Tận hưởng bình yên

Nhà văn người Anh A.A. Milne (1882-1956) từng có câu nói rất hay: 'Cỏ dại cũng là hoa, khi bạn đã hiểu chúng'. Khi ta tận cảm là lúc ta ngộ ra những giá trị sống: bình yên quanh ta đều có gốc gác, cội nguồn. Sự bình yên, thú vị nào cũng đều xuất phát từ nền tảng đạo đức, xã hội.

Còn nhớ, khi đọc một nhàn đàm đặc sắc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi thật bất ngờ trước tầm kiến văn và tư duy của ông, nhà văn nhận định: “Trong mỗi người Việt chúng ta có một người - làm (homo fabien), một người - nghĩ (homo sapien) và có thêm một người - ham - chơi (homo ludus). “Người ham chơi” này Tây rất thèm nhưng không đạt nổi. Đây là điều cay đắng mà nhà thông thái Will Durant đã phát hiện ra khi nhìn về phương Đông: “Ở phương Đông, mọi công việc hoặc hầu hết đều làm bằng tay mà người ta lúc nào cũng rảnh rang nhàn hạ; còn ở phương Tây, trái lại, vô số máy móc làm thay công việc cho ta được, mà chúng ta lúc nào cũng bận rộn” ("Người ham chơi" - Báo Nông nghiệp Việt Nam).

Có lẽ, chữ “ham chơi” mà cố nhà văn của xứ Huế dùng cần phải được hiểu với nghĩa rộng là thực hành văn hóa, trải nghiệm những giá trị truyền thống chứ đâu phải chỉ là sự hưởng thụ của riêng một cá nhân.

Rác thải đêm Giao thừa gây sự bức xúc trong cộng đồng.

Rác thải đêm Giao thừa gây sự bức xúc trong cộng đồng.

Người yêu văn hóa, văn chương hẳn đã quá quen với những thú chơi tao nhã trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân như: uống trà, chơi hoa lan, thả thơ, chơi đèn kéo quân... Tương tự, ở Thạch Lam là những: “cháo hoa quánh mùi gạo thơm”, “xôi nồng mùi nếp mới”, “bún riêu, bún chả, thang cuốn, nem chua, miến lươn, bún ốc” trong “Hà Nội 36 phố phường”. Những di sản trong văn hóa ẩm thực truyền thống nói lên cốt cách tao nhã, nói lên tinh thần yêu chuộng cuộc sống bình an, hài hòa. Các thế hệ nhà văn sau này như Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn, Di Li, Hữu Tài... cũng tiếp nối tinh thần ấy bằng cách viết từ một cảm quan mới.

Ngày nay, xu thế food tour (du lịch ẩm thực) đang được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng khi đến Việt Nam. Nhìn ra thế giới, các quốc gia đều coi đây là “mỏ vàng”: “Theo ước tính của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), du khách quốc tế dành khoảng 25-35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch” (theo: Băng Hảo - vneconomy.vn).

Có lẽ, nhiều người sẽ cho rằng sở dĩ food tour có dư địa lớn ở Việt Nam (nói riêng) và thế giới (nói chung) bởi sự đa dạng của văn hóa ẩm thực. Bên cạnh lý do đó, người ta biết đến các địa phương thông qua các slogan du lịch còn bởi họ được khám phá những đặc sắc, thú vị của vùng đất đã sản sinh ra món đặc sắc ấy. Nếu như trên thế giới, socola, cà ri, bánh kếp, bia... và nhiều món ăn khác từng là một phần của lịch sử thì ở Việt Nam, những món như: Bún bò Huế, phở (Hà Nội và Nam Định), bánh su sê (tương truyền có nguồn gốc từ làng Đình Bảng, Bắc Ninh), bánh xèo (miền Tây)... cũng mang trong mình vô vàn thông tin thú vị. Ăn để tận hưởng nghệ thuật chế biến, để cảm nhận một huyền thoại và thưởng thức để trả lời câu hỏi: Bạn có thấy hạnh phúc khi được sống giữa không gian văn hóa ẩm thực của một dân tộc hiếu khách, yêu chuộng hòa bình không?

Đúng như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có lần từng nói về đề tài ẩm thực: “Chuyện ăn, uống cũng là hai hành động văn hóa đầu tiên của con người. Nếu hiểu văn hóa là sự can thiệp của con người vào tự nhiên. Con người chúng ta có biết bao nhiêu tộc người, bao nhiêu nền văn hóa, những thức ăn đưa vào miệng dù cùng là một dạng chất lỏng, hay chất rắn nhưng được chế biến khác nhau, từ đó cũng tạo nên văn hóa” (theo: Ngọc An - Báo Thanh niên).

Từ ẩm thực, con người đã nhận ra những thông điệp văn hóa nhẹ nhàng, ấn tượng nhưng không kém phần sâu sắc mà nền văn hóa, dân tộc, quốc gia đó muốn gửi gắm. Du khách cũng cảm nhận và giải mã để chiêm nghiệm sự thực hành văn hóa và ứng chiếu lại những triết lý sống của mình. Từ ăn uống đến đi lại, đến lưu trú, khám phá đặc tính vùng miền là hành trình thấu tỏ một đất nước, một dân tộc. Phải chăng, du khách trong khu vực và thế giới đến với food tour của Việt Nam ngày càng nhiều để trải nghiệm sự sâu lắng này. Tận cùng của ẩm thực là vị ngọt, sự sâu đằm của văn hóa chứ không chỉ có chất đất, vật nuôi, khí hậu và quy trình chế biến, sản xuất...

Nà Bờ (Hòa Bình) là điểm du lịch hoang sơ khiến du khách thích thú trong những năm gần đây.

Nà Bờ (Hòa Bình) là điểm du lịch hoang sơ khiến du khách thích thú trong những năm gần đây.

Gác lại câu chuyện của ẩm thực Việt, người viết nhận ra sức hấp dẫn đối với con người hôm nay còn đến từ những gì bình yên nhất. Xưa kia, sự đơn sơ của một bản làng đồng nghĩa với thiếu thốn, nghèo nàn về vật chất, lạc hậu, yếu kém về hiểu biết. Tuy nhiên, khi chúng ta đã làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về chính trị, tư tưởng, tri thức; xây dựng hạ tầng thiết yếu bằng những đường điện lưới, điểm trường, trạm y tế, cột phát sóng..., giờ đây du khách có thể tận hưởng hoang sơ với một tâm thế hiện đại hơn, khoa học, tiện nghi hơn.

Nếu bạn đã gặp một khúc sông Bôi ở Nà Bờ (xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) với những chiếc bè camping; một miền chè xanh mênh mông ở Khắc Tùng La Bằng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên); một thác Nậm Me (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)... và bao điểm đến hoang sơ, độc đáo nữa sẽ là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho mỗi người trong số chúng ta. Hoang sơ là vốn liếng bước vào kỉ nguyên hội nhập.

 Food tour đang được du khách quan tâm.

Food tour đang được du khách quan tâm.

Công bằng mà nói, Việt Nam không thiếu điểm du lịch nhưng ở những nơi đó chính quyền và mỗi người dân đã dày công gìn giữ để có được sự nguyên sơ, trong lành, góp thêm một mảnh ghép xanh vào công cuộc bảo vệ môi trường sống, giáo dục ý thức về sinh thái. Bởi thế, bạn đến để thưởng lãm, trải nghiệm đời sống của cư dân bản địa, thưởng thức món ăn (có thể trực tiếp tham gia chế biến)... và nhiều điều thú vị khác nữa cũng là lúc bạn thiết lập cho mình một quan niệm dày dặn, sâu sắc: văn hóa không chỉ là tận hưởng, là giải trí; trải nghiệm không chỉ là được nhập vai mà còn là sự chiêm nghiệm lịch sử và từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về văn hóa, tư tưởng. Sâu xa hơn, đằng sau một xã hội yên ổn, sau những thắng cảnh yên bình là sự độc lập, toàn vẹn của chủ quyền, là những chủ trương, chính sách hiệu quả của Đảng và Nhà nước. Tận hưởng bình yên để yêu thêm sự bình yên ấy.

Nhà văn người Anh A.A. Milne (1882-1956) từng có câu nói rất hay: “Cỏ dại cũng là hoa, khi bạn đã hiểu chúng”. Khi ta tận cảm là lúc ta ngộ ra những giá trị sống: bình yên quanh ta đều có gốc gác, cội nguồn. Sự bình yên, thú vị nào cũng đều xuất phát từ nền tảng đạo đức, xã hội. Trong quá khứ, cha ông ta từng ứng xử với thiên nhiên ra sao, thế hệ chúng ta đã giữ gìn các giá trị ấy như thế nào để các thế hệ mai sau tận hưởng và tiếp tục gìn giữ, luy truyền.

Có thể hôm nay bạn thấy food tour là thời thượng, có thể bạn phát hiện ra trên màn hình desktop của đồng nghiệp xung quanh là hình ảnh một nương chè, một thửa ruộng, dòng suối mát hay một miền cỏ dại... Đó là lúc chúng ta phải khẩn trương, mau lẹ giữ gìn những giá trị văn hóa đó chứ không phải sự tận hưởng một chiều như cảnh giập nát trên đường hoa mỗi độ xuân về hay cảnh túi nilon, hộp xốp vứt đầy sau một sự kiện, lại tự hỏi: Văn hóa ở đâu, văn hóa là gì? Văn hóa không phải một kho báu được cất giấu, văn hóa sẽ hiện diện từ trong chính cách nghĩ, cách làm, trong chính trái tim và tâm hồn ta và cứ thế lan tỏa, lan tỏa mãi...

Thu Trang

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tan-huong-binh-yen-i748842/