Tận mắt “cục vàng” mọc trên ngọn cây giữa đại ngàn

(VTC News) - Ông Lâm nâng niu quả nấm như bảo vật bảo: “Có lẽ đây là củ nấm Phục linh thiên cuối cùng của đại ngàn Hoàng Liên Sơn và của đất nước Việt Nam”.

Có một điều lạ là ở cánh rừng này chỉ có những cây X. họ thông khổng lồ, không hề có cây nào nhỏ cỡ một người ôm. Điều đó có nghĩa cả trăm năm nay không có hiện tượng tái sinh của loài cây họ thông cực quý này nữa. Ông Lâm nghĩ rằng, do trúc mọc ken dày phía dưới, cây nhỏ không mọc lên được, nên ông đã từng bỏ nhiều năm phát trúc, xới đất, tạo ra những không gian thoáng mát. Đến mùa cây X. rụng quả, ông Lâm đi nhặt quả X. gieo vào những khu đất trống, có ánh nắng và độ ẩm, song tuyệt nhiên không thấy quả X. nào nảy mầm. Như vậy, khi những thân X. khổng lồ này chết đi, loài X. có thể sẽ tuyệt chủng ở Việt Nam. Một điều đáng báo động là cứ vào dịp cận Tết, đồng bào Mông lại kéo nhau vào khu rừng này chặt cành X. vác ra Sapa bán cho nhà giàu chơi Tết. Vì lá cây X. rất đẹp, tươi lâu, để 4-5 tháng lá không héo, nên người dân Lào Cai rất thích chơi trong dịp Tết. Mỗi cành X. bằng cổ tay có giá cả triệu bạc. Đồng bào Mông thường cưa một cành to, hoặc ngả đổ cả cây để tha hồ chặt cành vác ra. Mấy năm trước, hiện tượng tàn phá cây X. để chơi Tết diễn ra rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, lực lượng kiểm lâm quản lý nghiêm ngặt, công an bắt giữ những người buôn bán, nên hiện tượng đốn hạ cây X. giảm hẳn. Hiện tượng chặt cành chơi Tết dừng lại, thì lại xuất hiện hiện tượng lấy gỗ cây X. Gỗ X. có vân đẹp chẳng kém gì thủy tùng, chất gỗ lại cực tốt, càng để lâu càng đỏ lịm, nên được giới nhà giàu ưa chuộng. Mỗi khúc gỗ nặng vài chục kg được giới săn gỗ mua với giá vài triệu, nên một số kẻ hám lợi đã vào khu rừng này cưa đổ cây X. Tuy nhiên, vì rừng quá rậm, núi cao, hiểm trở, để vác được một khúc X. nặng 30kg, phải mất 3 ngày cuốc bộ, nên rừng X. chưa bị tàn phá nặng. Vả lại, do kiểm lâm quản lý cực kỳ nghiêm ngặt, kiểm đếm từng cây, nên lâm tặc không dễ gì xà xẻo. Thường xuyên sống cả tháng ở trong khu rừng X. này, nên “người rừng” Trần Ngọc Lâm nắm tường tận từng cây. Toàn bộ rừng Hoàng Liên Sơn chỉ có khoảng 500 cây. Những cây X. đều đã có tuổi cả ngàn năm. Ở độ cao 2.800, lạnh buốt quanh năm, những thân cây bám đá để lên, thì mỗi năm đường kính chỉ lớn không quá 1mm. Do đó, cây nào có đường kính 1m, nghĩa là chúng đã có tuổi ngàn năm. Từ gốc những cây X. rêu mốc, xù xì, tôi thấy rất nhiều cây nấm có màu đỏ lịm, hình dáng như vỏ con trai. Ông Lâm bảo đó là nấm linh chi, chính là loài nấm gây cơn sốt săn tìm suốt mấy năm qua ở Quảng Nam. Người dân ở Quảng Nam đã ráo riết vào rừng săn tìm loài nấm này rồi sắc nước để uống, trị bệnh ung thư có hiệu quả. Theo lời ông Lâm, loài nấm linh chi mọc trên cây X. này tốt không kém gì linh chi mọc trên cây lim. Nó cũng có tác dụng ức chế khối u, song không mạnh, nên ông Lâm ít khi để ý đến. Ông Lâm vắt sợi thừng vào thân cây, cứ thế trèo lên thoăn thoắt. Chỉ một lát, ông đã mất hút trong tán cây rậm rì, xanh thẫm. Ông tụt xuống với một củ nấm Phục linh thiên trên tay vẫn còn bám tuyết. Ông nâng niu quả nấm như bảo vật bảo: “Có lẽ đây là củ nấm Phục linh thiên cuối cùng của đại ngàn Hoàng Liên Sơn và của đất nước Việt Nam”. Ông Lâm đã phát hiện ra củ nấm này từ hơn năm trước, nhưng ông để giành đến bây giờ mới thu hái. Theo lời ông Lâm, loài Phục linh thiên này chỉ xuất hiện ở những cây X. có tuổi trên dưới 1.000 năm. Khi côn trùng, sâu bọ đục khoét thân cây X. ngàn năm tuổi này, thân cây sẽ sinh ra chất nhựa để bảo vệ vết thương (cơ chế giống như cây dó bầu tạo trầm hương, kỳ nam). Từ cục nhựa này, có thể mọc ra củ nấm Phục linh thiên. Tuy nhiên, có thể cả ngàn vết thương trên cả trăm cây X. mới sinh ra được một quả Phục linh thiên. Do đó, mỗi năm, từ hàng trăm cây X. ngàn tuổi, may ra cho được một vài quả nấm. Vào mùa xuân, khi cái nắng bắt đầu ấm áp, những cơn mưa xuân gây ẩm ướt nhiều ngày, ông Lâm lại bỏ cả tháng trời đi kiếm Phục linh thiên. Mỗi lần đi kiếm Phục linh thiên, ông Lâm lại phải trèo từng cây X., quan sát từng vết thương, từng cục nhựa đen xì, xem có nhú lên củ nấm bé xíu bằng hạt gạo nào không. Nếu phát hiện, ông Lâm đánh dấu địa điểm tìm thấy rồi đợi đến mùa thu mới khai thác. Mùa thu là mùa quả nấm có tác dụng tốt nhất. Tuy nhiên, mấy năm nay, có khi leo trèo cả tháng, lên hết 500 cây X. của đại ngàn Hoàng Liên mà cũng chẳng thấy dấu vết gì của Phục linh thiên. Vì hiếm như thế, Phục linh thiên được sánh ngang với vàng cũng là điều dễ hiểu. Có một điều rất lạ, ông Lâm đã dùng dao đục hàng ngàn lỗ trên ngọn những cây X. khổng lồ này, cây X. cũng sinh nhựa bảo vệ vết thương, nhưng tuyệt nhiên chưa từng cho một quả nấm nào mọc lên từ những vết thương nhân tạo ấy. Tất cả những củ nấm mà ông Lâm thu hái, đều xuất hiện ở những vết thương do một loại côn trùng nào đó tạo ra. Ông Lâm đã có cả chục năm trời tìm kiếm loài nấm Phục linh thiên này. Ông đã thu hái được tổng cộng vài chục quả. Ông nghiên cứu từng vết thương của cây X. và theo dõi quả nấm lớn lên từ khi bé bằng hạt gạo, đến khi to bằng nắm tay, song ông Lâm vẫn không thể hiểu nổi vì sao quả nấm lại mọc lên từ vết thương trên ngọn cây X. trong hoàn cảnh băng tuyết gần như quanh năm. Ông cũng không thể lý giải được do côn trùng cấy giống vào vết thương của cây X. hay tự thân cây X. sinh ra. Những bí ẩn này là sự kỳ diệu của tạo hóa. Gói ghém cẩn thận “cục vàng” cuối cùng của đại ngàn Hoàng Liên Sơn vào ba lô, tôi và “người rừng” Trần Ngọc Lâm rời sườn Fansipan trong nỗi buồn khó tả. Không biết đến bao giờ, đại ngàn Hoàng Liên mới lại sinh ra một quả Phục linh thiên để cứu ông và những bệnh nhân ung thư đang chờ chết? Bao nhiêu năm nghiên cứu, ông chưa tìm ra bất cứ cách gì để nhân giống thứ báu vật của trời đất này. Phạm Ngọc Dương

Nguồn VTC: http://vtc.vn/394-277141/phong-su-kham-pha/tan-mat-cuc-vang-moc-tren-ngon-cay-giua-dai-ngan.htm