Tận mục công việc làm mứt gừng truyền thống ở Huế phục vụ Tết

Đến Huế vào những ngày cuối năm, nhiều làng nghề tất bật sớm tối để sản xuất thực phẩm cho Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó, làng nghề mứt gừng truyền thống Kim Long cũng đỏ lửa liên tục để làm ra những mẻ mứt gừng thơm ngon.

Cố đô Huế lâu nay có rất nhiều nơi làm mứt, từ thành phố về các huyện, nhưng nổi tiếng và có vị ngon hơn cả vẫn là mứt gừng truyền thống Kim Long (phường Kim Long, TP. Huế).

Cố đô Huế lâu nay có rất nhiều nơi làm mứt, từ thành phố về các huyện, nhưng nổi tiếng và có vị ngon hơn cả vẫn là mứt gừng truyền thống Kim Long (phường Kim Long, TP. Huế).

Giữa vô vàn loại mứt gừng của ba miền, mứt gừng Huế vẫn là một thương hiệu đặc biệt, với hương vị không nơi nào sánh được. Cay nồng, lát gừng nhỏ và sẫm màu là đặc trưng của mứt gừng Huế.

Nghề truyền thống này đã có từ hàng chục năm nay do cha ông truyền lại và dịp cuối năm cứ thường xuyên “đỏ lửa” bên dòng Hương thơ mộng. Tương truyền rằng, mứt gừng từng là món ngon để “tiến vua” thời xưa…

Đến Kim Long những ngày này, dù chưa vào đến nơi sản xuất nhưng từ xa xa thì hương gừng tươi đã nồng nàn trong gió cùng với chút se lạnh của những ngày cuối năm khiến cảm giác như mùa xuân mới đã về...

Theo các nghệ nhân làm nghề lâu đời tại Kim Long, làm mứt gừng không khó, nhưng làm ngon thì cần có nhiều kinh nghiệm. Gừng làm mứt thường được mua từ Tuần - vùng đất đồi pha sỏi phía tây bắc TP. Huế. Củ gừng Tuần tuy nhỏ nhưng thơm, cay và chắc. Gừng phải chế biến qua nhiều công đoạn như cắt, rửa sạch, thái lát, ngâm, luộc chín, sau đó bỏ vào chảo rim, đảo khô, đóng gói...

Để có những mẻ mứt gừng thơm ngon không chỉ nhờ vào những củ gừng vàng rịm mà còn phải nhờ vào bàn tay khéo léo của những người làm ra nó.

Gừng sau khi được lấy từ cầu Tuần về được người dân mang đi cạo sạch vỏ rồi bào thành từng lát mỏng ngâm với nước vo gạo để giảm bớt độ cay của gừng. Gừng thái lát mỏng được rửa sạch, vớt để ráo nước trước khi bỏ đường vào. Sau đó, đun nước sôi luộc gừng cùng với một ít chanh.

Những lát gừng được thái mỏng ủ cùng với đường trắng với tỷ lệ cân bằng, trộn đều để gừng ngấm đường trong khoảng một giờ đồng hồ thì cho gừng vào chảo lớn, rim với lửa nhỏ. Trong quá trình ngào mứt gừng, người thợ phải dùng đũa đảo liên tục để gừng không bị cháy.

Nét đặc trưng của mứt gừng Kim Long là các công đoạn chế biến đều thực hiện bằng phương pháp thủ công, chỉ sử dụng hai nguyên liệu là gừng và đường, không có chất phụ gia.

Mứt gừng Kim Long nổi tiếng nhờ hương vị cay nồng, lát mứt mỏng, đường bám chặt. Ngày nay, hàng mứt tết đa dạng phong phú, ngon đẹp, nhưng người Huế vẫn không quên mứt gừng được làm ở làng Kim Long. Ảnh: Internet.

Mời độc giả theo dõi video "Về Xứ Dừa Thưởng Thức Món Ngon". Nguồn: VTV Review.

Thảo Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/tan-muc-cong-viec-lam-mut-gung-truyen-thong-o-hue-phuc-vu-tet-1479791.html