Tận thấy học và chơi kiểu Nhật Bản tại Việt Nam

Những bài tập vận động lý thú giữa giờ học, bữa ăn nhiều rau xanh và chia sẻ kiến thức về lối sống lành mạnh theo kiểu Nhật Bản trong học đường là chìa khóa giúp các em học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP. Hải Phòng) luôn hứng khởi.

Các em học sinh của trường rất hào hứng với bài tập Đ-FIT bởi nó mang đặc trưng riêng của trường với chữ Đ là viết tắt của tên trường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Việt Cường

Các em học sinh của trường rất hào hứng với bài tập Đ-FIT bởi nó mang đặc trưng riêng của trường với chữ Đ là viết tắt của tên trường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Việt Cường

Kết quả này có được từ sự nỗ lực không chỉ của nhà trường và cơ quan y tế địa phương mà còn có sự hỗ trợ tích cực từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong khuôn khổ Dự án xây dựng mô hình phòng chống bệnh liên quan đến lối sống tại một số trường tiểu học trên địa bàn TP.Hải Phòng (3/2016 – 2/2019).

“Với mô hình vận động Đ-FIT, các em có thể tập những vận động ngay trong thời gian chuyển tiếp giữa các tiết học mà không cần phải đến giờ thể dục mới tập được”, cô Nguyễn Thị Vân Anh (Hiệu trưởng trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng – thành phố Hải Phòng) chia sẻ khi dẫn chúng tôi đi thăm một tiết thể dục chính khóa của các em học sinh lớp 4 của trường.

Bài tập vận động này được sáng tạo từ mô hình bài tập vận động J-FIT của một trường tiểu học tại tỉnh Kagawa (Nhật Bản) trong chuyến tập huấn do JICA tổ chức đưa các thầy cô trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đến thăm mô hình tại nước Nhật.

Theo lời giải thích của cô Vân Anh, chữ Đ là từ vắt tắt của tên trường Đinh Tiên Hoàng. “Chúng tôi chuyển hóa thành bài vận động riêng, mang đặc trưng riêng của trường. Điều này sẽ giúp các em thoải mái, gần gũi và tự tin hơn khi tập các bài vận động”, cô Vân Anh chia sẻ thêm.

Lãnh đạo JICA tại Việt Nam tham quan một giờ ăn trưa của học sinh tại trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Việt Cường

Bài tập không chỉ được thay đổi về tên để tạo sự liên kết gần gũi với học sinh trong trường, mà còn được tập thể giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng thay đổi, sáng tạo sao cho phù hợp với không gian chật hẹp, thời gian phân bổ chương trình học văn hóa tại các trường học ở Việt Nam.

Ngoài những bài tập vận động chính, Đ–FIT còn bao gồm những vận động phụ rất “linh động” có thể thực hiện ngay tại không gian trong lớp học, trong thời gian nghỉ giải lao 5 phút ít ỏi giữa các tiết học. Khi đi qua các lớp học của trường, để lên phòng có tiết học chính về bài vận động Đ–FIT, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cô bé, cậu bé, lắc lư cái đầu, uốn người sang trái, uốn người sang phải, duỗi tay, duỗi chân,… rất nhịp nhàng, động tác mau lẹ, vì các em đang tranh thủ thời gian nghỉ giữ hai tiết học.

Phòng thể chất, có khoảng vài chục học sinh lớp 4 đang tập bài khởi động Đ–FIT theo sự hướng dẫn của thầy Đặng Xuân Hiếu. Thầy Hiếu cho biết: “Các em rất nhạy với các bài tập vận động kiểu năng động nhưng đơn giản như Đ–FIT. Bởi vậy, chỉ cần hướng dẫn một vài lần đầu, các em đã nắm bắt được cả bài và còn tự truyền dạy cho các bạn vào sau”.

Theo mô hình bài tập vận động J–FIT, các em nhỏ còn được tham gia vận động và chơi các trò chơi dân gian của Nhật, thì tại trường Đinh Tiên Hoàng, các em cũng được lồng ghép vào đó các trò chơi dân gian Việt Nam như: Kéo co, tri tri chành trành, bịt mắt bắt dê…

Đương nhiên, việc tập bài vận động Đ–FIT chỉ là một phần trong những hoạt động được triển khai trong dự án mô hình phòng bệnh học đường của JICA. Để những học sinh có thể thoát khỏi tình trạng thừa cân, tiềm ẩn nguy cơ béo phì, chế độ dinh dưỡng là yếu tố quyết định quan trọng.

Bởi vậy, năm 2018, nội dung trọng tâm trở thành slogan chính trong bữa ăn của trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đó là “ăn bắt đầu từ rau”. Những thực đơn cho học sinh tại trường đều được các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu và đưa ra thành công thức cho mỗi khẩu phần ăn. Thực đơn tại các trường mẫu đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngăn ngừa phòng chống bệnh béo phì.

Nhờ công tác tuyên truyền, việc thực hiện các công đoạn vệ sinh trước khi vào bữa ăn đã trở thành thói quen tự giác của mỗi học sinh.

Theo cô Vân Anh, để các học sinh có thể thực hiện một lịch sinh hoạt điều độ và thành thói quen “là cả một quá trình tập thể trường Đinh Tiên Hoàng lập kế hoạch tuyên truyền đến phụ huynh học sinh trong toàn trường”.

Tham gia dự án từ năm 2016, sau khi được các chuyên gia của JICA đến trường tập huấn, hướng dẫn cũng như đưa đi thăm mô hình điểm của tỉnh Kagawa, tập thể trường Đinh Tiên Hoàng đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Không chỉ giáo viên chủ nhiệm trực tiếp tuyên truyền đến các phụ huynh học sinh, nhà trường còn tổ chức những buổi tuyên truyền tập trung do chính cô Vân Anh và các chuyên gia JICA trực tiếp truyền đạt kiến thức đến các phụ huynh.

Nhân rộng mô hình

Bác sĩ Đồng Trung Kiên, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hải Phòng cho biết, Trung tâm y tế dự phòng đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để lên kế hoạch nhân rộng dự án này.

Hiện nay, về mặt chuyên môn, Trung tâm y tế dự phòng đã xây dựng bộ tài liệu truyền thông, hướng dẫn các phương pháp, các bước triển khai cụ thể mô hình về phòng bệnh lối sống học đường. Mô hình này, trước tiên có thể nhân rộng đến các trường trong các quận huyện của Thành phố. Nếu trường nào đăng ký triển khai mô hình, Trung tâm y tế dự phòng sẽ cử chuyên gia xuống tư vấn thực hiện triển khai mô hình.

Bác sĩ Kiên cũng chia sẻ khó khăn khi thực hiện mô hình phòng bệnh lối sống học đường tại Việt Nam. “Một trường học bên Nhật Bản chỉ có 200 học sinh nhưng khuôn viên nhà trường rộng từ 2 – 4 ha”, bác sĩ Kiên ví dụ về sự chênh lệch không gian, cơ sở vật chất giữa các trường học ở Nhật Bản và Việt Nam. Bởi vậy, việc “thuần Việt” các mô hình vận động từ Nhật do tập thể trường Đinh Tiên Hoàng thực hiện, theo bác sỹ Kiên là rất sáng tạo và xứng đáng nhân rộng.

“Theo tôi, nếu nhận được sự đồng lòng, nhiệt tình và quyết liệt của cả tập thể trường học giống như trường Đinh Tiên Hoàng thì không quá khó để khắc phục những hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất khi việc triển khai mô hình này trong trường học. Quan trọng hơn cả là việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mọi người”, bác sĩ Kiên nhấn mạnh.

Để xây dựng thói quen ăn uống khoa học, một thực đơn đủ dinh dưỡng và ngon miệng là điều cần thiết. Ảnh: Thùy Hương

Theo đó, trong năm thứ nhất thực hiện dự án, JICA phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng thực hiện đào tạo cán bộ y tế của trường mẫu, xây dựng mô hình phòng chống bệnh liên quan đến lối sống. Năm thứ hai, nhân rộng kết quả của năm thứ nhất đến trường mẫu khác. Năm thứ ba, hướng tới hoàn thiện thể chế thực hiện như lồng ghép vào chương trình giáo dục, tổ chức các khóa đào tạo theo nhu cầu thực tế.

“Cách tiếp cận thông thường khi muốn thay đổi chế độ ăn, người ta thường thực hiện bằng những tờ rơi, tờ quảng cáo. Nhưng dự án này tiếp cận từ trẻ em. Trẻ em tiếp thu rất nhanh và nhớ cũng rất lâu. Nhiều em không thích ăn rau nhưng sau khi được tuyên truyền giới thiệu thì thích ăn rau hơn. Khi nhận thức được rồi, thì các em sẽ nói lại với người lớn. Và đó chính là một cách truyền thông hiệu quả”, ông Kobayashi Ryutaro, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam chia sẻ về cách tiếp cận mới của dự án.

Hiện nay, tại Hải Phòng đang có hai trường thực hiện dự án, đó là: trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng – Quận Hồng Bàng và Trường Tiểu học Lê Hồng Phong – Quận Ngô Quyền.

Nhìn vào các em học sinh lớp 4 của trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đang cười vui tập luyện những bài tập vận động Đ-FIT năng động, bác sỹ Kiên chia sẻ: “Đây chính là cái đích của chúng tôi, cũng là cái đích của dự án. Đó là một thế hệ tương lai khỏe mạnh cả về trí về lực”./.

Thảo Vy

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/jica-chia-se-giai-phap-cho-loi-song-it-van-dong-trong-truong-hoc-viet-nam-75688.html