Tân Thủ tướng Úc: Sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy

Ngay cả ở Úc, nước đã thoát khỏi sự tàn phá của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính trị vẫn là một điều dễ tổn thương.

Một thập kỷ nới lỏng tiền tệ kể từ sau sụp đổ của Lehman Brothers góp phần tạo ra cơn sốt đi vay, khiến các hộ gia đình Úc trở thành một những người mắc nợ nhiều nhất thế giới. Cùng với việc lương hầu như không tăng, giá nhà tăng và người nhập cư đổ bộ khiến cho đường phố ở các thành phố lớn tại đất nước ngày một ùn tắc, nhiều cử tri cảm thấy tồi tệ hơn mặc dù nền kinh tế vừa trải qua 27 năm không suy thoái.

Những điều này đã khiến cử tri bất mãn với các chính đảng của Úc và mong muốn thay đổi bức tranh chính trị tại đất nước này. Điều này giải thích sự trỗi dậy một nhóm nhỏ các cựu bộ trưởng bảo thủ và buộc ông Malcolm Turbull, một cựu nhân viên của Goldman Sachs, phải rời vị trí Thủ tướng.

Mục tiêu của họ là đưa Peter Dutton, người ủng hộ chủ nghĩa dân túy cánh hữu như những gì đã diễn ra với sự kiên Brexit và sự trỗi dậy của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông này cam kết chặn nhập cư và thực hiện cải cách thuế để cắt giảm chi phí năng lượng.

Sự nổi lên của Morrison

Tuy nhiên, Scott Morrison, một chính khách theo khuynh hướng bảo thủ thực dụng, vừa trở thành Thủ tướng thứ 30 của Úc sau khi ông Malcolm Turnbull mất tín nhiệm trong đảng cầm quyền.

Ông giành chiến thắng với 45/85 phiếu bầu trước cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng hôm 24/8, sự kiện đánh dấu tình trạng hỗn loạn trong chính trường Úc thời gian qua.

"Úc là một trường hợp khác của chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy trên toàn thế giới trong vài năm qua," Sean Kenji Starrs, một giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế tại Đại học Hồng Kông cho biết..

Cuộc nổi dậy chính trị ở Canberra đáng chú ý ở chỗ nó xuất hiện trong một nền kinh tế vốn không phải thực hiện chính sách khắc khổ như nhiều nền kinh tế phát triển sau sự sụp đổ của Lehman, vốn đã kích hoạt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Việc thu nhập và mức sống không được cải thiện sau đó được cho là nguyên nhân gây ra làn sóng bất bình, vốn đã kích hoạt các sự kiện bỏ phiếu về việc Anh rời Liên minh châu Âu, hay giúp ông Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016.

Tại sao một nền kinh tế mạnh không giúp ích gì cho ông Turnbull?

Úc tự hào là một trong những nước tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới, theo Chỉ số Cuộc sống Tốt hơn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, và tăng trưởng kinh tế của nước này vào năm 2019 dự báo sẽ đạt mức 3,04% vào năm 2019 – cao hơn cả Canada, Mỹ và Anh.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các cử tri, cuộc sống dường như trở nên khó khăn hơn. Thu nhập thực tế đã trì trệ, trong khi giá tiêu dùng ngày một tăng.

Những sai lầm chính sách của ông Turnbull càng làm gia tăng sự bất mãn, cuối cùng khiến ông dần mất đi sự ủng hộ của cử tri. Đề xuất cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn và chính sách giáo dục dường như không được người dân ủng hộ, trong khi một nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon và chi phí năng lượng đã giúp kích hoạt cơn hỗn loạn mới nhất của đảng Tự do.

Đảng Lao động đối lập chính đã tìm cách giải quyết những lo ngại này với cam kết thúc đẩy chi tiêu cho các bệnh viện và giáo dục, đồng thời cũng loại bỏ việc cắt giảm thuế cho người có thu nhập cao và cắt giảm lượng khí thải carbon. Điều đã giúp đảng này gia tăng sự ủng hộ, trước sự suy yếu của chính phủ do ông Turnbull lãnh đạo.

Một số người trong đảng Tự do coi ông Trump hình mẫu thay đổi để giúp đảng này duy trì quyền lực ở Úc, theo Martin Drum, Giám đốc chính sách công Trường Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Notre Dame ở Perth.

Cuộc khủng hoảng bản sắc

“Điều này dẫn đến một phần khủng hoảng bản sắc trong Đảng Tự do giữa những nhóm nhỏ chỉ quan tâm đến nền kinh tế và nhóm người bảo thủ hơn", Drum nói.

Morrison là đã từ chối tham gia một cuộc bỏ phiếu cho phép hôn nhân đồng tính và dẫn đầu một chính sách tị nạn bị chỉ trích nhiều nhằm đóng cửa với những người xin tỵ nạn. Nhưng với tư cách Bộ trưởng Tài chính, ông cũng là người mềm mỏng hơn người tiền nhiệm của ông, những người đã đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu phúc lợi, giáo dục và y tế.

Haydon Manning, một giáo sư về chính trị và chính sách công tại Đại học Flinders cho biết: “Không có nghi ngờ gì về việc Úc ngày nay đã vươn sang cánh hữu dưới thời ông Morrison hơn là ông Turnbull".

Nguồn Bloomberg

Mạnh Đức

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/tan-thu-tuong-uc-su-noi-len-cua-chu-nghia-dan-tuy-3325605/