Tân Thủ tướng Anh và bài toán Iran

Khi Vùng Vịnh tiếp tục bế tắc, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể sẽ phải nỗ lực hơn nữa để bắt tay với Mỹ tìm cách tiếp cận mang tính xây dựng đối với Tehran.

Khi Vùng Vịnh tiếp tục bế tắc, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể sẽ phải nỗ lực hơn nữa để bắt tay với Mỹ tìm cách tiếp cận mang tính xây dựng đối với Tehran.

Ông Johnson lên nắm quyền ở Anh trong bối cảnh bùng nổ cuộc khủng hoảng đáng lo ngại ở Vùng Vịnh, nơi Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Anh, đe dọa sẽ kéo London và cộng đồng quốc tế vào ma sát đang leo thang giữa Washington và Tehran. Nhưng trong khủng hoảng vẫn có cơ hội, và giới phân tích cho rằng, tân Thủ tướng Johnson nên sử dụng mối quan hệ của mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump để giảm căng thẳng trong khi củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương xung quanh Iran.

Iran đã cảnh báo trả đũa khi Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1. Ảnh: Reuteurs

Iran đã cảnh báo trả đũa khi Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1. Ảnh: Reuteurs

Iran tiếp tục cảnh báo mạnh mẽ

Vùng Vịnh lại chứng kiến diễn biến căng thẳng mới khi trong tuyên bố mới nhất vào ngày 28-7, người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cảnh báo, việc các nước Châu Âu thành lập một liên minh hải quân cho khu vực này sẽ phát đi một thông điệp thù địch. “Những gì các ngài đã nghe, rằng họ muốn phái một hạm đội của Châu Âu đến Vịnh Persian - sẽ gửi đi một thông điệp thù địch, là sự khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng”, ông Rabiei nhấn mạnh.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Oman ở thủ đô Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tuyên bố, sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài sẽ là nguồn cơn chính làm bùng phát căng thẳng tại Vùng Vịnh. Tổng thống Rouhani khẳng định, Iran và Oman gánh vác trọng trách hàng đầu là đảm bảo an toàn cho Eo biển Hormuz. Hồi tuần trước, các quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết, Pháp, Italia và Đan Mạch ủng hộ đối với đề xuất của Anh thiết lập một sứ mệnh hải quân do Châu Âu dẫn đầu nhằm đảm bảo sự an toàn cho tàu thuyền đi lại qua Eo biển Hormuz. Sáng kiến này được đưa ra sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh, mà Tehran đã cáo buộc va chạm với tàu đánh cá và vi phạm các quy định quốc tế.

Vụ bắt giữ làm bùng nổ những tranh cãi vì nó xảy ra ngay sau khi các nhà lãnh đạo Iran đe dọa sẽ trả đũa việc London bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Iran ở Gibraltar vì nghi ngờ con tàu đã vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) đối với Syria.

Ai thắt nút, thì gỡ nút?

Căng thẳng bùng nổ ở Vùng Vịnh kể từ khi chính quyền Trump bắt đầu tăng áp lực kinh tế đối với Tehran. Sau đợt tăng cường trừng phạt mới nhất của Mỹ hồi tháng 5, các ủy ban liên kết với Iran mở các cuộc tấn công vào ít nhất 4 tàu chở dầu cũng như một đường ống của Saudi Arabia và các cơ sở khác nhau của Mỹ ở Iraq. Chính Tổng thống Rouhani hôm 28-7 cũng đã nhấn mạnh: “Gốc rễ của những sự kiện tồi tệ và căng thẳng trong khu vực ngày hôm nay chính là quyết định của Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân”.

Hồi tháng trước, cả hai đã may mắn tránh được một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp vào phút chót. Tehran thường đối mặt với những thách thức kinh tế, bắt đầu từ cuộc Cách mạng năm 1979 và cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài 8 năm với Iraq sau đó. Và các nhà lãnh đạo Iran có kinh nghiệm trong nỗ lực làm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng một sự bóp nghẹt vô thời hạn của Mỹ khiến Iran không thể ngồi im. Các nhà lãnh đạo Iran ban đầu tìm kiếm sự cứu trợ kinh tế từ Châu Âu, nhưng không có kết quả. Các chính phủ Châu Âu cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân, nhưng họ tỏ ra bất lực trước áp lực kinh tế từ Mỹ và việc các Cty châu Âu vội vã rời khỏi Iran vì sợ các hình phạt của Washington. Mặc dù Châu Âu cuối cùng đã ra mắt một kênh ngân hàng để bảo tồn một số giao dịch nhân đạo với Iran, nhưng rõ ràng là Châu Âu khó có thể bù đắp những mất mát cho việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, nguồn cơn của những căng thẳng hiện nay.

Iran đã tuyên bố làm giàu uranium cấp độ cao hơn. Và hôm 28-7, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi nhấn mạnh sẽ nối lại các hoạt động ở lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak. Nước nặng có thể được sử dụng trong các lò phản ứng để sản xuất plutonium, một nhiên liệu sử dụng trong các đầu đạn hạt nhân. Và nếu Mỹ không giảm nhẹ trừng phạt và cùng các nước Châu Âu khác nhanh chóng hành động, Vùng Vịnh sẽ khó yên.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_210101_tan-thu-tuong-anh-va-bai-toan-iran.aspx