tới khi những địa điểm này sáp nhập vào Nga. Chúng tôi không cần 'bình minh' nào khác nữa", ông Dmitry Belik khẳng định.

Theo vị nghị sĩ Nga, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Zelensky cho thấy đa số người dân Ukraine không muốn tân Tổng thống duy trì chính sách thời cựu Tổng thống Petro Poroshenko:

"Đối với hàng triệu người dân Ukraine thì vấn đề Crimea đã khép lại. Hiện giờ cái họ quan tâm hơn là xung đột ở Donbass, là chuyện thống nhất đất nước, chứ không phải là các cuộc biểu tình và hô hào khẩu hiệu trên đường phố".

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tan-tong-thong-ukraine-kich-nham-bom-tatar-o-crimea-3380315/