Tận mục xưởng chế tác mành trúc hiếm hoi ở Sài Gòn

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, mành trúc với những hoa văn sinh động hiện diện hầu hết trong các gia đình từ thành thị đến nông thôn.

Xưởng làm mành trúc hiếm hoi ở Sài Gòn của ông Bèn. Ảnh: Trường Sơn

Tuy nhiên, đến những năm 2000, khi những chiếc mành bằng nhựa, thủy tinh nhân tạo được sản xuất với công nghệ hiện đại xuất hiện, thì mành trúc dần vắng bóng. Với quyết tâm giữ lại những nét xưa cũ truyền thống, ông Nguyễn Hữu Bèn - một cựu chiến binh - âm thầm mở xưởng, thuê công nhân tiếp tục sản xuất suốt hàng chục năm nay. Không phụ tấm lòng và tâm huyết của ông, những chiếc mành trúc với hàng nghìn hoa văn sinh động được các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… chấp nhận và tiêu thụ khả quan.

Từ những thanh trúc được thu mua, những người thợ trong xưởng chế tác của ông Bèn cho xâu chuỗi lại với nhiều kích cỡ khác nhau. Ảnh: Trường Sơn

Sau khi được sâu chuỗi, những người thợ lại kiên trì xỏ chúng vào các thanh gỗ để định hình, sau đó trám các lỗ hổng để tiếp tục qui trình sản xuất hơn chục bước khác nhau, trước khi ra được thành phẩm. Ảnh: Trường Sơn

Các mành trúc sau đó được thợ tẩm sơn bằng tay. Công cụ của họ là hai tấm xốp mịn, tẩm sơn rồi xoa đều lên các thanh trúc. Ảnh: Trường Sơn

Trong các khâu tạo ra chiếc mành trúc sinh động, khâu phối màu là quan trọng nhất. Người phụ trách khâu này phải có đầu óc mỹ thuật rất tốt, biết phối màu, bố cục bức tranh sẽ được tô lên mành. Ảnh: Trường Sơn

Ông Bèn cho biết, hiện nay số mành trúc tiêu thụ trong nước rất ít, đa phần được tiêu thụ ra nước ngoài. Ông cho biết, vào mùa Hè, Thu, các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu tiêu thụ rất nhiều mành trúc từ xưởng của ông bởi màu sắc sinh động, giá cả phải chăng và thường xuyên cập nhật hoa văn mới, phù hợp với văn hóa nước họ. Ảnh: Trường Sơn

Trở lại với qui trình tạo ra những tấm mành trúc. Sau khi trải qua các bước định hình, phối màu, các công nhân sẽ tiếp tục sơn các chiếc mành với những hoa văn, hình vẽ khác nhau. Sau khi sản phẩm khô sẽ được sang khâu kiểm hóa trước khi được đóng thùng xuất khẩu Ảnh: Trường Sơn

Ngày trước, thợ sơn dùng cọ để vẽ lên mành nhưng giờ thì họ dùng những tấm mút mịn, nhúng sơn rồi một tay xoay đều chuỗi dây trúc, tay kia ấn miếng xốp vào để những nét sơn được in lên. Các công nhân cho biết, để hoàn thành một tấm mành với hoa văn phức tạp, họ mất khá nhiều thời gian tập trung cao độ. Ảnh: Trường Sơn

Trong khu xưởng rộng hàng trăm mét vuông của ông Bèn, khâu sơn mành là có nhiều công nhân nhất. Ông cho biết, ông sử dụng gần 40 công nhân - đa phần là người địa phương. Ảnh: Trường Sơn

Suốt hàng chục năm âm thầm theo đuổi nghề làm mành trúc, điều làm ông Bèn vui nhất là sản phẩm được tiêu thụ tốt ở nước ngoài, thu nhập công nhân cũng được nâng lên 5-7 triệu đồng/tháng. Ngoài chất liệu truyền thống là trúc, ông Bèn còn nghiên cứu làm mành bằng các chất liệu hiện đại như thủy tinh, thép không gỉ. Ảnh: Trường Sơn

Cũng trong quá trình xuất khẩu mành trúc ra nước ngoài, theo yêu cầu của khách hàng, ông cập nhật thêm được nhiều mẫu hoa văn, hình ảnh mới. Từ đó, thay vì những hoa văn cổ truyền thì hiện nay đa phần mành trúc của ông làm ra có hoa văn, hình ảnh biểu hiện văn hóa của các nước. Ảnh: Trường Sơn

Điều đặc biệt của khu xưởng này là hầu như không có máy móc công nghiệp nào vì tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Thay cho tiếng máy móc trong các công xưởng là tiếng cười đùa rất vui vẻ. Để công nhân có tâm trạng vui vẻ, ông Bèn cho mở các bài nhạc. Điều ấn tượng nhất là các công nhân tuy tập trung cao độ khi làm việc nhưng mỗi lúc nghỉ tay thì lại đùa vui với nhau. 

Một em thiếu niên được ông Bèn nhận vào học việc. Ông Bèn cho biết, ông rất mong những nghề truyền thống như nghề làm mành trúc được hồi sinh để giữ lại những nét văn hóa cổ truyền. Ảnh: Trường Sơn

Trường Sơn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/tan-muc-xuong-che-tac-manh-truc-hiem-hoi-o-sai-gon-688730.bld