Tan nhà nát cửa vì án oan 24 năm trước

Án oan không chỉ là nỗi đau của người trong cuộc mà còn là sự tắc trách của các cơ quan thực thi pháp luật. Một bản án tù oan gần 24 năm trước, không chỉ cướp đi sự tự do của người đàn ông gần 'thất thập cổ lai hy', mà còn hủy hoại gia đình đang hạnh phúc.

Vi phạm thủ tục tố tụng trong án oan gần 1/4 thế kỷ

Vào năm 1994, ông Chu Quang Hưng (lúc đó 47 tuổi) đã bán căn nhà số 31 đường Kim Biên, Quận 5, Tp.HCM. Trong quá trình mua bán, do xảy ra tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng với bên mua nên ông Hưng khởi kiện.

Đến ngày 21/11/1995, ông Hưng bị CQĐT, VKSND Tp.HCM ra lệnh bắt giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồ sơ sau đó được chuyển qua Tòa án cùng cấp xét xử nhưng bị trả về điều tra bổ sung.

Tháng 3/1996, cơ quan CSĐT bổ sung quyết định khởi tố ông Hưng về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau 390 ngày tạm giữ, ông được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

TAND Tp.HCM lúc bấy giờ đã xác định, Thẩm phán Nguyễn Lâm can thiệp vào việc chuyển nhượng nhà của ông Hưng đã dẫn đến án oan nghiêm trọng. Thẩm phán Lâm sau đó bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, không được tái bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tp.HCM trong nhiệm kỳ sau đó. Trong đơn giải trình, nguyên Thẩm phán này đã thừa nhận do sốt ruột với việc người thân (là bên mua - ông Nam) có nguy cơ mất tiền khi tranh chấp nhà với ông Hưng, nên đã can thiệp vào vụ án.

Ông Chu Quang Hưng đã gần "thất thập cổ lai hy" mà vẫn miệt mài đi tìm công lý.

Ông Chu Quang Hưng đã gần "thất thập cổ lai hy" mà vẫn miệt mài đi tìm công lý.

Năm 1999, các cơ quan có thẩm quyền điều tra và thông báo kết quả xử lý những người thực thi pháp luật cố tình gây oan sai, và xin lỗi ông Hưng. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng cơ quan chức năng xử lý chưa nghiêm. Vì vậy, ông không nhận lời xin lỗi mà đề nghị pháp luật xử lý hình sự những người gây oan sai.

Năm 2002, Ủy ban Pháp luật Quốc hội có công văn gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị giải quyết. Đến năm 2005, VKS Tp.HCM đình chỉ vụ án đối với ông Chu Quang Hưng với lý do không cấu thành tội phạm, các giao dịch trong việc chuyển nhượng nhà là quan hệ dân sự.

Liên quan đến việc tạm giam oan ông Hưng 13 tháng, các cơ quan tiến hành tố tụng Tp.HCM gồm CQĐT, VKS, TAND đã họp liên ngành, xử lý kỷ luật 7 cán bộ bằng hình thức cảnh cáo và khiển trách. Điều tra viên bị hạ cấp bậc từ Đại Úy xuống Thượng Úy.

Gần 1/4 thế kỷ qua, ông Hưng viết nhiều đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi. Trong đơn, ông yêu cầu được xin lỗi công khai, bồi thường 1 đồng danh dự và 99 tỷ đồng thiệt hại về vật chất, tinh thần mà ông và gia đình đã gánh chịu 24 năm qua.

Lời xin lỗi có trả lại công lý?

Mấy ai biết, chỉ vì 13 tháng tù oan ức 24 năm trước mà một gia đình hạnh phúc đã tan nhà nát cửa. Suốt hai năm liền (1994-1995) trong thời gian vợ chồng ông bị tạm giam, 4 đứa con thơ dại lúc đó chỉ mới 6-12 tuổi, không ai nuôi dưỡng, đã bỏ nhà đi bụi. Hai người con đã chết vì theo bạn bè xấu rủ rê nghiện ngập. "Mất mát này không thể nào bù đắp nổi." - giọng người đàn ông nghẹn ngào chua chát.

Chiều 19/04 vừa qua, tại UBND Phường 13, Quận 5, VKSND Tp.HCM đã tổ chức xin lỗi công khai ông Hưng về vụ án oan 24 năm trước. Ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Viện trưởng VKSND Tp.HCM, thừa nhận việc gây oan sai cho ông Hưng là do các cơ quan tiến hành tố tụng sai phạm, chủ quan trong việc áp dụng Pháp luật Hình sự. "Việc này là muộn màng, không thể bù đắp được những thiệt hại mà ông và gia đình đã trải qua. Nhưng chúng tôi mong rằng sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau mà ông đã phải gánh chịu từ lâu, sớm ổn định cuộc sống gia đình", ông Tấn nói.

Tuy nhiên, ông Hưng nói rằng không chấp nhận lời xin lỗi suông của các cơ quan ban ngành, vì cho rằng đó là một vết nhơ của gia đình và là một mất mát không thể bù đắp, bởi đáng lẽ ra ông đã có một gia đình hạnh phúc.

Đại điện VKSND Tp.HCM đã công khai xin lỗi ông Hưng

Trách nhiệm nào dành cho những người thực thi pháp luật lại gây nên oan sai?

Những vụ án oan ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên mặt báo, có thể nói là muôn hình vạn trạng. Rõ ràng hệ lụy là đều mang đến sự bất hạnh tột cùng cho người trong cuộc. Một công dân bình thường bỗng chốc mất đi sự tự do; một người chân chính, lương thiện bỗng chốc bị gán cho tội danh Hình sự và chịu cảnh lao tù; một gia đình êm đềm chẳng mấy chốc tan nát, vì sự tắc trách và vô cảm của một số ít người tưởng chừng đang cầm cán cân công lý của xã hội.

Trong bối cảnh hiện đại như ngày nay, các vụ án oan đã không còn nhiều như trong khoảng thời gian khó khăn của những thập kỷ trước, bởi sự phát triển của công nghệ và các hệ thống mạng xã hội cộng đồng. Thế nhưng, dù trong thời kỳ nào thì ở mỗi một vụ án, ngoài việc rất mong các vị thực thi pháp luật phải luôn công minh xử lý, mà còn phải ý thức đến những trách nhiệm hình sự có thể gánh chịu khi để xảy ra oai sai, làm hủy hoại nhiều gia đình và làm xã hội bất ổn.

Hữu Long

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/tan-nha-nat-cua-vi-an-oan-24-nam-truoc-2784/