Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, ký ức một thời: Kỳ 1- Thời khó

Trước những điều mà nhiều người hoang mang, Nhà ngoại giao Phạm Minh Chính lặng lẽ nghe, ôn tồn nhắc lại câu tôi vẫn hay quen miệng vui cùng bè bạn: 'Cùng tắc biến, biến tắc thông'.

 Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính

LTS: VietTimes xin gửi đến bạn đọc ghi chép của nhà báo Xuân Ba về một quãng thời gian hoạt động và trưởng thành của tân Thủ tương Phạm Minh Chính. Hồi ức cho chúng ta thấy gần hơn chân dung một con người dung dị, dễ gần, nhưng đầy nghị lực và quyết đoán.

Kỳ I: Thời khó

Quãng đầu những năm 90, thực hiện loạt phóng sự Đông Âu trên từng cây số, tôi có ghé qua Romania.

Anh bạn Nguyễn Trí Nhiệm, cán bộ giảng dạy Khoa Báo chí của Trường Tuyên giáo TƯ thời gian đó đang làm nghiên cứu sinh ở thủ đô Bucharest. Nhiệm trước đây là lưu học sinh từng học ở Romania cùng với Mạnh Việt, người sau này là phóng viên Báo Tiền Phong. Nhiệm nhiệt tình, chu đáo đưa tôi đi thăm thú nhiều nơi. Buổi ấy ghé Đại sứ quán Việt Nam, cả bọn có một cuộc tụ ấm áp.

Tôi vui mừng gặp lại một người quen cũ, anh Phạm Minh Chính. Khi ấy anh Chính đương chững chạc ở cương vị Bí thư thứ nhất Đại Sứ quán.

Anh Phạm Minh Chính tốt nghiệp ngành xây dựng ở Bucharest. Sau đó về nhận việc tại Cục Nghiên cứu Khoa học, Kinh tế và Kỹ thuật, Bộ Nội vụ. Đến năm 1989, anh được điều động sang công tác tại Bộ Ngoại giao làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Romania.

Thiên lý tha hương ngộ cố tri ( hay ngộ đồng hương chả biết?), có một câu cổ thi ngồ ngộ như thế hình như vận vào khung cảnh này cũng hạp? Hơn thế tôi được ngồi với một thổ công ở xứ người mà mình từng đủ cái độ thân mật? Nghe tôi bộc bạch nào là vừa ghé qua mộ vợ chồng nhà Nicolae Ceaușescu. Lại qua khu nhà quốc hội mấy chục căn với hàng chục tầng ở Trung tâm Thủ đô vừa xây khi ấy để hoang phế. Chứng kiến đàn quạ hàng vạn con bay rợp trời là chủ nhân chính của những khu nhà ấy. Lại thuật cái cảnh dân Bucharest xếp hàng rồng rắn chờ mua thực phẩm…

Tôi thuật lại mọi điều với nhà ngoại giao Phạm Minh Chính bằng vẻ mặt và chất giọng hoang mang. Lại nữa, bộc bạch tất tật ra như thế tôi cũng có cái ý muốn biết thêm thông tin từ một người có trách nhiệm từng có độ dài thời gian trực tiếp xem xét, đánh giá sự biến chuyển của các nước Đông Âu nói chung và Romania nói riêng. Nhưng nhà ngoại giao Phạm Minh Chính - ông Bí thư thứ nhất - chỉ lặng lẽ nghe cùng chất giọng bình thản, nghe cứ như an ủi, như có điều chi đấy trách cứ… Ấy là khi anh nhắc lại cái câu tôi vẫn hay quen miệng vui cùng bè bạn là: "Cùng tắc biến, biến tắc thông".

ông Phạm Minh Chính trò chuyện với người dân xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh (ảnh: Hùng Sơn)

Sau này thời gian đã vùn vụt trôi cùng bao biến đổi thế thời này khác của lòng người thói đời, mới thoáng giật mình nhớ lại cái câu của tiền nhân mà mình đã từng quen dùng và Phạm Minh Chính từng nhắc lại ấy. Có phải chăng câu "cùng tắc biến, biến tắc thông" đã rành rẽ một thông điệp. Nào có chi mà phải hoang mang. Rằng Romania nói riêng và Đông Âu thời điểm ấy như tận cùng của sự đổi thay là kéo theo bao biến đổi. Mà tận cùng sự biến ấy tình thế rồi sẽ khác? Như Cụ Hồ nhà mình đã dung dị trong mấy câu thơ: "Sự vật xoay vần đà định sẵn/ Hết mưa lại nắng hửng lên thôi/ Hết khổ lại vui vốn lẽ đời!"

Mảnh vụn của ký ức ấy như sắc lẹm như thêm hiệu ứng khi năm đã xa ấy được ngồi lâu lâu với ông cụ thân sinh ra Phạm Minh Chính.

Ấn tượng là bàn tay cụ ông như quá mức cái sự sần sùi, gân guốc. Lòng bàn tay ấy lại cộm lên bao lớp chai sần như đương tố lên một thuở một thời của những tất tả làm lụng.

Từ quê cũ đất chiêm trũng Hậu Lộc, xứ Thanh, năm 1963, cả nhà cái gia đình dĩ nông vi bản ấy rời lên vùng đồi núi khô cằn của vùng rừng Cẩm Thủy đi kinh tế mới theo chủ trương chung và phong trào hồi ấy. Thung thổ quê mới chưa đãi ngay người mới. Đói quay đói quắt. Lối năm giờ sáng, trời đất còn lờ mờ, ông bố đã thúc lũ con thau tháu, lít nhít dậy. Gạo thiếu thì đã có nồi sắn khô tém bên bếp hồi tối với mấy hạt gạo. Mỗi đứa một bát. Cho trôi thức hổ lốn là chút muối rang rắc lên. Và phải lùa thật nhanh. Bởi đứa học sáng cho kịp cuốc bộ đến lớp. Đứa học chiều thì việc nhà chả thiếu!

Chả đợi phải giục. Cái nồi một hạt gạo cõng mươi lát sắn ấy phút chốc trơ đáy. Đã cạo đến cả lớp cháy mà nồi còn bốc khói. Lũ trẻ chả đợi ông bố ra roi nhưng đứa nào cũng hãi, cũng thấm lời đe của bố. Rằng nhà đói nhưng cấm đứa nào đua đòi mấy đứa hàng xóm bỏ học. Một thời gian biểu ngặt nghèo diễn ra dưới cái nếp nhà từ thuở đói kém đến thời tàm tạm mát mặt ấy không biết đã bao nhiêu năm trời!

Cái câu cụ ông buông ra có vẻ nhẹ thênh khi chủ khách cùng suỵt soạt hớp chè xanh hái ở vườn nhà trong ngôi nhà đã tạm tươm tất dựng trên quê mới Cẩm Thủy. Câu ấy nghe thì nhẹ thênh nhưng chứa chất bao tất tả nhọc nhằn rằng sông có khúc, người có lúc! Cụ dạy chí phải! Đất còn có tuần, nhân còn có vận. Cũng na ná như câu anh con trai cụ nhắc lại ngày nào "cùng tắc biến, biến tắc thông" vậy!

Thân phụ Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với tác giả Xuân Ba.

Tôi kính cẩn nắm lấy đôi bàn tay thô ráp làm lụng ấy của cụ ông lâu hơn lúc chia tay. Chừng như những chai sần vất vả ấy đã nhân thêm lên ở đôi lòng tay kia bởi năm xa ấy, cụ bà bỏ cụ ông cùng lũ con ra đi vì bạo bệnh. Và để lờ mờ thấm hiểu thêm hiệu quả của sự rèn cặp nghiêm cẩn của một người cha, tư lệnh của một gia đình khó nghèo. Chao ôi, tám đứa con nhà ấy, anh con cả là Phạm Minh Chính cùng những đứa em nay đã phương trưởng, đã yên bề gia thất. Có hai người em, một chững chạc ở cương vị Phó Ban Pháp luật của Quốc hội cùng cô em gái là Vụ trưởng một cơ quan của Văn phòng Chính phủ!

Những năm tháng được tôi luyện trong Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) làm cho Phạm Minh Chính có thêm những kinh nghiệm, những đúc kết để ông can dự sâu hơn vào mảng quản trị kinh tế?

Những năm tháng trưởng thành từ Thiếu tướng rồi Trung tướng và lên đến chức Thứ trưởng Bộ Công an thì nét nổi bật nhất mà nhiều người biết đến vẫn là những nghiên cưu của ông về các vấn đề kinh tế. Thời kỳ những năm cuối 2009 xuất hiện hai cuốn tày tặn của PGS. TS chuyên ngành Luật Phạm Minh Chính nghe nói khá bắt mắt với giới nghiên cứu kinh tế“ Kinh tế Việt Nam, thăng trầm và đột phá” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009) và cuốn"Bối cảnh tài chính Việt Nam 1997 – 1998 và 2007 – 2008: Khoảng cách và biến đổi".

Mặc dù ở cùng thành phố và chả xa ngái diệu vợi gì nhưng cánh đồng hương Xứ Thanh chúng tôi lâu lâu mới gặp nhau…

Một ngày quãng đầu tháng 4 năm 2011, tôi bất ngờ nhận được cái email của ông Tướng Phạm Minh Chính. Xin lược ra một đoạn...

Kỳ 2: Tầm nhìn

Xuân Ba

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tan-thu-tuong-pham-minh-chinh-ky-uc-mot-thoi-ky-1-thoi-kho-post144409.html