Tân Thủ tướng Iraq hướng tới cân bằng chính trị

Sáng 7-5, Quốc hội Iraq đã phê chuẩn Thủ tướng và chính phủ mới, chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài hơn 6 tháng ở đất nước vốn đã chịu nhiều tổn thất do chiến tranh và xâu xé vì lợi ích địa chính trị giữa các cường quốc, cũng như cuộc chiến chống khủng bố hàng chục năm qua.

Người được phê chuẩn Thủ tướng mới của Iraq là ông Mustafa al-Kadhimi, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Iraq. Tân Thủ tướng Iraq được bầu chọn trong bối cảnh đất nước Iraq đang đối mặt vô vàn khó khăn, cả về chính trị lẫn kinh tế, xã hội, an ninh. Ngay khi được đề cử, ông đã hứa sẽ chọn giải pháp tiếp cận mới với tình trạng bất ổn xã hội bấy lâu nay, đó là gặp gỡ và tham vấn, lắng nghe ý kiến của những người biểu tình phản đối thay vì theo cách cũ là đàn áp hoặc bỏ mặc, không quan tâm của các chính phủ tiền nhiệm, vốn đã không mang lại hiệu quả nào.

Nhưng, nguyên nhân và mục tiêu của phong trào phản đối chính phủ cách đây 6 tháng là chống tham nhũng trong chính phủ và thất nghiệp tràn lan trong xã hội, hoàn toàn khác với tình hình thực tế hiện tại. Đại dịch COVID-19 đang khiến cho kinh tế, xã hội Iraq gần như đóng băng do áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội.

Song hành với đại dịch là khủng hoảng giá dầu khiến cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ của Iraq lâm vào khó khăn gấp bội. Giá năng lượng lao dốc đã gần như cắt giảm đến một nửa nguồn ngân sách hoạt động cho Chính phủ Iraq, từ đó buộc ông al-Kadhimi khi lên nắm quyền phải thực hiện ngay một trong hai giải pháp cứng rắn là cắt giảm lương công nhân viên chức nhà nước hoặc là cắt giảm mạnh số người hưởng lương. Việc này không thể chần chừ mà phải làm ngay, nếu không chính phủ của ông al-Kadhimi sẽ đối mặt những hậu quả khốc liệt.

Ông al-Kadhimi và các cố vấn của ông cũng cần phải xác định thời điểm và cách thức mở cửa lại nền kinh tế và dỡ bỏ các lệnh giới nghiêm tại các thành phố trên cả nước. Tuy Iraq ít chịu tác động bởi COVID-19 hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực nhưng không ai dám chắc tình hình có thể duy trì như thế hay không nếu họ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Năm nay 53 tuổi, al-Kadhimi là Thủ tướng Iraq đầu tiên kể từ khi ông Saddam Hussein bị lật đổ là người không thuộc bộ tộc Dawa, vốn theo hệ phái tôn giáo dòng Shiite thân với Iran. Sự xuất hiện của ông trên sân khấu chính trị Iraq vào lúc này báo hiệu một mức độ linh hoạt trong một hệ thống chính trị đang bế tắc. Mức độ kiểm soát của các đảng chính trị Shiite có quan hệ tôn giáo cũng có thể được nới lỏng.

Tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi.

Tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi.

Là người gốc Baghdad, ông sống lưu vong và làm việc với tư cách là một nhà báo và có bằng luật từ một trường đại học ở Baghdad. Al-Kadhimi bị đánh giá là người có ít kinh nghiệm về chính trị. Trong công việc của mình với tư cách là giám đốc tình báo, ông chủ yếu làm việc ở hậu trường. Điều đó có thể có lợi cho ông vì ông không có nhiều thứ để mọi người phản đối. Tuy nhiên, cũng khó có thể biết chính xác ông sẽ làm thế nào để giữ sự cân bằng chính trị trong sự giằng co giữa Iran và Mỹ.

Al-Kadhimi gần gũi với nhiều người ở cả Mỹ và châu Âu. Sau khi chạy trốn khỏi Iraq năm 1985, ông đã dành phần lớn thời gian của mình ở Anh hoặc Hoa Kỳ và là giám đốc của Tổ chức Ký ức Iraq (Iraq Memory Foundation) trong 7 năm. Trong những năm gần đây, ông ngày càng trở nên thân thiết hơn với Tổng thống Barham Salih, người có mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với Mỹ. Chính ông Salih là người đã đề cử al-Kadhimi vào ngày 9-4 sau khi hai ứng cử viên khác thất bại.

Al-Kadhimi có đường lối chính trị thế tục hơn, được cho là cởi mở hơn với những người biểu tình chống chính phủ, nhiều người trong số họ tán thành quan điểm của một số chính khách chống Iran. Al-Kadhimi được cho là sẵn sàng bảo vệ họ trước các dân quân được Iran hậu thuẫn trước đây đã tấn công và giết chết họ. Tuy nhiên, trên thực tế ông al-Kadhimi sẽ bị phản đối mạnh mẽ nếu ông đối đầu trực tiếp với dân quân hoặc chống lại các đảng Shiite được Iran hậu thuẫn và lợi ích kinh tế của họ.

Việc phê chuẩn al-Kadhimi làm thủ tướng mới đã chấm dứt chuỗi bế tắc, với 2 ứng cử viên thủ tướng, chính phủ đã bị bác do các đảng phái không thể nhất trí với nhau về các vị trí trong chính phủ và nhất là nhân vật đứng đầu chính phủ không đảm bảo cân bằng chính trị giữa Mỹ và Iran. Al-Kadhimi được đánh giá đảm bảo được sự cân bằng tương đối.

Hành động cân bằng thực sự đầu tiên của ông al-Kadhimi sẽ là bắt đầu đàm phán để thiết lập lại phái bộ quân sự Mỹ tại Iraq, cũng như định dạng lại các hình thức hợp tác trong các lĩnh vực khác, như y tế và giáo dục. Khi đàm phán với người Mỹ, ông al-Kadhimi có thể có lợi thế hơn một chính trị gia thân Iran. Ông có thể tỏ ra cứng rắn với Mỹ theo cách mà những người thân Iran không làm được. Người Mỹ có vẻ “ưa thích” ông al-Kadhimi và đã âm thầm huy động những người ủng hộ ông bằng cách hứa hẹn với các phe phái chính trị ở Iraq rằng Mỹ giúp đỡ Iraq nếu Quốc hội bỏ phiếu cho ông al-Kadhimi. Là người được Mỹ đánh giá cao có thể mang về cho Iraq nhiều lợi ích hơn.

Điều đó có thể quan trọng đối với Iran, vốn không yên tâm về sự hiện diện quân sự của Mỹ ngay bên kia biên giới. Iran đã phản đối một lựa chọn trước đó, Adnan Zurfi, nhưng coi ông al-Kadhimi là một giải pháp cho bây giờ. “Nói chung là Kadhimi là người mới hoàn toàn. Ông là kiểu người cố gắng không gây va chạm với bất cứ ai” - Sheikh Salih al-Obeidi, một người phát ngôn của giáo sĩ Moqtada al-Sadr nhận xét.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tan-thu-tuong-iraq-huong-toi-can-bang-chinh-tri-594792/