Tản mạn củi lửa

Mỗi năm Tết đến, thú vui đáng nhớ nhất từ thời thơ ấu của chúng tôi, còn đọng lại cho đến hôm nay, hóa ra không phải là quần áo đẹp, mâm cao cỗ đầy ngày Tết, mà lại là những giây phút... củi lửa bên nồi bánh chưng ngày Tết.

 Nhiều tuyến phố trở thành bếp nổi lửa nấu bánh chưng. Nguồn laodong.vn

Nhiều tuyến phố trở thành bếp nổi lửa nấu bánh chưng. Nguồn laodong.vn

Những phút giây như thế, quây quần bên nồi bánh chưng, tay tiếp củi mắt nhìn hoa lửa bập bùng chờ bánh chín, đã trở thành một ký ức mãnh liệt dịu dàng mịn màng nâng niu bất khả xâm phạm của thời thơ ấu.

Đến mức, sau này nhớ lại, tôi có lần gọi đó là thú củi lửa vì chưa tìm được cách diễn tả nào phù hợp hơn.

Gọi là thú vì việc này mang lại niềm vui sâu nặng, phải trải qua mới hiểu được, để mấy chục năm sau, dù đã đi bốn phương trời, dù đã dùng đủ mọi loại bếp khác nhau để nấu bánh, thì chuyện củi lửa vẫn còn bập bùng mỗi mùa Tết đến.

Còn nhớ, trước Tết vài tháng, thì bà tôi đã ra vườn, để mắt chọn củi cho ngày Tết. Những khúc củi gộc, thường là gốc cây hoặc cành lớn, không biết bằng cách nào xuất hiện trong vườn, là thứ được bà ưa thích nhất. Mỗi khi thấy một khúc củi gộc như thế, Bà tôi lại kéo vào một góc vườn, xếp lại ngăn nắp ngay ngắn, mắt ánh niềm vui và miệng thì thầm đủ rõ (chưa biết là cho mình hay cho con cháu nghe): Cái này để Tết nấu bánh.

Có lẽ cũng cần nói thêm, Tết ngày xưa đến sớm và được mong chờ nhiều lắm. Thường cứ sang tháng 7 là chữ Tết đã bắt đầu xuất hiện. Ban đầu chỉ là “Chẳng mấy mà Tết”, như một lời thảng thốt, lại như một sự mong chờ. Rồi sau đó là “Chẳng mấy mà Tết”. Rồi sau nữa là “Tết đến nơi rồi”. Rồi sau rốt là “Tết!”.

Nói là thảng thốt vì thời gian trôi quá nhanh, mới Tết hôm nào mà giờ đã tháng 7, chẳng mấy mà lại Tết. Bao như thứ phải lo toan cho ngày Tết. Nhất là những người đã bước vào tuổi trung niên, phải gánh vác trách nhiệm gia đình, lại thêm con cái vào tuổi ăn tuổi học, thì thảng thốt Tết đến là điều dễ hiểu.

Tuy thảng thốt là thế, nhưng mong chờ Tết thì hiển nhiên vẫn cứ mong chờ. Mong chờ là một sự đương nhiên. Như một mục tiêu, như một hy vọng. Không cần lý do. Không cần chất vấn.

Mong chờ bắt đầu từ trẻ con, rồi lây sang người lớn. Những bậc cha mẹ phải lo toan thì Tết là một khúc chặn. Cuộc sống trong năm xoay vần và chặn đầu chặn đuôi trong hai cái Tết. Tết lúc đầu chỉ như một thời hạn (nói theo ngôn ngữ quản trị thì là một deadline), nhưng rồi lại Tết chuyển sang một như một sự mong chờ, mà chuyện củi lửa là một trong những lý do để người ta mong chờ như thế.

Còn với người già, đã đi qua nhiều đau khổ thăng trầm, có thể một số bạn bè cũng đã rời cõi tạm, thì không còn thảng thốt vì Tết đến. Tết, được thêm một tuổi, dường như là thêm một thành tích để tự hào. Trách nhiệm gia đình cũng đã có người gánh vác. Gánh nặng gia đình đã có con cháu gánh giúp nên có chút thảnh thơi, pha thêm chút bất cần đời vì sống đến tuổi này rồi, lại có chút vui ngầm mình được thêm một tuổi... nên Tết không còn là một sự thảng thốt.

Nếu có, cũng chỉ là một sự thảng thốt thoáng qua, khi trầm ngâm nhìn lại đời mình thấy còn nhiều dang dở, hoặc ngỡ ngàng thấy thời gian ngả màu trên mái tóc, còn thì nói chung, cũng hòa với trẻ con mà mong đợi Tết.

Trẻ con mong đợi Tết vì được vui chơi, được ăn ngon, được quần áo mới, được mừng tuổi, lại không phải đi học và không bị mắng. Nói chung, toàn thứ hấp dẫn. Nói chung, chỉ trong ngày Tết, trẻ con mới được làm trẻ con, cảm nhận được yêu thương chăm chút của người lớn, và được vui chơi tới bến mà không bị mắng, nên trẻ con thích Tết. Nên trẻ con mong chờ ngày Tết.

Trẻ con có lý do rõ ràng và chính đáng như thế để mong đợi Tết đến. Nhưng người lớn vì sao cũng mong chờ ngày Tết?

Với người lớn, Tết là một nghịch lý nhân sinh được mong đợi trong thảng thốt thẫn thờ và âm thầm lén lút.

Nói là nghịch lý vì mỗi cái Tết đến và qua đi, ta lại tới gần hơn cái đích mà không ai muốn đến. Đó là một nghịch lý nhân sinh, ta chỉ có thể nhận ra mà không có lời giải.

Còn thảng thốt thì như đã nói, vừa mới Tết xong chưa làm được gì nhiều, những kế hoạch cho năm mới có khi còn chưa kịp bắt đầu thì đã sang tháng 7, rồi lại chẳng mấy mà Tết. Vì thế mà thảng thốt.

Thảng thốt xong thì thẫn thờ, trước dòng chảy của thời gian, trước khối lượng công việc cần phải hoàn thành trước Tết.

Nhưng vượt trên cả những thảng thốt thẫn thờ đó là sự sự mong chờ trong âm thầm lén lút. Vì sao lại như thế? Vì sao lại phải âm thầm lén lút?

À thì ra khi người ta đã trưởng thành, người ta tự tước đi quyền mong chờ ngày Tết như trẻ nhỏ. Người ta cũng nhận thấy, Tết không chỉ có niềm vui, mà còn là một gánh nặng mưu sinh cần xử lý và một nghịch lý nhân sinh không lời giải. Vậy nên người ta thấy có điều gì đó sai sai nếu cứ hồn nhiên mong đợi Tết.

Nhưng mong đợi thì cứ mong đợi thôi. Như nhớ người yêu có dằn lòng bảo không được nhớ thì lại càng thêm nhớ. Thành ra, phải nhớ âm thầm và lén lút. Thành ra, Tết chuyển từ phạm trù thời gian và lễ tiết để trở thành một phức cảm hiện sinh.

Vì thoáng nhận ra điều này, những người tự cho mình là trưởng thành, mới bối rối và mong đợi Tết trong âm thầm và lén lút.

Chỉ đến khi người ta đủ già, hoặc đủ bất cần đời hoặc đủ buông xuôi, thì sự bối rối đó mới biến mất, và người ta lại mong đợi ngày Tết như trẻ nhỏ.

Vậy nên mới nói, với những người tự cho mình là trưởng thành, thì Tết là một “combo 3 trong 1”: Phức cảm hiện sinh, nghịch lý nhân sinh và gánh nặng mưu sinh, nên người ta mới bối rối mong chờ trong thảng thốt thẫn thờ và âm thầm lén lút.

Và một trong những nguồn cơn của sự âm thầm lén lút đó là chuyện củi lửa đã nói ở đầu bài. Ta mong đợi ngày Tết một phần vì kỷ niệm củi lửa bên nồi bánh chưng, vì những giây phút ấm áp, vì hình dung nồi bánh bốc hơi sẽ được bắc ra vào sáng sớm mai. Như một sự thật hiển nhiên không cần phải chứng minh: Có bánh là có Tết.

Vì thế, nếu Tết gõ cửa bằng buổi chiều chuẩn bị gói bánh, thì giờ phút bắc nồi bánh ra, Tết chính thức vào nhà. Nằm giữa hai thời khắc đó là thú củi lửa bánh chưng. Là giây phút chuyển trạng thái. Là chuẩn bị và xác thực một sự kiện được mong đợi sẽ đến.

Củi lửa ngày Tết vì thế không còn là củi lửa thông thường, mà là một hoài niệm, một thương nhớ, một thú ngày Tết để bao ngày tháng qua đi, để sau bao nhiêu vật đổi sao dời, người ta vẫn còn nhớ đến (trong âm thầm và lén lút).

Vì là một thú vui, chuyện củi lửa cũng đòi hỏi công phu không kém bất cứ thú vui nào. Nó thường bắt đầu từ tháng 7, khi bà tôi ra vườn, xếp những cành cây, thân gẫy sau cơn mưa bão vào góc vườn, ngay ngắn gọn gàng và không quên thầm thì đủ rõ: Để Tết nấu bánh.

Chuyện củi lửa đó lớn dần và trở nên rõ ràng khi một ngày tôi bỗng thấy cả một khối củi to đã được bà xếp ngay ngắn ở góc vườn, sẵn sàng cho nồi bánh chưng ngày Tết.

Chuyện củi lửa đó trở thành sự thật được mong chờ vào ngày cuối năm khi nồi bánh chưng được bắc lên, để trẻ con tụi tôi trải chiếu quây quần trông bánh, nướng khoai và tán dóc.

Chuyện củi lửa trở thành kỷ niệm khi bao nhiêu năm đã qua đi, đã dùng đủ thứ lò sưởi mà vẫn không đủ ấm cho ký ức ngày nào, đã dùng đủ thứ bếp ga, bếp điện, bếp từ để nấu bánh mà vẫn không làm cho bánh chín như ngày nào, thì kỷ niệm bỗng chuyển thành thương nhớ.

Nếu không có nồi bánh chưng đó, nếu không có cái Tết được mong đợi đó, thì chuyện củi lửa cũng chẳng khác nào việc đốt lửa chơi đêm, dù có bùng lên rồi lại cũng tắt đi, chắc hẳn không làm người ta thương nhớ da diết đến như vậy.

Giáp Văn Dương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tan-man-cui-lua-657163.ldo