Tan nát giấc mơ đổi đời của lao động nữ giúp việc Bangladesh ở Ả Rập Xê Út

Tờ DW (Đức) đưa tin, hàng trăm phụ nữ Bangladesh giúp việc tại Ả Rập Xê Út lên tiếng cáo buộc chủ nhà vi phạm nghiêm trọng luật lao động. Những người phụ nữ này cho hay, trong quá trình làm việc, đã bị người sử dụng lao động đánh đập, gây áp lực về tinh thần, thậm chí là tấn công tình dục.

"Nhà chủ dọa sẽ cắt lưỡi và giết tôi nếu dám phơi bày hành vi sai trái của họ"

Khi tôi trở về nước, tôi phải nhập viện trong 20 ngày. Tôi thậm chí không thể đi lại được”, Shefali Begum, 25 tuổi, một lao động nữ giúp việc người Bangladesh nói chuyện với phóng viên DW về “thời gian khủng khiếp” khi làm vệc ở Ả Rập Xê Út.

Shefali Begum chỉ là một trong hàng ngàn lao động nữ giúp việc Bangladesh đến quốc gia Trung Đông này trong vài năm qua để tìm kiếm mức lương cao hơn và cuộc sống tốt hơn.

"Họ đã dùng dây và gậy để đánh tôi. Đùi của tôi vẫn còn dấu vết của những lần bị đánh đập. Chủ nhà chỉ cho tôi ăn mỗi ngày một lần. Bất cứ khi nào yêu cầu thức ăn, họ lại đánh tôi. Tình trạng đó kéo dài ít nhất 3 tháng", Shefali nói tiếp.

Shefali đến từ một ngôi làng nhỏ ở Manikganj, Bangladesh. Cô đến Ả Rập Xê Út làm việc thông qua một người môi giới trong làng. Tuy nhiên, không lâu sau khi đặt chân đến Ả Rập Xê Út, Shefali nhận ra rằng, giấc mơ đổi đời đã sụp đổ hoàn toàn.

“Một ngày trước khi cơ quan tuyển dụng đưa tôi trở lại Bangladesh, nhà chủ tiếp tục đánh đập tôi. Con gái chủ nhà đánh gẫy ngón tay của tôi. Nhà chủ dọa sẽ cắt lưỡi và giết tôi nếu dám phơi bày hành vi sai trái của họ. Họ không cho phép tôi nói chuyện với gia đình qua điện thoại", Shefali nói.

BRAC, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ phụ nữ giúp việc Bangladesh ở nước ngoài cho biết, kể từ năm 2015, ít nhất 6.500 lao động giúp việc người Bangladesh đã trở về từ Ả Rập Xê Út.

Từ năm 1991 - 2015, có 32.317 lao động nữ từ Bangladesh đến Ả Rập Xê Út làm việc. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên theo cấp số nhân kể từ khi chính phủ hai nước ký một bản ghi nhớ vào năm 2015. Khoảng 218.131 phụ nữ Bangladesh đã đến Ả Rập Xê Út trong hơn ba năm qua.

Kể từ năm 2015, ít nhất 6.500 lao động giúp việc người Bangladesh đã trở về từ Ả Rập Xê Út.

Thiếu sự hỗ trợ kịp thời

Sharan Hasan, một chuyên gia về di cư tại BRAC nói rằng, giúp việc nhà người Bangladesh phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề ở Ả Rập Xê Út như thiếu ăn, không được trả lương đầy đủ, bị bạo lực thể chất và bóc lột tình dục.

"Chúng tôi biết có trường hợp nữ lao động giúp việc đã mang thai sau khi bị ông chủ lạm dụng tình dục. Nhiều phụ nữ đối mặt với sự tra tấn thể xác nghiêm trọng. Có người bị gãy tay, tổn thương nghiêm trọng các bộ phận khác trên cơ thể", Hasan nói.

Hasan cho biết thêm, nhiều nữ lao động giúp việc bị người sử dụng lao động tách ra khỏi thế giới bên ngoài. "Họ bị cấm giao tiếp với người ngoài. Không được liên lạc với gia đình bằng bất cứ phương tiện gì.

Cách duy nhất mà các lao động giúp việc phải làm là chạy trốn, trình báo cảnh sát hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người cùng cảnh ngộ khác. Đôi khi, lao động nữ giúp việc bị đưa từ nhà này sang nhà khác qua những tay trung gian. Họ liên tục phải đối mặt với sự tra tấn và lạm dụng”, Hasan nói.

Các phương tiện truyền thông ở Bangladesh cho rằng, ngay cả khi được đưa trở về nước, những người phụ nữ này thường không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ. Được biết, Chính phủ Bangladesh chưa có một chương trình tổng thể nào để hỗ trợ lao động nữ giúp việc bị bạo lực ở nước ngoài trở về nước.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ phủ nhận cáo buộc rằng, họ không có hành động gì để giải quyết vấn đề. Nomita Halder, một quan chức của Chính phủ nói rằng, đã có một số buổi làm việc với các đối tác ở Ả Rập Xê Út để tìm lời giải cho “bài toán khó” này.

“Do các quy định của Ả Rập Xê Út, Đại sứ quán hoặc các cơ quan tuyển dụng của chúng tôi không có quyền làm việc trực tiếp với chủ nhà mà phụ nữ Bangladesh đang làm việc. Chỉ có cơ quan tuyển dụng Ả Rập Xê Út mới có thể làm điều đó", Halder nói. Halder cũng cho rằng, rào cản ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân của vấn đề.

"Chúng tôi đang tập trung nhiều hơn vào ngôn ngữ và đào tạo các kỹ năng khác cho người giúp việc trước khi đưa họ đến Ả Rập Xê Út. Cũng phải thấy rằng, tỷ lệ lao động nữ bị lạm dụng ở Ả Rập Xê Út không cao so với tổng số phụ nữ đang làm việc tại nước này”, Halder nói.

Tuy nhiên, Hasan không đồng ý với quan điểm của Halder. "Ngay cả khi chỉ một người phụ nữ bị đánh đập, lạm dụng tình dục hoặc bị tra tấn thì đó cũng là điều đáng xấu hổ nếu chúng ta không có hành động gì để ngăn chặn nó", Hasan nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/noi-dau-so-phan/tan-nat-giac-mo-doi-doi-cua-lao-dong-nu-giup-viec-bangladesh-o-a-rap-xe-ut-510008/