Tàn nhưng không phế

Bà Trương Thị Trung (69 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM), bệnh nhân tại Khoa Điều trị phong nội trú, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai được các bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân trong khoa đánh giá là người có ý chí vượt qua nghịch cảnh.

Mắc phải căn bệnh phong đã hơn 30 năm, hiện bệnh của bà Trương Thị Trung đã điều trị khỏi nhưng chân, tay của bà đã không còn lành lặn

Mắc phải căn bệnh phong đã hơn 30 năm, hiện bệnh của bà Trương Thị Trung đã điều trị khỏi nhưng chân, tay của bà đã không còn lành lặn

Từ một nhân viên hành chính trong ngành Giáo dục ở TP.HCM, tốt nghiệp Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), bà Trung nghỉ việc theo cha đi làm kinh tế mới ở xã Lộ 25, H.Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai).

Mặc dù chân trái đã bị cụt nhưng bà Trung vẫn di chuyển nhanh nhẹn bằng chiếc ghế nhựa

Bà Trung kể, cuộc sống của gia đình đang yên ổn, đến giữa năm 1986, bà phát hiện mình bị bệnh phong. Cha mẹ của bà tìm đủ mọi cách để chữa trị cho bà nhưng bệnh ngày một trầm trọng hơn. Sau 2 năm chống chọi với bệnh tật, bà Trung đã được cha mẹ đưa đến Bệnh viện Da liễu Đồng Nai để điều trị. Việc vào viện điều trị bệnh của bà như một cuộc chạy trốn trước sự kỳ thị của những người xung quanh.

Bà Trung thường đọc sách để giải trí trong thời gian ở bệnh viện

Bà Trung kể, sau khi được các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Da liễu Đồng Nai điều trị, chăm sóc, bệnh của bà cũng dần thuyên giảm. Tuy nhiên, do thời kỳ mới phát bệnh, việc chữa trị không được đảm bảo nên chân, tay của bà đã bị hoại tử và cụt dần, khuôn mặt cũng bị biến dạng. Việc đi lại của bà cũng ngày một khó khăn hơn dù đến nay bệnh phong đã khỏi hẳn. Chính vì vậy, bà quyết định gắn bó cuộc đời mình với khu điều trị bệnh nhân phong, thuộc Khoa điều trị phong nội trú Bệnh viện Da liễu Đồng Nai.

Bà Trung rất vui khi biết sử dụng điện thoại thông minh, giúp bà thường xuyên nói chuyện với em gái, người thân duy nhất của bà

Sau khi gửi bà vào viện điều trị, những năm sau đó, cha mẹ của bà cũng già yếu rồi lần lượt qua đời. Hiện bà chỉ còn một người em gái đã lập gia đình và đang sinh sống tại TP.HCM. Thi thoảng, em gái vẫn vào thăm bà nhưng những năm gần đây, do sức khỏe em gái của bà yếu đi nên những lần xuống thăm bà cũng thưa dần.

Bà Trung luôn được các bệnh nhân trong khoa quý mến. Trong ảnh: Một bệnh nhân điều trị cùng Khoa Điều trị phong nội trú, Bệnh viện da liễu Đồng Nai lấy cơm giùm bà Trung

Hơn 30 năm gắn bó với khu điều trị bệnh nhân phong, thuộc Khoa điều trị phong nội trú Bệnh viện da liễu Đồng Nai, bà Trung được các bệnh nhân khâm phục vì sự kiên trì điều trị bệnh. Mặc dù các ngón tay đã bị cụt hoàn toàn nhưng bà vẫn tận dụng mu bàn tay để làm mọi việc cá nhân mà không phiền đến ai. Thậm chí, bà còn tập viết để viết thư giúp các bệnh nhân trong khoa. Bà còn sử dụng được điện thoại thông minh để đọc tin tức, đọc truyện cho các bệnh nhân cùng nghe.

Gắn bó với Bệnh viện Da liễu Đồng Nai đã 33 năm, bà Trung luôn coi đây là ngôi nhà của mình

BS Phạm Văn Thao, Khoa Điều trị phong nội trú, Bệnh viện da liễu Đồng Nai nhận xét, bà Trung là một trong những bệnh nhân có ý chí lạc quan cao, không chỉ kiên trì điều trị bệnh, vượt qua nghịch cảnh mà bà còn động viên, giúp đỡ những bệnh nhân trong khoa kiên nhẫn điều trị với tinh thần “tàn nhưng không phế”. Do đó, bà được các bệnh nhân nơi đây tin tưởng, quý trọng và coi như người thân của mình.

Cứ mỗi buổi sáng, những bệnh nhân cùng điều trị trong khoa quây quần ngoài hành lang để trò chuyện

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202104/tan-nhung-khong-phe-3052664/