Tản mạn Hồ Nam

Chuyến bay CZ8360 của hãng hàng không Phương Nam cất cánh từ Nội Bài với đích đến là tỉnh Hồ Nam - TQ. Nhìn từ trên cao xuống, TP Hồ Nam như hàng nghìn hộp diêm lớn nhỏ xếp thành. Ấn tượng nhất là một nhánh sông, nó uốn lượn như một chiếc lọ hoa khổng lồ, với mướt mát màu xanh viền cả đôi bờ. Bay 90 phút nhưng từ lúc máy bay hạ cánh đến lúc được đặt chân lên mặt đất chúng tôi phải mất thêm đến 30 phút nữa.

Hồ Nam nằm ở Trung Nguyên, là vùng đất gắn với nhiều nhân tài nổi tiếng như Trương Lương, Hàn Tín, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ... Đây cũng chính là đất Kinh Châu của Lưu Biểu thời Tam Quốc, diện tích - dân số bằng 1/2VN với núi non điệp trùng hiểm trở, có người Miêu, Thổ, Bạch... sinh sống nên câu nói vui được nghe là: đặc sản của Hồ Nam là... Thổ phỉ.

Về cảnh quan thiên nhiên, Hồ Nam nổi tiếng với: Phượng hoàng cổ trấn (một trấn nhỏ có trên 1.300 năm tuổi, nằm bên con sông Đà. Gọi là Phượng hoàng vì địa thế: Đà Giang là xương sống, 2 dãy núi 2 bên là đôi cánh PH), Trương Gia Giới với Cổng Trời sừng sững, Viên Gia Giới có Cầu Kiều - Đệ nhất cầu - cầu tự nhiên nối 2 đỉnh núi, Bảo Lâm Hồ, Liên Thủy Động...

Có lẽ lạ nhất là phong tục của người Miêu. Trên thế giới ở đâu có đám cưới thì ở đó chỉ thấy tiếng cười, còn ở đây, dự đám cưới người Miêu lại được nghe... Tiếng khóc. Tiêu chí để con gái Miêu được đi lấy chồng là: Phải biết khóc. Con gái Miêu khóc 3 tháng ròng mới đủ, không chỉ khóc một mình, cô gái ấy còn phải mời 10 cô bạn gái khóc cùng. Họ khóc báo hiếu công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, báo đáp cậy nhờ anh chị, cô dì chú bác, bạn bè, hàng xóm... nói chung là khóc tất nhưng lại chửi một người, đấy là: Bà Mối. Có điều đây là tôi được nghe Quân là hướng dẫn viên địa phương giới thiệu, chứ bây giờ có thật thế không thì tôi không được kiểm chứng, dọc hành trình cũng gặp hai nhà bên đường đang có tiệc cưới thì thú thật tôi chả nghe thấy tiếng khóc nào cả, thậm chí còn được chứng kiến màn bắn pháo hoa dài đến 10 phút từ ban công khách sạn (hay họ khóc nho nhỏ... mà tôi không biết).

Nghe ma mỵ hơn là về Bùa Yêu của người Miêu, chỉ được truyền từ mẹ cho con gái. Chuyện kể rằng: từ 6 tuổi cô gái Miêu đã bắt đầu bắt con sâu, khi nào bắt đủ 9.999 con thì bỏ tất cả lũ sâu đó vào một cái hộp và đem chôn xuống đất, sau 3 tháng bới hộp lên thì trong hộp chỉ còn duy nhất 1 con sâu còn sống, con sâu này được cô gái nuôi bằng dòng máu của mình và là thứ để cô làm ra Bùa Yêu. Thực hư không rõ nhưng có một thực tế là: đàn bà Miêu đã có chồng được phép ngủ với nhiều người đàn ông khác còn đàn ông đã có vợ thì chỉ được phép biết duy nhất một mình vợ mình mà thôi. Mình nghe cái vụ này cũng... sướng cái lỗ tai và ưng cái bụng lắm...

Hồ Nam hiện chỉ còn duy nhất một Pháp sư 68 tuổi, họ có khả năng đưa xác những người chết tự đi về quê nhà. Người Hồ Nam dù chết ở đâu thì cũng phải được chôn cất ở nơi đã sinh ra, ngày xưa không có phương tiện vận chuyển như bây giờ nên cần các pháp sư làm phép để các thây xác tự đi được, họ đi đêm nghỉ ngày, đi đường núi vắng vẻ không có bóng người, còn ngủ thì ngủ ở tư thế đứng 2 tay chĩa thẳng về phía trước trong.... Có Khách sạn dành riêng cho họ. Nghe thì biết vậy, chẳng rõ hư ảo ra sao nên cứ coi như là làm phong phú vốn sống thêm một chút. Nhưng họ rất biết cách lấy tiền của khách du lịch, với những giai thoại trên + Thúy thúy (gần giống với sự tích trầu cau của VN) + uốn dẻo, múa, phi đao và vận công...= 1 chương trình biểu diễn nghệ thuật với giá vé 320 tệ = 1.100.000VNĐ/1 vé, 3 xuất diễn trong 1 tối ( 6 giờ, 7g30 và 9g) và phủ kín khán giả nhà hát rộng chừng gấp rưỡi Cung văn hóa Việt Xô thì sẽ đoán được thu nhập hàng đêm của họ. Khi bước ra khỏi nhà hát để tiếp tục xem chương trình biểu diễn ở ngoài trời, tôi khá bất ngờ khi thấy các vũ công, diễn viên nữ vừa biểu diễn đang chào bán các loại dầu xoa, các em rất nhanh nhẹn và chăm chỉ chào khách chứ không hề câu nệ cầu kỳ.

Còn một loài cá tên gọi: cá Oa Oa. Sở dĩ loại cá này có tên như vậy vì nó có khả năng phát ra âm thanh như trẻ con khóc. Thấy con cá này trước cửa của một hàng ăn, tôi chụp lại chứ thú thực tôi cũng không được nghe nó khóc, chắc tại chưa có... Đám cưới thì phải?

Tản mạn vài dòng về một vùng đất tôi đã đi qua, cũng là một cách lưu giữ những kỷ niệm vui cho cuộc đời thêm tươi trẻ. Niềm vui mãi luôn đón chờ ta ở phía trước....

Mai Thủy |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tan-man-ho-nam-61616