Tản mạn những đám tang 'Siêu xe'

Theo ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, khi đời sống ngày càng sung túc, “phú quý sinh lễ nghĩa”, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều đám ma rình rang, kéo dài nhiều ngày, vòng hoa tràn ngập mộ phần. Tuy vậy, dùng “siêu” xe đưa tang hay tổ chức một đám tang rình rang cũng chỉ là nghi thức đối với người đã khuất. Về tâm linh, ông Khanh cho rằng không cần phải vậy, đó là sự lãng phí không cần thiết.

Ảnh minh họa nguồn internet.

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vì đám tang của một cụ ông ở Hải Hậu (Nam Định) với đoàn xe tang gồm bộ đôi siêu xe Rolls- Royce Phantom và Bentley Mulsanne, cùng hàng chục chiếc “xế” sang khác như Lexus, Toyota Land Cruiser 2016 hay Audi Q7. Các xe đều được trang trí hoa lan vàng, đài sen. Để phục vụ đám tang này, gia đình cũng đã mắc tới 17 chiếc rạp.

Đành rằng, đó là tấm lòng của con cháu người chết, tùy theo gia thế, song vẫn có ý kiến cho rằng “phú quý sinh lễ nghĩa”, có nhất thiết phải phô trương như thế?

Đưa tang cũng “sang chảnh”

Lễ tang là một trong bốn lễ trọng (quan, hôn, tang, tế) trong đời người theo quan niệm Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, cốt để tỏ lòng thương trọng và kính thờ người chết.

Dù đã có những quy định về việc tổ chức tang lễ, cưới xin thực hiện theo nguyên tắc trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhưng tình trạng phô trương, lãng phí vẫn diễn ra không chỉ ở đám cưới mà cả đám tang, không chỉ thành phố mà tại các vùng quê.

Thực tế ở nhiều vùng quê cũng không hiếm những đám tang, liễn đối, vòng hoa cầu kỳ lớp trong lớp ngoài, chở mấy xe mới hết. Còn có quan điểm lệch lạc đánh giá gia thế, quan hệ xã hội của tang gia bằng cách đếm số vòng hoa, câu đối…

Thậm chí có đám tang phải huy động tới 2, 3 xe tải chở vòng hoa, rồi đội kèn đồng, kèn tế khăn đóng áo dài rong ruổi hàng chục mét, làm tắc nghẽn cả một đoạn đường. Có những đám tang có tới 5, 7 chiếc xe ô tô “sang chảnh” chở đài hoa, tượng Phật.

Đoàn người đưa tiễn kéo dài cả cây số, đi đường bất chấp tín hiệu đèn giao thông. Cầu kỳ hơn, có đám còn “thửa” tới mấy chục nam, nữ thanh niên đi xe máy treo cờ, rải hoa dẫn đường.

Người ngồi trên xe tang vừa khóc hờ vừa không quên rắc tiền vàng âm phủ, tiền thật, từ vài ngàn tiền lẻ đến hàng chục, hàng trăm ngàn. Tiền đám ma có lúc theo gió bay cả vào mặt người đi đường.

Theo tìm hiểu, tại Hải Phòng, một số cơ sở có dịch vụ phục vụ đám hiếu “từ A đến Z”, chi phí nhẹ thì 25-30 triệu đồng/đám, trung bình 70-80 triệu, đám to lên tới 150 đến 180 triệu đồng.

Có những đám tang thuê hẳn 18 “nghệ nhân” mặc áo dài gấm đỏ, đội mũ quan cao vài gang tay làm nghi lễ. Mở đầu chủ tế quỳ lạy bàn thờ với bó nhang nghi ngút, xong lùi ra chia nhang cho từng người, cứ bốn người một lượt quỳ lạy tiếp. Đầy đủ bài bản, tất cả đều nhịp nhàng, chuyên nghiệp...

Cách đây không lâu, trên quốc lộ 39 từ thành phố Thái Bình đi huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), nhiều người đi đường không khỏi xót xa khi một cháu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải nhặt tờ 5.000 đồng tiền rải từ đám ma vừa đi qua.

Sự kiện trên đã “châm ngòi” cho cuộc tranh luận trên một diễn đàn của những người lái xe. Tận mắt chứng kiến vụ tai nạn, thành viên Quangminhpro đã chia sẻ, anh bị sốc mất mấy ngày vì sự việc đau lòng diễn ra ngay trước mắt, nhưng không thể làm gì được để cứu cháu bé.

Thành viên Peto thì chia sẻ, anh cũng suýt “dính” một vụ ở đoạn Phủ Lý- Đồng Văn (Hà Nam), đang tăng ga trên đường cao tốc thì có 3 cậu bé tầm 8 - 9 tuổi trèo qua dải phân cách, lao ra giữa đường tranh nhau nhặt tiền rải từ một đám ma.

Trước đây, đám tang của một cán bộ ở Kon Tum cũng từng gây bàn tán trong dư luận vì đoàn xe tiễn đưa “hoành tráng”. Khi clip về đám tang trên được đăng tải trên mạng, nhiều ý kiến cho rằng cách tổ chức tang lễ phô trương, gây phản cảm.

Ngày xưa, người chết thường được chôn cất ở nơi xa khu dân cư, đường hẹp, núi cao, rừng sâu, có khi ở triền núi đá. Đã có người vì quá thương xót cha mẹ phải nằm nơi hiu quạnh mà khóc lóc thảm thiết, đến nỗi đập đầu vào vách đá, ngã xuống vực.

Để tránh tình trạng “trùng tang” đó, người xưa đặt ra lệ con trai trưởng hoặc cháu đích tôn phải quấn quanh đầu bằng những vật liệu dễ kiếm nhất, giàu nghèo ai cũng có thể tự lo liệu được như rơm, lá chuối, dây gai, dây đay. Nay, nhiều nơi đã bỏ tục đội mũ rơm, thắt lưng bằng dây gai, dây chuối.

Báo hiếu như nào cho đúng?

Theo ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, khi đời sống ngày càng sung túc, “phú quý sinh lễ nghĩa”, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều đám ma rình rang, kéo dài nhiều ngày, vòng hoa tràn ngập mộ phần.

Tuy vậy, dùng “siêu” xe đưa tang hay tổ chức một đám tang rình rang cũng chỉ là nghi thức đối với người đã khuất. Về tâm linh, ông Khanh cho rằng không cần phải vậy, đó là sự lãng phí không cần thiết.

Theo ông Khanh, cách báo hiếu cha mẹ tốt nhất là làm điều thiện, không sát sinh và đem đồng tiền phúng viếng lập quỹ từ thiện, tụng kinh hồi hướng công đức cho người mất.

Việc làm hoang phí sẽ không mang gì cho người mất mà còn làm giảm công đức, bởi lý do họ chết mà người sống phải tốn kém, phí phạm nhiều. Một số chuyên gia xã hội học cũng khuyên rằng, người xưa có câu “Khi sống thì chẳng cho ăn. Đến khi thác xuống làm văn tế ruồi”.

Hiếu nghĩa thực lòng là phải biết cung kính, chăm sóc ông bà, cha mẹ từ khi các vị còn sống. Đành rằng “nghĩa tử là nghĩa tận” nhưng cũng không phải vì vậy mà rình rang quá mức.

Không phải cứ tổ chức đám ma to, đắt tiền mới là báo hiếu. Nhất là khi người quá cố đi theo Phật giáo, họ sẽ thấy vui lòng hơn khi con cháu làm đám tang giản dị, dành tiền giúp ích cho những người nghèo khó.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam), người xưa dùng thỏi vàng mã và tiền xu mã rải ra đường với hai mục đích: tiền xu mã nhằm phân phát cho ma quỷ để chúng không quấy phá, bắt nạt vong hồn người chết; những thỏi vàng mã là nhằm đánh dấu đoạn đường từ nhà ra nơi chôn cất để linh hồn người chết biết đường về nhà.

Như vậy, “tục” thả tiền thật trong một số đám tang ngày nay xuất phát từ đâu?

Phải chăng ở thói “chơi trội”, “phú quý sinh lễ nghĩa” ở một số người, rồi lây lan ra cộng đồng với lời lý giải mơ hồ: “nghĩa tử là nghĩa tận”, gia đình muốn thực hiện đầy đủ các nghi lễ cho người quá cố.

Giáo sư Trần Lâm Biền lý giải, thời gian gần đây nhiều người có nhận thức sai lầm về việc rải tiền, vàng trong đám tang. Có những đám tang được đưa từ bệnh viện hay nhà tang lễ nhưng người nhà vẫn rắc vàng thỏi.

Nếu theo quan niệm “đánh dấu đường” cho linh hồn về thì đây hoàn toàn sai lầm, vì như thế lại dẫn đường cho linh hồn người chết về nhà tang lễ hay bệnh viện. Còn việc rải tiền thật khi xe tang đi trên đường, theo Giáo sư Biền, vừa là mê tín vừa là hành động phản cảm.

Việc này thể hiện một số người không biết quý trọng đồng tiền và gây mất trật tự xã hội, an toàn giao thông, khi kéo theo một số người tranh nhau nhặt, cũng gây mất mỹ quan, phản văn hóa.

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tan-man-nhung-dam-tang-sieu-xe-d30059.html