Tản mạn bên cây cầu ổ khóa tình yêu

Thuở bé tôi có một sở thích đặc biệt với những chiếc khóa. Sau mỗi ổ khóa mở ra là cả một kho tàng bí mật. Ống khóa và chìa khóa cũng có mối liên hệ hình tượng đến lạ lùng, ví như tình yêu, như vợ như chồng. Mất chìa thì khóa trở nên vô nghĩa. Chỉ có đập đi hoặc gọi thợ khóa đến đo đạc đục đẽo làm lại một cái chìa không thể hoàn hảo như chìa cũ.

Tác giả bên cầu Pont des Arts

Tác giả bên cầu Pont des Arts

Xưa có người chị khi đi lấy chồng, tôi không biết tặng gì ngoài tặng một ổ khóa với chiếc chìa duy nhất. Giờ con chị lớn tướng, chị vẫn nhớ mãi chuyện này. Chị bảo đó là món quà cưới ý nghĩa nhất chị từng được nhận. Bởi hạnh phúc là vậy, gắn bó với nhau như ổ khóa với chìa.

Sau này lớn lên, đi đó đi đây nhiều, tới những miền đất xa lắc xa lơ trên thế giới, nơi tôi thích tìm đến là nơi mà người ta hứa hẹn tình tự bằng những biểu tượng tình yêu giản dị. Như cái cách mà nhà thơ Xuân Diệu trong veo viết: “Ta đi yêu… người ta yêu nhau”. Một trong những nơi lãng mạn ấy chính là những cây cầu gắn khóa tình yêu.

Chẳng ai biết phong tục gắn ổ khóa tình yêu xuất phát chính xác từ đâu, chỉ biết có nhiều giải thích khác biệt, đến từ khắp nơi trên thế giới. Ổ khóa như bằng chứng của tình yêu có nguồn gốc rất xa xưa: Tương truyền thời Trung cổ, khi người đàn ông chinh chiến, người phụ nữ ở nhà phải mặc một cái đai quần có ổ khóa, chỉ có người chồng mới có chìa khóa để mở.

Một cặp tình nhân trên cầu Pont des Arts

Một giải thích khác cho rằng truyền thống này có nguồn gốc gần hơn, xuất phát từ Hungary đầu thế kỷ 20, dựa trên một câu chuyện về một phụ nữ bị mất người yêu là một quân nhân trong thế chiến thứ nhất. Người phụ nữ trẻ đã sử dụng một ổ khóa móc gắn lên cây cầu, nơi cô và người yêu gặp nhau lần đầu, như một cách tượng trưng mối tình bất diệt của họ.

Tôi thường cứ đứng đó ngắm các cặp đôi yêu nhau, khóa ổ khóa ghi tên mình lên thành cầu, ném bỏ chìa khóa xuống sông, một số khác mang theo bên mình như… kỷ vật cho con cháu sau này. Sau đó là những cái ôm, những cái nắm tay thật chặt, những nụ hôn lãng mạn. Họ tin rằng làm vậy thì sẽ được ở bên nhau mãi mãi.

Ở Pháp, Ý, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc… và cả ở ta cũng có những cây cầu trĩu nặng các biểu tượng tình yêu như thế. Ở Ý có cây cầu nổi tiếng Milvio, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Nơi đó treo hàng ngàn cặp khóa các kiểu, như một sự hẹn thề sắt son của những đôi tình nhân khi còn thắm thiết bên nhau. Cặp khóa như một sự ẩn dụ về lòng thủy chung, ước nguyện bên nhau mãi mãi của những đôi uyên ương nơi xứ sở Jomeo và Juliette.

Ở Pháp, cây cầu Pont des Arts bắc qua sông Sein thơ mộng cũng bạt ngàn khóa. Khóa muôn hình vạn trạng, muôn vàn ký hiệu, muôn vàn cái tên các cặp đôi yêu nhau. Cây cầu này trở thành một điểm đến “không thể thiếu” khi dạo chơi trong lòng Paris.

Ở xứ sở Kim Chi thì khóa tình yêu lại không gắn lên thành cầu mà được khóa lại ở hàng rào trang trí dưới chân tháp truyền hình Busan. Vô vàn ổ khóa với các lời nguyện ước tình yêu được gửi lại. Khi tôi đến các cây cầu tình yêu ở châu Âu, kiếm mãi chưa thấy khóa của các đôi tình nhân Việt. Nhưng ở tháp truyền hình Busan, những cái tên Việt Nam dễ dàng tìm thấy trong hàng rào chìa khóa lung linh sắc màu này.

Ở xứ mình, một vài cái khóa như thế xuất hiện trên cây cầu Long Biên hàng trăm tuổi, nhưng sợ cầu yếu nên người ta cắt bỏ đi. Bên sông Hàn thơ mộng ở Đà Nẵng cũng là nơi các bạn trẻ tìm đến để muốn chứng minh ý muốn vĩnh cửu trong tình yêu…

Trào lưu khóa tình yêu lan khắp thế giới như thế, chỉ có điều chưa có một cuộc khảo sát nào về việc đôi nào còn bên nhau, đôi nào đã xa nhau sau những giây phút ngọt ngào khi ném chiếc chìa khóa xuống lòng sông. Chỉ biết chắc rằng khóa vẫn còn đó mà mỗi người một ngả là điều không thể nào tránh khỏi cho nhiều cặp đôi đã rời xa nhau. Cũng có tên người nay ở cặp khóa này, mai lại thấy ở cặp khóa khác.

Biểu tượng thì muôn đời cũng chỉ là biểu tượng. Chiếc khóa bền vững nhất buộc hai con người lại với nhau chính là hai con tim yêu thương, luôn hướng về nhau để xây dựng tương lai. Một tình yêu đẹp và thủy chung tự thân chẳng cần chiếc khóa nào cũng khóa đời nhau lại như định mệnh khó cưỡng số phận mang lại.

Khác với giải thích nguồn gốc khóa tình yêu đã có từ cả trăm năm, nhiều người trẻ lại cho rằng trào lưu này chỉ mới vài năm tuổi. Trong bộ phim truyện của đạo diễn Ý Federico Moccia, mang tên “Ho voglia di te”, tạm dịch là “Khao khát tình em”, phát hành vào năm 2007, có một tình tiết khiến một số người trẻ cho rằng Ý là đất nước khai sinh ra “ổ khóa tình yêu”. Hai nhân vật chính trong phim cùng nhau gắn ổ khóa vào một cột đèn trên cầu Ponte Milvio ở Roma, ôm hôn nhau, rồi vứt chìa xuống sông.

Năm 2013, bộ phim hình sự Pháp - Mỹ mang tựa “Insaisissables” (Phi vụ thế kỷ) kết thúc bằng một cảnh trên Cầu Nghệ thuật. Đó là hai diễn viên Mark Ruffalo và Mélanie Laurent, thủ vai hai nhân viên FBI, đã cùng nhau móc chiếc ổ khóa tình yêu vào thành cầu, làm cho trào lưu này càng thịnh hành hơn.

Trần Ngọc Hà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/tan-man-ben-cay-cau-o-khoa-tinh-yeu-380239.html