Tân sinh viên tìm nhà trọ: Cảnh giác các chiêu lừa

Đầu năm học mới, nhu cầu tìm nhà trọ tại Hà Nội gia tăng bởi đông đảo tân sinh viên từ khắp nơi đổ về nhập học. Đây cũng là dịp các cò mồi tranh thủ 'kiếm ăn', nhiều chủ nhà ép khách thuê đặt nhiều tiền cọc, lật ngược những thỏa thuận ban đầu, thu thêm hàng loạt phí…

Chiêu trò của “cò mồi”

Nhu cầu nhà trọ vào đầu năm học mới luôn là sự quan tâm hàng đầu của các tân sinh viên. Do nhà trọ khan hiếm, nhiều tân sinh viên phải tìm nhà trọ ngay từ khi nhận được thông tin trúng tuyển. Bà Nguyễn Thị Tuyết (trú tại khu tập thể Đại học Công nghiệp Hà Nội, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) cho hay, trong khu tập thể có khoảng 70 căn hộ. Mỗi căn hộ có diện tích đất khoảng 22m2, được xây 4 - 5 tầng, phần lớn nhà nào cũng dành một tầng để cho sinh viên thuê. Cũng bởi nhu cầu nhà trọ tăng cao, cách đây một tháng, các phòng cho thuê trọ ở khu vực này đã được lấp đầy. Thuê trọ ở cùng chủ nhà cũng là xu hướng của phần lớn tân sinh viên, phụ huynh cũng yên tâm khi con ở cùng chủ nhà.

 Tòa chung cư mini với gần 30 căn hộ cho thuê ở phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) dù chưa xây xong nhưng đã kín chỗ. Ảnh: Phương Nguyên

Tòa chung cư mini với gần 30 căn hộ cho thuê ở phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) dù chưa xây xong nhưng đã kín chỗ. Ảnh: Phương Nguyên

Trong thời buổi thông tin trên mạng internet tràn lan, nhiều tân sinh viên chọn phương án tìm nhà trọ qua các kênh online. Tuy nhiên, các em không biết rằng, có nhiều cạm bẫy khi nhiều chủ nhà trọ lại chính là các đối tượng “cò mồi”. Trúng tuyển vào Đại học Khoa học Tự nhiên, Nguyễn Văn Nam (quê Nghệ An) đã liên hệ với một chủ nhà trọ trên mạng, đưa đi xem phòng khu vực đường Nguyễn Trãi. Khi gặp mặt, Nam mới biết đây chỉ là người môi giới nhưng cũng tặc lưỡi đi xem nhà. Đến tận nơi mục sở thị nhà trọ được rao trên mạng có giá 2 triệu đồng, thì phòng đã hết. Đối tượng thông báo, do đến chậm nên vừa có người thuê mất vài giờ trước đó, đồng thời, giới thiệu sang một căn phòng khác có giá 4 triệu đồng/tháng. Một mình không kham được giá này, Nam từ chối, quyết định không nhờ “cò mồi” nữa thì bị đòi trả chi phí xăng xe, đi lại 300.000 đồng.
Trường hợp Hoàng Văn Thành (tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) mặc dù cẩn thận nhưng cũng rơi vào bẫy của “cò”. Thành trực tiếp đi tìm nhà, đọc được thông tin “nhà chính chủ” mới liên hệ, thế nhưng khi hẹn đi xem nhà, thì đối tượng mới giới thiệu “nhà ông anh”, nhưng vừa hết phòng. Chiêu trò của đối tượng tinh vi, khi bỏ thời gian đi dán các tờ rơi cho thuê phòng “nhà chính chủ” khiến các tân sinh viên cảm thấy tin tưởng. Đối tượng gạ gẫm xin 300.000 đồng tiền môi giới, hứa tìm phòng ưng ý, giá cả phải chăng khiến Thành xuôi tai. Tuy nhiên, vài ngày sau Thành liên hệ lại thì điện thoại “tò-tí-te”.
Cẩn trọng không thừa
Các tân sinh viên đi tìm nhà trọ thường có tâm lý tin tưởng vào tờ rơi dán thông báo cho thuê phòng trên cột điện, tường nhà dân ở gần trường. Tuy nhiên, khi liên hệ phần lớn đều gặp “cò”. Có trường hợp, khi đến địa chỉ ghi trên tờ rơi, sinh viên được giới thiệu những căn phòng đẹp, giá cả phải chăng, giá điện, giá nước mềm, có cả internet và truyền hình cáp. Khi sinh viên đồng ý thuê phòng, sẽ được yêu cầu đặt cọc với số tiền cao để “tin tưởng”. Đổi lại, họ sẽ ghi giấy nhận đặt cọc cùng các khoản thỏa thuận, nhưng khi đến hẹn, trở lại để ký hợp đồng thuê nhà, lại được gặp chủ nhà khác, chiêu bài khác khiến sinh viên phải ngậm ngùi thuê trọ đỡ mất tiền cọc, hoặc “bỏ của chạy lấy người”, không thể đòi lại được tiền.
Trong khi đó, nhiều trường hợp do chủ quan, lần đầu đi thuê nhà, không tìm hiểu kỹ về nhà trọ, đến khi nhận phòng mới tá hỏa với hàng loạt phí phải nộp, nào tiền dịch vụ, tiền vệ sinh, tiền nước, tiền điện, tiền mạng… với giá trên trời. Cũng vì “sốt” nhà trọ nên các tân sinh viên đành phải ngậm ngùi chấp nhận, chờ xong hợp đồng lại tìm chỗ trọ khác. Do đó, các sinh viên cần cẩn trọng không để bị sa bẫy của các "cò" thuê trọ. Khi tìm được phòng trọ, cần làm việc cụ thể với chủ nhà, xem kỹ các điều khoản hợp đồng, thỏa thuận rõ ràng về tiền thuê nhà, các chi phí dịch vụ, tiền điện, tiền nước... Đồng thời, tìm hiểu thêm thông tin từ các gia đình hàng xóm, những người đang thuê trọ để được đảm bảo, không xảy ra trường hợp "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa".

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tan-sinh-vien-tim-nha-tro-canh-giac-cac-chieu-lua-324210.html