Tản mạn quanh tên Quảng trường Ba Đình

Vừa giỗ lần thứ sáu nhà văn Tô Hoài. Hiếm lắm những sự ra đi của ai đó như những đại thụ đột ngột cỗi đi, tự dưng òa ra một khoảng trống. Cánh rừng văn vốn đã thưa của nước Nam ta còn lâu nữa mới có thứ thụ mộc khép tán để bù vào khoảng trống ấy. Tô Hoài là một thứ đại thụ như thế.

Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Chuyện của nhà văn Tô Hoài

Nhớ lúc sinh thời được hầu chuyện, được quấy quả ông thứ này thứ khác. Khi đó đâu biết mình đang gặp thứ duyên may?

Ấy là buổi hầu chuyện nhà văn năm đã xa ấy cứ dài mãi ra về chuyện tên đường Hà Nội. Tô Hoài bật mí một bất ngờ. Ấy là hầu hết tên đường hiện nay ở nội thành Hà Nội đều do một tay bác sĩ Trần Văn Lai đặt cả!

Bác sĩ Trần Văn Lai, Thị trưởng thành phố Hà Nội đầu tiên là một người Việt sau 60 năm Pháp đô hộ. Điều hy hữu là bác sĩ chỉ giữ chức Thị trưởng từ 20/7/1945 đến 19/8/1945.

Có thể nói đó là một nhiệm kỳ Thị trưởng ngắn nhất hành tinh. Chỉ tròm trèm 1 tháng! Nhưng ông Thị trưởng ấy đã làm thay đổi bộ mặt thành phố bằng nhiều tên phố mới. Bác sĩ Trần Văn Lai đã dự đoán, đã tiên liệu được cuộc bão táp đang âm ỉ trong lòng Hà Nội mà mình là cái gạch nối cho lịch sử dân tộc? Hay là ý thức tự cường tự tôn của dòng máu Lạc Hồng cùng nỗi nhục của cái họa ngoại bang xâm lược khiến ông quyết định ngay một việc làm từ những ngày đầu tiên của chức Thị trưởng thành phố?

Đầu tiên là việc cho kéo đổ nhiều bức tượng thực dân.

Tượng Đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam. Tượng sĩ, nông, công, thương ở vườn hoa Canh nông (Nhóm tượng Pháp dựng để kỷ niệm Đại chiến thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Dưới 4 mặt của bức tượng là hình ảnh một thầy đồ cắp tráp mà họ bảo tượng trưng cho tầng lớp sĩ của người An Nam. Một anh kéo xe cút kít, tượng trưng cho tầng lớp công, một người đàn bà te tái quang gánh, bảo đấy là tầng lớp thương. Và cuối cùng là anh thợ cày lực lưỡng bước sau con trâu biểu trưng cho “giai cấp’’ nông dân An Nam).

Rồi tượng Toàn quyền Văng Hôven. Phù điêu Giăng Đuypuy chỗ gần bến sông Hồng... tất tật đều bị giật đổ! Cả bức tượng đồng to nhất Hà thành khi ấy là Toàn quyền Paul Bert cầm cờ, tay xòe trên đầu ông thày đồ An Nam cắp tráp dựng ở vườn hoa bên tòa Đốc lý (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ trước nữa có tên Inđra Găngđi).

Đồng thời với việc hạ các tượng thực dân, ông Thị trưởng thành phố còn đổi một loạt tên đường mang tên thực dân hay có hơi hướng thực dân! Những đại lộ đẹp nhất Hà thành như Bríere de L’isle đã trở thành Hùng Vương; Carnot đã trở thành Phan Đình Phùng; Henri D’Orleans là đường Phùng Hưng. Gambetta trở thành Trần Hưng Đạo; F. Garnier, tên viên quan ba chết trận ở Cầu Giấy trở thành đường Đinh Tiên Hoàng...

Không chỉ những tên võ tướng với chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám... mà nhiều con đường Hà Nội mang tên các danh sĩ nổi tiếng đến tận bây giờ mà ta vẫn gọi, người Hà Nội vẫn dùng như Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Lý Văn Phức, Trần Tế Xương, Tản Đà vv. Có lẽ tên hai người Pháp duy nhất mà ông Thị trưởng cho giữ nguyên mà bây giờ ta vẫn quen gọi là phố Yersin (nhà khoa học nổi tiếng) và tượng nhà khoa học Pasteur.

Độc đáo nhất là thời điểm ấy cuối con đường mang tên vị linh mục Avenue Puginier (nay là đường Điện Biên Phủ) ở mạn Bắc có một bãi đất trống cỏ dại mọc có tên là poanh (Point: điểm bắt đầu phố). Bác sĩ Trần Văn Lai đặt tên cho bãi đất trống ấy là Quảng trường Ba Đình lấy tên căn cứ nghĩa quân Đinh Công Tráng chống Pháp anh dũng ở huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa (chứ chẳng phải hồi trước ở khu vực này có ba cái đình như một số người lầm!). Và chỉ hơn một tháng sau khi có tên ấy, cùng với vận hội mới của Đất nước, các phương tiện thông tin thế giới đã đồng loạt loan ra cái tin Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ít tháng sau, Quảng trường Ba Đình lại có tên mới là Quảng trường Độc Lập.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại đặt tên là Quảng trường Hồng Bàng. Về tiếp quản Thủ đô, Ủy ban hành chính Hà Nội đề nghị lấy tên cũ là Quảng trường Độc Lập nhưng Bác Hồ “bác’’ đi. Người nói cứ giữ nguyên tên Quảng trường Ba Đình.

Quảng trường ấy vẫn tên gọi Ba Đình như bây giờ!

BS Trần Văn Lai (bìa trái, hàng đầu) và nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim Ảnh tư liệu

Một chứng nhân của sử

Theo gợi ý của nhà văn Tô Hoài, tôi đã đến con phố có tên là Tức Mạc, cái tên khá hay nghĩa là bút mực để gặp bà Dương Lan Hải, Tiến sĩ Sử học, con dâu trưởng của bác sĩ Trần Văn Lai.

Bà Lan Hải từng là phóng viên Ban Quốc tế Báo Nhân Dân. Cũng là một người yêu sử. Đề tài Tiến sĩ sử học Quan hệ của Nhật Bản với các nước Đông Nam Châu Á sau chiến tranh thế giới II, 1945-1975 của bà có nhiều tiếng vang.

Chồng bà Lan Hải là chuyên viên đầu ngành quân y về tiết niệu. Ông từng trực tiếp điều trị, chăm sóc sức khỏe cho một số cán bộ cao cấp trong đó có Bác Tôn Đức Thắng.

Trong ngôi nhà tĩnh lặng ở Tức Mặc, câu chuyện về ông bố chồng, ngài Đốc lý thành Hà Nội của Chính phủ Trần Trọng Kim đã trở thành Phó chủ tịch UBHC thành phố Hà Nội và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh của chế độ mới như bộ phim quay chậm sinh sắc đến tận tiểu tiết. Chuyện ông cụ thân sinh cụ Lai có cửa hàng chạm khảm nổi tiếng ở phố Tràng Thi. Rồi cụ Lai học trường Y Đông Dương cùng với Bác sĩ Vũ Đình Tụng và cùng cụ Tụng về làm ở Nhà thương Phủ Doãn ra sao. Từ một ông đốc tờ nổi tiếng của nhà thương Phủ Doãn, Bác sĩ Trần Văn Lai có chân trong hội kín tham gia ủng hộ Việt Minh, bị mật thám Pháp sục vào tận nhà bắt bỏ tù ra sao. Sự kiện Bác sĩ Trần Văn Lai có mặt ở Nghị viện Pháp phản đối “kế hoạch’’ thâm độc của chính phủ bảo hộ là di dân An Nam sang xứ Châu Phi và kết cục Pháp đã phải từ bỏ kế hoạch ấy như thế nào. Rồi đoạn bác sĩ bị Pháp bắt đi đày ở Angiêri nữa... Và “cơn cớ’’ để chính phủ Trần Trọng Kim “bổ’’ ông bố chồng vào chức Thị trưởng thành phố Hà Nội?

Bà nhắc tôi thêm, thị trưởng Trần Văn Lai có 2 việc đầu tiên. Đặt tên đường phố Hà Nội và dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính.

Các cụ Đặng Thai Mai, Lê Thước… cũng lầm?

Từ tư liệu của bà TS Lan Hải và nhà văn Tô Hoài, tôi đã viết bài Về người đặt tên cho quảng trường Ba Đình.

Báo ra được ít lâu thì tôi nhận được một bức thư dài của nhà văn Thái Vũ từ TPHCM.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25 tháng 8 năm 2003. Gởi nhà báo Xuân Ba. Tôi là nhà văn Thái Vũ (Bùi Quang Đoài).

…Cuộc khởi nghĩa Ba Đình của nghĩa quân Đinh Công Tráng không hiểu sao luôn ám ảnh tôi? Năm 1958, hồi còn học ở đại học, tôi dự tính sẽ viết tiểu thuyết lịch sử về Ba Đình. Viện trưởng Viện sử học Trần Huy Liệu rất đồng tình. Thầy giáo tôi, Viện trưởng Đặng Thai Mai cũng như cụ Lê Thước đều khuyến khích và ai cũng nghĩ tên Quảng trường Ba Đình là do Bác Hồ đặt (có cả ý kiến của đồng chí Trường Chinh nữa). Sau 2 lần vào Thanh Hóa (năm 1958 và năm 1963), tôi tạm ứng Hội Nhà văn 100 đồng để đi tìm hiểu và viết về đề tài Ba Đình. Số tiền ấy khi ấy là khá to vì ăn cơm tháng khá sang cũng chỉ hết 22 đồng, bình thường là 15 đồng. Thầy Đặng Thai Mai và cụ Liệu còn biên thơ khuyến khích tôi cố tìm hiểu và viết về đề tài này.

...Viết mà vẫn áy náy về tên Quảng trường Ba Đình do ai đặt. Nói chung các thầy, các bậc cha chú như Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc khi đó, nhất là các bạn bên Viện Sử học (có Lê Văn Lan) đều ủng hộ cung cấp thêm tư liệu. Trong sự quan tâm động viên nhiệt tình ấy, tôi đã cố gắng hoàn thành cuốn sách. Từ năm 1976 đến năm 1981, NXB Quân Đội ND đã cho in với số lượng 30.000 cuốn trọn bộ 2 tập Cờ nghĩa Ba Đình của tôi. Sau đó NXB Thanh Hóa in lại (1986-2000).

Nhưng mãi đến bây giờ khi đọc báo có bài của anh, tôi rất ngạc nhiên và mừng khi biết được người đặt tên Quảng trường Ba Đình là BS Trần Văn Lai. Cảm ơn anh Xuân Ba, tôi trân trọng gởi ra tặng anh bộ Cờ nghĩa Ba Đình. Tôi cũng nhờ anh cho biết địa chỉ của bà Dương Lan Hải, con dâu cụ Trần Văn Lai để tôi gởi biếu bà bộ sách này...

Nhân đây cũng nói thêm về nhà văn Thái Vũ, một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957). Ông người Quảng Bình, quê mẹ ở Huế. Cuối đời ông viết và sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài cuốn Cờ nghĩa Ba Đình (2 tập), nhà văn Thái Vũ cũng là tác giả của nhiều cuốn bắt mắt khác như Giặc Chày Vôi, Huế 1885, Những ngày Cần Vương, Thành Thái người điên đầu thế kỷ...

Sau lần trao đổi thư từ ấy, nhà văn Thái Vũ đă tặng tôi theo đường bưu điện 2 tập cuốn Cờ nghĩa Ba Đình. Rồi sau đó ông đã ra Hà Nội có ghé tôi và cho biết sẽ đến nhà bà Dương Lan Hải con dâu cụ Trần Văn Lai tặng sách. Lần ấy ông có rủ tôi vô Vân Hoàn (gần với địa danh Ba Đình của Nga Sơn) thăm nhà thơ Hữu Loan vốn là bạn cũ nhưng tôi mắc việc không đi cùng được. Sau chuyến thăm ấy, nhà văn Thái Vũ đến tôi hồ hởi khoe tấm ảnh chụp chung với nhà thơ Hữu Loan.

Nhà văn Thái Vũ mất năm 2013, thọ 85 tuổi.

Trên đây là cái tên Quảng trường Ba Đình.

Còn địa danh Hội trường Ba Đình xin khất bạn đọc vào một dịp khác!

Được biết, có mấy kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, có ý kiến đề nghị tên mới là Quảng trường mồng 2 tháng 9 cho Quảng trường Ba Đình nhưng không được quyết.

Và một chút ngạc nhiên khi biết, cụ Trần Văn Lai không an táng ở nghĩa trang Mai Dịch theo tiêu chuẩn mà theo nguyện vọng của cụ, gia đình đưa về làng Mọc Quan Nhân. Và nữa, lấy làm lạ là đến tận bây giờ, nguyên Thị trưởng Trần Văn Lai, thứ trưởng Trần Văn Lai chưa được một phần thưởng gì, ngay cả một tấm huy chương?

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tan-man-quanh-ten-quang-truong-ba-dinh-1714195.tpo