Tận mục cổng thành cổ nổi tiếng của Lũy Thầy huyền thoại

Nếu có dịp đi qua thành phố Đồng Hới, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm Quảng Bình Quan, một chứng tích lịch sử đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của mảnh đất miền Trung.

Nằm giữa hai tuyến đường Quang Trung và Lê Lợi ở trung tâm thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình Quan là một cổng thành cổ án ngữ trên đường thiên lý Bắc Nam, thuộc hệ thống lũy Thầy, có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh 4 thế kỷ trước.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép về Quảng Bình Quan như sau: "Cửa quan dài hai trượng 1 thước, rộng hai trượng 5 thước; thành ngoài bảo vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước cao 3 thước, năm Minh Mệnh thứ (1826) xây gạch đá...".

Nằm ở một vị trí chiến lược, Quảng Bình Quan có nhiệm vụ kiểm soát tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam và đường vào dinh Quảng Bình thời chúa Nguyễn.

Trong suốt thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, nhiều lần quân của Chúa Trịnh vượt sông Gianh vào Nam đều bị chặn đứng ở cửa ải này.

Năm 1825, vua Minh Mạng đã cho trùng tu Quảng Bình Quan và nâng cao thêm tầng tháp canh bằng gạch nung kiên cố.

Sau đó, vua Minh Mạng cho đúc nổi hình ảnh Quảng Bình Quan vào Nghi Đỉnh của bộ Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu trong Tử Cấm Thành Huế.

Theo những bậc cao niên, trước 1945, Quảng Bình Quan còn có hào ngoài thành, cầu gạch vòng qua hào và phía khoảng đất ở ngã ba phía trước còn có một miếu âm hồn trên một nghĩa địa lớn.

Cổng thành tuổi đời nhiều thế kỷ này đã bị quân đội Pháp phá hủy khi họ rút khỏi Đồng Hới năm 1954. Đến năm 1961, công trình được phục chế, tu sửa gần như nguyên bản.

Năm 1965, Quảng Bình quan lại bị bom Mỹ đánh sập gần như hoàn toàn. Hiện nay, phải đến những năm gần đây mới được phục chế lần thứ hai.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, là trung tâm của hệ thống Lũy Thầy, Quảng Bình Quan được xây dựng theo một mô hình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa chiến lũy phòng ngự chiến đấu kiên cố vững chắc với một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.

Cổng thành cổ này cũng như hệ thống Lũy Thầy đã thể hiện sự phát triển cao của nghệ thuật kiến trúc thành lũy quân sự Việt Nam, là địa chỉ tin cậy cho các nhà nghiên cứu kiến trúc và quân sự sau này.

Ngày nay, nếu có dịp đi qua thành phố Đồng Hới, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm Quảng Bình Quan, một chứng tích lịch sử đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của mảnh đất miền Trung.

Quốc Lê

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/la-doc-cuoi/tan-muc-cong-thanh-co-noi-tieng-cua-luy-thay-huyen-thoai-808492.html