Tan mộng đổi đời vì xuất khẩu lao động 'chui'

Người lao động tiền mất, tật mang do tin vào lời hứa của các cá nhân, doanh nghiệp không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai, đến nay chưa có trường hợp người lao động (NLĐ) nào trong tỉnh đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo con đường chính thống, thông qua các doanh nghiệp (DN) đã được cấp phép gặp trục trặc hay bị mất tiền mà không có được công việc như hợp đồng lao động đã ký. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp NLĐ đi XKLĐ "chui" đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Nhiều rủi ro

Tháng 4-2019, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của 2 cá nhân ở phường Xuân Bình, TP Long Khánh trình báo việc mẹ, vợ của họ là bà Phạm Thị Sáu (49 tuổi) đi XKLĐ sang Liên bang Nga từ tháng 11-2018 với một công ty.

Người lao động (bên phải) tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm

Người lao động (bên phải) tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm

Một tháng sau khi sang Nga, bà Sáu không được làm công việc như thỏa thuận với một cá nhân môi giới và công ty đưa bà đi XKLĐ. Bà Sáu phải làm việc quá 8 giờ/ngày, bị đau ốm nhưng không được phép nghỉ để chữa bệnh. Không chỉ vậy, bà còn bị giữ hết giấy tờ tùy thân. Bà nhiều lần gọi điện về nói với chồng con khẩn thiết cầu cứu cơ quan chức năng giúp bà chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), được về đoàn tụ với gia đình vì không thể chịu nổi áp lực công việc. Gia đình bà Sáu đã bán hết nhà cửa để nộp 4.900 USD cho công ty đưa bà đi XKLĐ nhằm công ty này thanh lý HĐLĐ với bà.

Một trường hợp khác là anh T.V.Q (hiện là công nhân Công ty TNHH TenMa; KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa), vẫn chưa quên những năm tháng khổ cực khi đi XKLĐ "chui" tại Đài Loan cách đây 5 năm. Anh Q. cho hay hồi đó, anh cùng một số người cùng quê Quảng Bình ra Phú Thọ làm hồ sơ đi XKLĐ qua Đài Loan với mức phí 60 triệu đồng/người. Công ty XKLĐ cho biết sẽ làm việc trong xưởng gỗ, hứa hẹn khoảng 3 tháng sẽ hoàn lại vốn. Tuy nhiên, khi sang Đài Loan, anh Q. phải mất 1 tuần để tìm chỗ ở. Sang tuần thứ 3 mới có công việc nhưng không phải làm gỗ mà làm nghề xây dựng. "Hằng ngày, tôi phải làm việc dưới cái nắng như đổ lửa, chưa kể ăn uống thất thường. Do không có giấy tờ lao động hợp pháp nên tôi cứ nơm nớp lo sợ bị bắt và trục xuất về nước. Sống trong cảnh trốn chui trốn nhủi nhưng thu nhập bèo bọt, thua xa ở Việt Nam" - anh Q. nhớ lại.

Tiền mất tật mang

Hay một số người dân trên địa bàn xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc đã làm đơn tố cáo bà N.T.N.A có hành vi lừa đảo nhiều người đi XKLĐ sang Nhật Bản trong gần 1 năm qua. Nhiều người có nhu cầu đi XKLĐ, ôm giấc mộng đổi đời, tin theo lời của bà N.A đã cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng để có được 230 triệu đồng đưa cho bà nhưng không có được công việc như hứa hẹn tại Nhật Bản. Thậm chí, có những người vừa đặt chân xuống sân bay của Nhật Bản, chưa kịp làm việc ngày nào, chưa thu được khoản tiền lương nào đã bị trục xuất về nước vì giấy tờ không hợp lệ.

Còn anh Nguyễn Văn Thọ (ngụ xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) đang vô cùng ngán ngẩm vì đã nộp 100 triệu đồng cho một công ty XKLĐ tại TP HCM hơn 1 năm nay để được đi XKLĐ sang Nhật nhưng mãi vẫn chưa được "bay". Anh Thọ cho hay trong một lần lướt Facebook, thấy có thông tin tuyển lao động làm việc tại Nhật Bản với mức lương cao, anh đã tìm đến tận công ty đóng tại TP HCM làm hồ sơ với mong muốn sẽ "đổi đời" sau vài năm làm việc tại xứ người. Tại đây, anh được quản lý công ty cho hay một suất qua Nhật làm việc khoảng 190 triệu đồng. Trong đó, NLĐ phải đóng trước 90 triệu đồng bao gồm chi phí hồ sơ, học tiếng Nhật và làm visa. Sau khi cầm visa, anh Thọ sẽ đóng nốt số tiền còn lại. Tuy nhiên, làm thủ tục, học tiếng Nhật và đóng 90 triệu đồng từ tháng 8-2018 đến nay nhưng anh vẫn chưa được đi. Lý do mà công ty đưa ra là công ty bên Nhật chưa sắp xếp được công việc hợp lý. Suốt hơn 1 năm chờ đợi, anh Thọ vừa phải trả lãi số tiền vay vừa không có việc làm. Chán nản, anh nhiều lần lên công ty đòi lại số tiền nhưng toàn bị hứa hết tuần này đến tuần khác.

Để hạn chế những rủi ro, NLĐ khi có nhu cầu đi XKLĐ cần tìm đến những đơn vị có giấy phép do Bộ LĐ-TB-XH cấp. Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ nội dung HĐLĐ. Một bản HĐLĐ tối thiểu phải ghi rõ tên người sử dụng lao động; tiền lương, thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, các khoản chi phí cụ thể mà NLĐ, DN phải trả; các khoản khấu trừ từ lương".

Ông HUỲNH VĂN TỊNH (Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai)

Bài và ảnh: TÙNG LÂM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tan-mong-doi-doi-vi-xuat-khau-lao-dong-chui-20191114205247481.htm