Tản mạn mưa rừng

Gần hai mươi năm làm báo, tôi đã có hàng trăm chuyến công tác lên với vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm và cũng giúp tôi đúc rút những kinh nghiệm. Mùa mưa bão lại đến, mùa nguy hiểm nhất khi đi vùng cao, một số kỷ niệm tác nghiệp mùa mưa vùng cao lại ùa về…

Nói về mưa, bão khi đi miền núi, tôi không bao giờ quên chuyến công tác lên với huyện Mường Lát – huyện miền núi xa xôi nhất của xứ Thanh. Vào những ngày hè oi ả tháng 7 năm 2003, bốn anh em phóng viên trên 2 chiếc xe máy, thực hiện chuyến thực tế gần chục ngày đến với hầu hết các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Từ huyện Mường Lát, nghe tin đài báo bão, chúng tôi quyết định nhanh chóng xuôi về ngay trong đêm với hy vọng sẽ kịp tránh cơn bão… Tuy nhiên, chỉ xuôi được vài chục cây số, tầm 10 giờ tối đã thấy mưa nhỏ, từng cơn gió lật phật khác thường. Không ai nói với ai nhưng chúng tôi biết cơn bão đang tiến vào. Càng ngày gió càng giật mạnh, mưa dữ dội hơn. Do tuổi trẻ và có chút “liều mạng” nên chúng tôi vẫn quyết tâm đi và tính toán sẽ nghỉ lại đồn biên phòng cách khoảng hơn 30 cây số… Đêm tối mù mịt, cả con đường trong mưa gió chắc chỉ có hai chiếc xe máy của chúng tôi di chuyển. Thực sự không nhìn thấy quang cảnh để miêu tả. Chỉ biết rằng trên hành trình, chúng tôi đã vài lần bị gió giật chao đảo, có lúc phải xuống xe để gạt từng cành cây gãy đổ để đi. Thậm chí có đoạn cả một bụi tre bị bật gốc “nhảy” ra giữa đường… mới thấy hết sức gió khủng khiếp của cơn bão. Hơn 12 giờ đêm chúng tôi về đến đồn biên phòng, ướt như “chuột lột”, đói rét và mệt lả. Tính toán chạy bão của chúng tôi đã “phá sản”, chúng tôi phải nghỉ lại huyện Quan Hóa thêm 2 ngày, đợi bão tan mới có thể về xuôi.

Phóng viên tác nghiệp miền núi mùa mưa lũ rất vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro

Phóng viên tác nghiệp miền núi mùa mưa lũ rất vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro

Không phải đầm mình trong mưa, nhưng chuyến đi năm 2018 lên với huyện Bắc Hà (Lào Cai) cũng cho chúng tôi những trải nghiệm đáng nhớ. 6h sáng từ Thành phố Lào Cai, dự kiến sau gần hai tiếng lái xe cho đoạn đường khoảng 80km chúng tôi sẽ lên tới Bắc Hà để kịp làm việc đầu giờ. Tuy nhiên, đi được hơn chục cây số, cơn mưa ập đến và chỉ sau vài phút thì chiếc xe ô tô “nhỏ như bao diêm” của chúng tôi không thể di chuyển vì mưa như trút nước… Rất may chúng tôi còn kịp tấp xe vào hàng phở sáng. Cơn mưa gần 2 giờ đồng hồ mới tạnh. Những tưởng sẽ tiếp tục hành trình suôn sẻ, nhưng chúng tôi đã lầm, đoạn đường mấy chục cây số lên với huyện Bắc Hà thực sự vất vả. Xe chúng tôi phải vượt qua một số ngầm nước lụt quá bánh xe, thỉnh thoảng lại có những khe nước từ trên núi đổ xuống mặt đường cuồn cuộn như muốn cuốn đi tất cả. Nhiều đoạn đường nước ngập sâu, không nhìn thấy mặt đường, chúng tôi đành đánh liều mò mẫm đi theo các xe của người dân địa phương. Chặng đường thực sự căng thẳng và vất vả, sau hơn 5 tiếng đồng hồ chúng tôi mới có mặt tại thị trấn Bắc Hà…

Có lẽ trận mưa rừng khủng khiếp nhất với tôi là mùa mưa năm 2019, khi tôi có chuyến công tác lên huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), đến với vùng đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên. Vì nắm được thông tin bà con đã chuyển đến nơi ở mới, nhà cửa khang trang, được sử dụng điện, có ti vi, tủ lạnh… nên dù chiều muộn anh em chúng tôi vẫn quyết tìm vào bản để ghi lại hình ảnh cuộc sống mới của bà con. Chặng đường hơn 20 cây số từ thị trấn Hương Khê đến Rào Tre đèo dốc khó đi, dân ở thưa thớt. Hơn 7h tối cơn mưa ập đến, bốn bề tối đen, thứ mà ngồi trong xe nhìn thấy, nghe thấy chỉ là những tia sét xẻ dọc ngang, xé toang bầu trời đêm kèm những tiếng sấm vang rền. Cố gắng dừng xe bên vệ đường, kéo phanh tay thật căng và bật đèn pha, đèn cảnh báo với hy vọng có ai đó người địa phương nhìn thấy đến giúp, hoặc có lời khuyên chỉ dẫn gì đó cho chúng tôi. Không ai nói với ai được câu nào, nhưng tôi và anh bạn đồng nghiệp cảm nhận được sự lo lắng trong mỗi người… Rồi cơn mưa cũng qua và tối muộn hôm đó chúng tôi vẫn đến được bản Rào Tre!.

Đi và lên với miền núi, đến với đồng bào dân tộc thiểu số dù vất vả nhưng luôn cho phóng viên những trải nghiệm thực tế đáng quý, những tác phẩm báo chí gần gũi, chân thật… Kể một vài kỷ niệm, chỉ muốn gửi lời nhắc đến các đồng nghiệp, các phóng viên gắn bó với miền núi, mùa mưa lại đến hãy thật cẩn trọng khi tác nghiệp. Với bà con thôn, bản vùng cao hãy đề phòng, tuân thủ các quy định về phòng, tránh an toàn, để mỗi mùa mưa lũ sẽ không còn có những tai nạn thương tâm!

Minh Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tan-man-mua-rung-139047.html