Tản mạn nhân ngày Lễ Tình nhân

Biểu tượng của tình yêu là trái tim. BLAISE PASCAL (1623 – 1662), nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh, tác gia, triết gia người Pháp, được coi là đã đặt nền móng cho lý thuyết xác suất hiện đại – đã có tuyên ngôn nổi tiếng 'The heart has its reasons which reason knows not' (Trái tim có lý lẽ mà lý trí không biết đến). Vậy nên thi sỹ tài danh Xuân Diệu mới hạ bút rằng:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…

(Vì sao – Xuân Diệu)

Đó là yêu rồi đó!

Thần Tình yêu trong thần thoại Hy Lạp, thần Eros luôn mang một cây cung và những mũi tên ái tình bên mình. Khi Eros bắn những mũi tên này vào một ai đó thì người đó ngay lập tức sẽ yêu người khác đầu tiên gặp được nếu không phải là người có quan hệ huyết thống hay họ hàng.

Thần Tình yêu – giống như Thần Công lý luôn bị bịt bởi một chiếc khăn, vì vậy tình yêu bao giờ cũng mù quáng, nhưng mù quáng một cách đáng yêu. Vì Thần Tình yêu bị bịt mắt nên từ cổ chí kim, thế giới đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện tình nổi tiếng. Đó có thể là một quân vương đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Đó có thể là những “đôi đũa lệch” không tưởng. Nếu gặp, thấy, nghe thấy những câu chuyện này, xin ai đó đừng vội cười cợt và lên án, bởi Thần Tình yêu bị bịt mắt kia mà. Vậy nên có anh chàng nông dân Việt xưa mới thật minh triết khi yêu vợ của mình:

Lỗ mũi mười tám gánh lông

Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o,

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rạ cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Eros - Thần tình yêu

Eros - Thần tình yêu

Khi đã yêu nhau rồi thì:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Đến cả những cái bỏ đi như râu tôm, ruột bầu mà khi đã yêu nhau nó trở thành “đặc sản”.

Dù bị bịt mắt nhưng bao giờ mũi tên của Thần Tình yêu cũng bắn trúng tim. Tại sao vậy? Trái tim là bộ phận đặc biệt trong cơ thể người luôn vì người khác trước rồi mới vì mình sau. Trái tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi cơ thể. Mỗi lần ta nghe tiếng “bùm”, y học gọi đó là tâm thu, trái tim sẽ bơm máu đi nuôi cơ thể. Khi nghe tiếng “tặc”, y học gọi đó là tâm trương, khi ấy, tim mới đưa máu nuôi bản thân nó. Vậy nên, tình yêu luôn luôn phải là sự dâng hiến và hy sinh.

Thần Tình yêu bắn vào trái tim, chứ không bắn vào đầu. Đầu là nơi dùng để suy nghĩ, đầu là hiện thân của lý trí, còn tình yêu là hiện thân của tình cảm. Nếu mũi tên tình yêu kia bắn vào đầu ai đó, người đó sẽ dùng bộ óc để phân tích, để so sánh người mình yêu “nhà mặt phố, bố làm to” hay không? Thì còn gì là tình yêu nữa. Đó không phải là tình yêu.

Nhưng, Thần Tình yêu Eros là một đứa trẻ hay nghịch ngợm nên nhiều khi cũng vô trách nhiệm nên có những người “yêu lầm chỗ”, gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười, làm cho nhiều người phải đau khổ:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu... (Tâm sự - Tố Hữu).

Cho dù đắng cay hay dịu ngọt thì tình yêu vẫn là món quà quý giá mà thượng đế đã ban tặng cho con người. Ngày Lễ Tình nhân, ta lại nghe văng vẳng bên tai lời bài hát Chỉ còn lại tình yêu:

Hỡi đêm xin đừng hờn rỗi

Để con tim lai dầy bóng tối muộn phiền

Và cô đơn sẽ theo về cùng bao nỗi nhớ

Lạnh đội vai đêm đông sương mắt ai.

Người yêu ơi dẫu cho muôn trùng cách xa

Dù yêu thương sẽ là giây phút cuối cùng

Dù mai đây trên con đường của anh chỉ là những đắng cay

Dù đêm có hóa ngày dù đời đổi thay...

Thì vẫn yêu em thôi, anh mặc trời quay đất cuồng

Mãi yêu em người ơi vì trái tim anh biết rằng

Chỉ còn lại đây dù bão tố vây quanh

Em vẫn luôn bên anh suốt đời.

Người hỡi anh yêu em, yêu dù ngày mai chẳng đến

Yêu dù bao cách xa, yêu hết nỗi đau để chỉ còn lại tình yêu.

TRUNG KIÊN

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/tan-man-nhan-ngay-le-tinh-nhan-17970/