Tân Sửu vinh quy

Trong lịch sử khoa bảng Nho học Việt Nam, có ba vị trạng nguyên được đề danh bảng vàng vào các khoa thi năm Tân Sửu.

Người đầu tiên là trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, thi đỗ năm Tân Sửu 1481 đời vua Lê Thánh Tông.

Đúng 60 năm sau, khoa thi năm Tân Sửu 1541, Nguyễn Kỳ người phủ Khoái Châu ẵm chức trạng nguyên.

Người thứ ba có duyên lều chõng với năm Tân Sửu là Đặng Công Chất ở trấn Kinh Bắc, đỗ đầu khoa thi năm 1661.

Nho sinh từ thời Hậu Lê trở về sau, đỗ trạng nguyên đồng nghĩa với việc sẽ được nếm hưởng hai vinh dự lớn. Thứ nhất là được khắc tên vào bia tiến sĩ ở Văn Miếu lưu danh nghìn đời. Sau nữa là được ban ân tứ vinh quy quang tông diệu tổ.

Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, học giả Phan Huy Chú lần đầu đề cập cụ thể lệ vinh quy bái tổ của các quan trạng là vào khoa thi Tân Sửu năm 1481, trạng nguyên Phạm Đôn Lễ được vua Lê Thánh Tông định lệ sai Mã cứu ty kén ngựa tốt rước long trọng về làng. Từ đó về sau, nương theo dòng phát triển của nền khoa cử Nho học, lễ vinh quy dành cho các quan tân khoa dần trở thành một sinh hoạt văn hóa với những nghi thức ít nhiều thay đổi qua các triều đại, có lắm điều hay nhưng cũng không ít giai thoại bi hài.

Không hay sao được! Cái không khí náo nức của ngày lễ vinh quy bắt đầu được nhen nhóm từ cả nửa tháng trước khi quan tân khoa về làng bái tổ. Ta thử hòa mình vào cái buổi chiều trước ngày vinh hạnh tột bậc của làng được nhà văn Ngô Tất Tố mô tả rất sống động trong tác phẩm Lều chõng mà xem:

“Ông này nhắc làng mình thật được hướng đình. Ông kia đoán họ Trần kết ngôi mộ tổ. Bà này bảo cụ đồ phúc đức hiền hậu, chịu khó lễ các đền chùa. Bà kia khen cô nghè tốt nết đủ điều, biết phân biệt kẻ trên người dưới. Cái hoa gạo nở đầu tháng giêng đã được tán là điềm tốt. Con khanh khách kêu trên các đình giữa ngày khai hạ, cũng được tôn là tin mừng”.

Rồi đến ngày quan tân khoa cờ biển về quê, cả làng vui như vào hội xuân, nô nức ra đón người con ưu tú góp phần làm rạng danh quê cha đất tổ. Đó là chưa kể nếu là quan đỗ đại khoa thì dân cả một huyện phải ra rước trong tiếng tù và inh ỏi.

Quan đỗ tiến sĩ lại còn lẫy lừng hơn nữa, được phục sức trong chiếc áo thụng lam cài nhành hoa bạc vua ban, xiêm sa thêu mây ngũ sắc, cờ mở trống dong, cưỡi ngựa che lọng, lính hầu hai bên tháp tùng. Từ thầy dạy cho chí cha mẹ và vợ của quan tân khoa đều được ngồi võng trần, che lọng, được dân rước về đình làng.

Hai bên đường, các bậc kỳ mục đem theo long đình lẫn đồ nghi trượng, sự thần ra đón quan tân khoa, tự thưởng cho mình một vẻ cười hãnh diện vì từ nay có thể nở mày nở mặt với các làng khác.

Lớp thiếu nữ thì e thẹn dò ý, soi tìm ánh mắt quan tân khoa chưa thành gia lập thất, trong lòng không tránh khỏi rộn lên cái ước mơ trong trẻo được trở thành bà Nghè bà Cống.

Đến đám trẻ con cũng xúm xa xúm xít, tận hưởng một ngày hội làng còn hiếm hoi hơn cả ngày tết. Thôi thì, đối với quan tân khoa, bao nhiêu nợ bút nghiên, nợ đom đóm đều được trả đủ trong một buổi sáng huy hoàng.

 Tranh của họa sĩ Nguyễn Công Hoa, in trong Sách Tết Tân Sửu 2021. Nguồn: Đông A.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Công Hoa, in trong Sách Tết Tân Sửu 2021. Nguồn: Đông A.

Kéo theo niềm vinh dự tột bậc của ngày lễ vinh quy là những khoản lợi ích thiết thực không nhỏ. Một người gốc nông dân nếu đỗ đạt làm quan sẽ được vươn lên gia nhập tầng lớp trí thức, thoát khỏi cái nghiệp cày sâu cuốc bẫm, được bổ dụng làm quan và hưởng bổng lộc triều đình. Gia đình của quan tân khoa sẽ được cấp ruộng trong làng và được thăng bậc thượng hạng, có vai có vế với hàng tổng hàng mạc.

Bởi thế, ngày lễ vinh quy không chỉ có ý nghĩa thăng tiến với bản thân quan tân khoa, mà còn góp phần xiển dương sự học và chế độ khoa cử Nho học. Không ít đứa trẻ từng chứng kiến ngày lễ vinh quy bái tổ thầm nuôi dưỡng chí nguyện học hành, miệt mài nấu sử sôi kinh, mong đến ngày tên tuổi được truyền lô và yết trên bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa.

Không ít cô thôn nữ mới lớn vì say mê cái cảnh vinh quy rộn rã mà có động lực ngày đêm tần tảo nuôi chồng đèn sách ăn học, mong đến ngày được “ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau” trong ngày quang tông diệu tổ như nhà thơ Nguyễn Bính mượn lời tâm sự:

"Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
Chồng tôi thi đỗ khoa này
Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi".

Ngày vinh quy không chỉ có lễ, mà còn có hội, giống như bao sinh hoạt văn hóa khác của làng. Dù là tú tài hay tiến sĩ, ngày vinh quy không thể thiếu những mâm cỗ đầy ăm ắp thịt trâu thịt bò, trước để lễ văn chỉ, lễ gia từ, sau là để khoản đãi dân làng họ mạc. Có đám ăn mừng kéo dài đến dăm bảy ngày, trong nhà đầy cả câu thơ, liễn đối, trướng mừng được khách dự tiệc trao tặng.

Nếu như cái lễ luôn làm cho quan tân khoa và gia đình nở mặt, thì cái hội không phải lúc nào cũng khiến cho quan êm mày. Một số quan tân khoa có gia cảnh bần hàn, vì sĩ diện mà phải đi vay mượn bà con thân thích để làm bữa ăn đãi làng. Tiệc chưa kịp tàn thì giấy công nợ đã lơ lửng trên đầu, phải lo ốm xác trả nợ.

Trong tác phẩm Việt Nam phong tục, học giả Phan Kế Bính còn kể chuyện có người vì chưa thể lo được bữa cơm đãi làng mà phải để hoãn đến một vài tháng mới dám để dân làng đi rước lễ vinh quy, thậm chí có người vì sợ phiền phí đến nỗi trốn ở làng khác, không dám rước xách gì nữa. Cũng vì thế mà học giả họ Phan buông lời bình luận: “Vậy thì cái tục quý trọng ấy tuy cũng có vinh hiển cho người, nhưng lại làm cực khổ cho người”.

Từ đầu thế kỷ XX, dấu chấm hết của nền khoa bảng Nho học tại Việt Nam đã đẩy cái không khí huy hoàng của ngày lễ vinh quy bái tổ vào trong ký ức dân gian, chỉ thỉnh thoảng sống lại trong những áng văn chương hoài cổ hoặc trong những bức tranh Đông Hồ thơm mùi giấy điệp.

Tuy nhiên, cái sinh khí trọng văn hiếu học được phái xuất âm thầm từ những ngày lễ vinh quy vẫn còn lan tỏa trong không ít làng xã Việt Nam, như nó đã từng trong thời kỳ Nho học chiếm địa vị độc tôn trong chế độ khoa cử.

Tiêu biểu như làng Mộ Trạch ở Hải Dương hơn 800 năm tuổi từng sản sinh 36 vị tiến sĩ Nho học, trong đó có một trạng nguyên và mười một hoàng giáp, ngày nay vẫn chú trọng gìn giữ mạch nguồn hiếu học, xứng đáng với lời khen tặng của vua Tự Đức: Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ (Một gia đình ở Mộ Trạch bằng cả nửa thiên hạ). Ai ở Mộ Trạch cũng tin câu chuyện về giếng làng thiêng liêng, hội tụ tinh hoa đất trời, mang đến nguồn nước nuôi dưỡng sự thông minh và chí học hành cho con em trong làng. Phải chăng chính nhờ niềm tin đơn sơ ấy mà sinh khí trọng văn, chuộng sự học cứ len lỏi mãi vào mỗi nếp nhà người dân Mộ Trạch.

Ngày nay, khi xã hội đang dần hướng đến sự đơn giản và đề cao tinh thần tiết kiệm, một ngày lễ vinh quy với đầy đủ hội hè đình đám có lẽ không còn cần thiết. Nhưng sinh khí trọng văn trọng tài trong buổi lễ vinh quy ngày trước vẫn còn nguyên giá trị hun đúc và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Không cần phải cờ mở trống dong, không cần phải xiêm sa áo thụng, chỉ cần một sự ngưỡng vọng ý nhị và xứng đáng của xã hội dành cho các học vị (đích thực) thời hiện đại có lẽ cũng đủ báo hiệu hội xuân thực sự cho nền giáo dục nước nhà.

Đạt Nhân / Đông A và NXB Văn học

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tan-suu-vinh-quy-post1183127.html