Tản mạn về vườn rau trong thành phố và 'nông dân đô thị'

Dẫu sống ở thành phố, những tưởng chỉ được ăn rau từ các vùng ven đô, nhưng tôi phải thay đổi suy nghĩ.

Mô hình vườn rau gia đình. Ảnh: BV

Vài năm nay, ở thành phố tôi sống, nhiều người tự tạo cho mình khu vườn rau nhỏ xinh trên sân thượng hoặc bất kể nơi nào còn đất trống, đủ cung cấp cho bữa ăn của gia đình.

Những khu vườn trong thành phố thuộc sở hữu của một số cư dân đô thị chăm chỉ, hay lam hay làm. Hàng ngày, họ dành thời gian rảnh rỗi, bỏ công sức để khai hoang vỡ đất, gieo hạt trồng cây, rồi tưới tắm cho cây và đợi tới ngày thu hái thành quả. Đất không phụ công người, sau khoảng thời gian ngắn, từ bãi đất đầy cỏ mọc, hay khoảng đất đầy xà bần, rác thải ngổn ngang được thay bằng ô vườn rau xinh xắn với màu xanh tươi rói, mát mắt.

“Người nông dân đô thị” canh tác rau quả trên những mảnh vườn nhỏ xinh vỡ hoang ấy, cho dù xuất phát từ động cơ gì thì tất cả họ đều muốn hướng tới, muốn chăm chút cho nguồn rau quả phục vụ các bữa ăn của gia đình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khi mà thời nay tình trạng rau xanh bị nhiễm độc bởi dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học kích thích khá phổ biến.

Cũng có những người trồng rau xanh trên vuông vườn nhỏ xinh chỉ đủ cung cấp lượng rau quả cho nhu cầu của gia đìnhh. Và cũng không ít người trồng rau, do diện tích vườn rộng rãi, rau quả nhiều, gia đình ăn không hết, lượng rau quả dư thừa mang bán lại cho những ai có nhu cầu ở quanh khu vực.

Vì sống kề những vườn rau, lại biết rõ quy trình trồng trọt, chăm sóc rau mỗi ngày của những “người nông dân đô thị” là không dùng thuốc trừ sâu, hóa chất, mà chỉ tưới bằng nước máy sạch sẽ, nên không chỉ riêng tôi, mà khá nhiều công nhân, sinh viên thuê trọ quanh đó cũng luôn là bạn hàng thân thiết của các chủ vườn rau.

Tôi không mấy khi mua rau ngoài chợ, hay ở siêu thị, mà từ lâu luôn mua rau quả từ chủ nhân của những mảnh vườn gần nhà. Khoảng đất có cả vài ba chục mảnh vườn được phân ranh giới giữa các chủ sở hữu bằng hàng rào cắm vội là: cúc tần, cây dại, và có khi là hàng dây thép... Rau ở đó cũng đa dạng đủ loại, từ rau ăn lá như: rau muống, giền cơm, cải xanh, cải ngọt, càng cua..., cho tới các loại quả: đậu đũa, cà chua, bí ngô, bí xanh, bầu, mướp, khổ qua... Rau thơm, rau gia vị cũng đủ loại không thiếu thứ gì, khi mà ai muốn mua ngò rí (mùi tàu), ngò ôm (rau mùi), rau húng, hành hoa, lá lốt, xương xông... cũng đều có hết. Chính vì có nhiều loại, thứ rau củ quả được trồng tại những mảnh vườn như vậy, nên việc người muốn mua rau đổi món cũng thuận lợi, dễ dàng.

Ai cũng biết, mua rau là phải mất tiền, nhưng tôi và những người sống gần các vườn rau ấy vẫn phải luôn thầm cảm ơn chủ nhân của những mảnh vườn nhỏ xinh ấy, bởi nếu không có họ bỏ công sức và tiền bạc đầu tư biến những khu đất hoang hóa thành vườn tược thì đâu tôi, mọi người được ăn rau xanh với chất lượng sạch sẽ đến đảm bảo, thực sự an tâm. Chẳng vậy mà mỗi sớm ra khỏi nhà, hay lúc chiều chạng vạng trở về, bất chợt gặp các chủ vườn mang thùng, chậu, xô đi ra khu vườn chăm sóc, tưới rau, tôi đều mỉm cười và cất tiếng chào hỏi họ, để rồi cũng nhận lại được từ họ nụ cười, sự thân thiện...

Điều tôi cảm nhận thấy được ở tấm lòng của hết thảy những chủ vườn rau gần chỗ tôi sinh sống là, họ đều rất tốt, sống có tình cảm, theo kiểu tình làng nghĩa xóm, thông qua việc họ bán rau cho mọi người mà không hề lấy đắt, ngược lại, còn lấy giá mềm hơn so với ngoài chợ.

Không chỉ riêng khu vực tôi sống, lướt qua các quận, các khu dân cư khác trong thành phố, tôi cũng bắt gặp nhiều khu vườn rau xinh xắn mọc lên. Việc xuất hiện nhiều “nông dân đô thị” cùng các vườn rau xanh như vậy, không chỉ mang lại lợi ích về tiền bạc, về sức khỏe cho chính các thành viên trong gia đình của họ, mà còn giúp cho không ít cư dân đô thị được tiếp cận, được ăn các loại rau xanh, sạch, không bị nhiễm chất độc hại.

Đặng Đức

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/tan-man-ve-vuon-rau-trong-thanh-pho-va-nong-dan-do-thi-post25734.html