Tân Kỳ - Nghệ An: Bà giáo ngoài 70 gần 30 năm đi xin… bảo hiểm xã hội

Dạy học từ năm 1965 - 1992 thì bà Trần Thị Ngọc xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình. Sau khi nghỉ, bà không nhận được chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) nào. Sau 27 năm cống hiến, nguyện vọng của bà là được chi trả lương hưu hoặc trợ cấp một lần.

Sau 27 năm dạy học không có… lương hưu

Đơn trình bày của bà giáo Trần Thị Ngọc.

Bà Trần Thị Ngọc (trú tại xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có đơn phản ánh gửi đến Báo Giáo dục và Thời đại. Theo đơn, bà là giáo viên dạy cấp 1 tại Trường Tiểu học Nghĩa Dũng – Nghĩa Thái từ năm 1965 - 1992. Trong đó, năm 1990 bà được chuyển sang Trường cấp 1 Nghĩa Phúc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị tai nạn mất sức lao động, nhà cách xa trường, con nhỏ nên bà xin nghỉ việc. Bà đã làm đơn gửi Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ và được đồng ý cho nghỉ để chờ giải quyết chế độ.

Bà đã làm hồ sơ gửi bảo hiểm xã hội huyện Tân Kỳ, UBND huyện Tân Kỳ, BHXH tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, từ đó đến nay bà chưa được hưởng chế độ gì.

Bà Ngọc chia sẻ: "Tôi đã ngoài 70 tuổi, chỉ mong được giải quyết chế độ trợ cấp sau 27 năm dạy học, để đỡ thiệt thòi. Nhưng hồ sơ của tôi đến nay vẫn chưa được giải quyết".

Ông Hoàng Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ xác nhận trình bày của bà Ngọc về quá trình công tác trên là đúng sự thật. Do hoàn cảnh khó khăn, bà xin nghỉ việc dạy học tại Trường cấp I xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ chờ giải quyết chế độ. Cho đến nay chưa được nhận bất cứ một khoản trợ cấp nào.

Về phía Phòng GD&ĐT cũng mong muốn bà Ngọc được hưởng các chế độ trợ cấp. Vì bà có thời gian công tác lâu năm trong ngành. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ BHXH phải theo các quy định pháp luật. Hồ sơ của bà Ngọc đã được tiếp nhận và được các cơ quan có thẩm quyền các cấp trả lời. Mới đây, BHXH tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản trả lời bà Ngọc về việc xin cấp sổ BHXH đối với lao động có thời gian công tác trước ngày 1/1/1995.

Hồ sơ bảo hiểm xã hội không đúng quy định

Văn bản trả lời của BHXH tỉnh Nghệ An về trường hợp của cô Ngọc.

Liên quan đến việc giải quyết chế độ BHXH, lao động làm việc trong khu vực Nhà nước trước 1/1/1995 chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp, BHXH một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Tuy nhiên, việc có chi trả BHXH hay không còn tùy thuộc vào từng đối tượng theo quy định.

Văn bản trả lời của BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, trường hợp công nhân viên chức được cơ quan cho thôi việc vì tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức, sau khi đi làm trở lại sẽ được cộng thêm thời gian công tác trước khi nghỉ việc để tính là thời gian công tác liên tục (trừ thời gian nghỉ việc không tính). Còn công nhân viên chức nghỉ do hoàn cảnh riêng, sau được trở lại làm việc thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc sẽ không được tính vào thời gian công tác liên tục.

Trường hợp cô Trần Thị Ngọc, đơn vị công tác trước khi nghỉ việc là Trường cấp 1 Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, sau năm 1992 cô không đi dạy trở lại. Hồ sơ của cô hiện có gồm: Lý lịch cán bộ công nhân viên; Đơn xin nghỉ việc viết ngày 15/7/1992; Danh sách người lao động nghỉ chờ việc trước ngày 1/1/1995 có tên trong danh sách UBND huyện - ngành Giáo dục - cơ quan trực thuộc; Bản xác nhận và cam đoan thời gian công tác để cấp sổ BHXH kê khai thời gian công tác của bà Trần Thị Ngọc (từ tháng 9/1965 đến tháng 9/1992).

Vì vậy, BHXH tỉnh Nghệ An cho rằng, các giấy xác nhận thể hiện cô Trần Thị Ngọc viết đơn xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình. Vì vậy, hồ sơ của cô Trần Thị Ngọc chưa đúng quy định để cơ quan BHXH tiếp nhận, làm căn cứ giải quyết theo thẩm quyền cho lao động hưởng BHXH.

Tuy nhiên, BHXH Nghệ An cũng hướng dẫn, nếu cô Trần Thị Ngọc nghỉ chờ việc do cơ quan, đơn vị không sắp xếp bố trí được việc làm thì cần bổ sung thêm các giấy tờ như: Lý lịch gốc, quyết định tiếp nhận và các giấy tờ có liên quan khác như: Quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác. Danh sách của đơn vị có tên Trần Thị Ngọc đến ngày 31/12/1994 hoặc các giấy tờ xác định tương đương.

Về vấn đề trên, ông Phạm Huy Đức (cán bộ Hội Cựu giáo chức Nghệ An, nguyên Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An) cũng cho biết, trước đây, có một giai đoạn đầu những năm 1990, rất nhiều giáo viên của Nghệ An xin nghỉ việc. Phần lớn do hoàn cảnh khó khăn, chế độ lương của giáo viên thời điểm đó không đủ trang trải cuộc sống. Ngoài ra, thời điểm đó BHXH của công nhân viên chức được Nhà nước "bao cấp", đóng hộ hoàn toàn, người lao động không phải nộp thêm, nên không có sổ BHXH rõ ràng như hiện nay.

Về trường hợp của bà Trần Thị Ngọc, do tự ý xin nghỉ việc, nên không được cấp sổ BHXH để chi trả các khoản trợ cấp là đúng. Tuy nhiên, nếu bà có giấy tờ, hồ sơ chứng minh được không phải do cơ quan tinh giản biên chế hoặc kiện toàn bộ máy cho thôi việc thì sẽ có căn cứ để giải quyết chế độ trợ cấp.

Ông Hoàng Đình Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cũng cho biết: UBND huyện Tân Kỳ đã yêu cầu BHXH và Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ hướng dẫn bà Trần Thị Ngọc bổ sung các loại hồ sơ hợp pháp. Sau đó báo cáo UBND tỉnh xác nhận và có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH để xem xét, quyết định.

"Chúng tôi rất quan tâm và đã làm hết trách nhiệm của mình đối với trường hợp cô Trần Thị Ngọc", ông Sơn khẳng định.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/tan-ky-nghe-an-ba-giao-ngoai-70-gan-30-nam-di-xin-bao-hiem-xa-hoi-1596077922888.html