Tận thấy nhà máy nhiệt điện gần 2 tỷ USD 'đắp chiếu' và tiếng thở dài xót xa

Chúng tôi tới nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tận thấy nhà máy gần 2 tỷ USD 'đắp chiếu' do không thể huy động hơn 2.000 tỷ đồng để hoàn thành và phát điện.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nhìn từ trên cao.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nhìn từ trên cao.

Nếu các khó khăn, vướng mắc của dự án không được giải quyết, việc thiếu nguồn vốn chi trả sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, gồm cả kỹ thuật và kinh tế, nguy cơ chậm tiến độ tiếp tục hiện hữu. Ngân sách và cả an ninh năng lượng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bất động 32.000 tỷ đồng

Đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Thái Thụy, Thái Bình) những ngày tháng 8, quang cảnh không nhộn nhịp như cách đây 2 năm. Trên công trường rộng cả trăm hecta với la liệt máy móc hiện đại, thi thoảng chúng tôi mới bắt gặp các nhóm công nhân từ 3 – 5 người đang kéo cáp, lắp đặt ống cống thoát nước hoặc bảo dưỡng máy móc…

Ông Bùi Sơn Trường, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – Tổng thầu dự án), cho biết từ đầu 2019, hoạt động sản xuất trên công trường chỉ dừng ở mức duy trì do thiếu tiền. Nếu như trước đây, lúc cao điểm, lượng công nhân luôn dao động từ 1.300 - 1.500 người, thì nay chỉ khoảng 300 người. Công việc chủ yếu chỉ là duy tu, bảo dưỡng.

Dòng vốn không được khơi thông, Nhiệt điện Thái Bình 2 đối diện nguy cơ chậm tiến độ.

Theo ông Nguyễn Thanh Lương, Phó ban Điều hành dự án (Tổng thầu PVC), đúng tiến độ thì dự án đang vào giai đoạn quyết liệt, chuẩn bị chạy thử. Tuy nhiên, do thiếu tiền, một số nhà thầu đang bị nợ lương, dẫn đến tình trạng công nhân phải tạm nghỉ việc.

Khó khăn chủ yếu của nhà máy, theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là thiếu tiền do vướng mắc về cơ chế tài chính. Dòng tiền bị tắc nghẽn khiến dự án phải triển khai cầm chừng từ nhiều tháng nay.

“Dự án được thu xếp vốn theo phương án cơ cấu 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay. Tuy nhiên đến nay, việc gia hạn tiếp tục giải ngân phần vốn vay nước ngoài (đã hết hạn giải ngân từ 28/9/2018) vẫn chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận. Trong khi đó, nguồn vốn vay trong nước chưa được các ngân hàng trong nước xem xét, cấp tín dụng, do vượt hạn mức, dự án chưa được đưa vào danh sách cấp tín dụng…”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, dự án có tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 32.000 tỷ đồng, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%.

Tổng thầu PVC và các nhà thầu phụ không còn đủ tài chính để tiếp tục triển khai dự án. Việc chủ yếu dựa vào tiền thanh toán từ chủ đầu tư theo Hợp đồng EPC, dẫn đến huy động nhân lực, máy móc và mua sắm vật tư không đầy đủ và đồng bộ. Các công việc triển khai xây dựng, lắp đặt chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Nếu các vướng mắc về cơ chế không được gỡ bỏ, dòng tiền không được khơi thông, nguy cơ dừng dự án là không thể tránh khỏi. “Dự án đã gần đến ngày về đích. Nhà máy là tài sản của nhân dân, của đất nước, nếu để nó thành đống sắt vụn thì vô cùng đáng tiếc và đau xót”, ông Lâm chia sẻ.

Chỉ 2.500 tỷ đồng nữa sẽ có 7 tỷ Kw điện/năm

Trong cuộc gặp giữa 4 cơ quan Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, tỉnh Thái Bình và Tập đoàn PVN ngày 23/7, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, nếu Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành chính thức, mỗi năm hệ thống điện quốc gia có thêm 7 tỷ kWh.

Ngược lại, nếu không kịp vận hành, từ năm 2020, mỗi năm ngành điện sẽ phải tốn chi phí khoảng 35.000 tỷ đồng để chạy dầu bù sản lượng điện của Nhà máy.

Bên trong Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, máy móc lắp đặt gần xong chỉ chờ ngày chạy thử.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm cho hay, để nhà máy chạy được, chỉ cần bỏ thêm khoảng 2.500 tỷ đồng. “Dự án có tổng mức đầu tư gần 42.000 tỷ đồng, giá trị đã giải ngân 32.000 tỷ, tức còn khoảng 10.000 tỷ đồng nữa. Nhưng theo tính toán của chúng tôi thì không đến vì trong đó có 10% dự phòng (khoảng 4.200 tỷ đồng), 5% giữ lại của tổng thầu (khoảng 2.100 tỷ đồng), và tiền mua dầu, than chạy thử trước bàn giao khoảng 1.500 tỷ. Như vậy, để chạy được chỉ cần khoảng 2.500 tỷ đồng”, ông Lâm tính toán rồi thở dài...

Ban quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho rằng, 2.500 tỷ là số tiền không lớn so với tổng vốn đầu tư và lợi ích mà dự án mang lại. Hơn nữa, việc bỏ thêm 2.500 tỷ đồng để hoàn thành 16% khối lượng công việc còn lại sẽ giúp mỗi năm có thêm 7 tỷ kWh bổ sung vào nguồn cung điện đang dự báo thiếu hụt trầm trọng sau năm 2020.

Theo ông Bùi Sơn Trường, trước mắt dự án cần khoảng 1.000 tỷ đồng để triển khai công việc cho tới giai đoạn đốt dầu và 1.500 tỷ đồng cho tới lúc đốt than. “Chúng tôi đã lên các phương án, nếu những vướng mắc về dòng tiền cho dự án được khơi thông ngay từ đầu tháng 8 thì đến cuối năm 2020 chúng tôi sẽ phát điện được”, ông Trường nói.

Tổn thất lớn nếu dừng dự án

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, dự án đến nay đã đạt tiến độ tổng thể 84,1%, trong đó thiết kế đạt 99,6%, mua sắm 95%, gia công – chế tạo – vận chuyển đạt 93,7%, thi công 82,1%, chạy thử đạt 3,51%...

Công tác thiết kế, gia công chế tạo và thi công lắp đặt các hạng mục nhà máy chính đã cơ bản hoàn thành. Các hệ thống cung cấp nước ngọt, xử lý nước, sân phân phối 220kV, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã chạy thử… Tổng khối lượng lắp đặt đạt khoảng 93%.

Các công việc còn lại chủ yếu là công tác hoàn thiện hạng mục, gia công chế tạo và lắp đặt kết cấu thép hệ thống vận chuyển than, các gói thầu phục vụ công tác chạy thử như thông rửa đường ống…

Phó trưởng Ban quản lý Dự án Nguyễn Hoàng Lâm cho biết để nhà máy chạy được, chỉ cần bỏ thêm khoảng 2.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Sơn Trường cho biết nếu dự án bị dừng bây giờ thì sẽ tổn thất vô cùng lớn. Hơn 32.000 tỷ đã giải ngân là giá trị sổ sách, giá trị thực tế khi thanh lý sẽ giảm rất nhiều do mất chi phí định giá, đấu giá, trông coi trong quá trình hoàn thiện thủ tục.

Thứ nữa an ninh năng lượng bị ảnh hưởng do dự án có khả năng cung cấp 7,2 tỷ kW/h điện thương phẩm mỗi năm.

Ngoài ra, khi dự án bị đình trệ, niềm tin của người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các vấn đề về an ninh, trật tự cũng phát sinh do các nhà thầu phụ bị nợ tiền thi công sẽ có những phản ứng gay gắt.

“Nếu chậm tiến độ, mỗi tháng chúng tôi phải chi cho dự án 3,5 tỷ đồng gồm lương cán bộ, quản lý, điện, nước, chi phí bảo vệ, chi phí vệ sinh công nghiệp… Như vậy, chậm tiến độ 1 năm phải bỏ ra thêm hơn 40 tỷ đồng”, ông Trường nói.

Thiết bị bảo quản tốt, chưa có dấu hiệu xuống cấp

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và đoàn công tác của Chủ đầu tư trong đợt kiểm tra gần đây, các cụm thiết bị chính như lò hơi, và các thiết bị phụ trợ như quạt gió, quạt khói, tuabin và các hệ thống bơm cấp, bơm ngưng, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống lọc bụi tĩnh điện… đều đảm bảo, chưa có dấu hiệu xuống cấp.

Tuy nhiên, theo Ban quản lý Điện lực Dầu khí Thái Bình 2, cần sớm chạy thử các hệ thống và đưa vào vận hành sử dụng để giảm thiểu hư hại.

Dự kiến, Tổ máy số 1 sẽ được phát điện vào tháng 6/2020 và Tổ máy số 2 phát điện vào 10/2020. Tuy nhiên, để hoàn thành theo tiến độ, các khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Theo VTC

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/tan-thay-nha-may-nhiet-dien-gan-2-ty-usd-dap-chieu-va-tieng-tho-dai-xot-xa-1461072.tpo