Tan hoang đường tránh đầu tư hơn 500 tỷ, dân không có đường đi

Với hiện trạng bị đất đá vùi lấp, mặt đường bị gãy, đứt, hình thành hố 'tử thần', tuyến đường tránh đèo Măng Rơi với tổng vốn lên đến 543 tỷ đang trở thành nỗi bất an đối với người dân ở đây.

Mặt đường hơn 500 tỷ bị vỡ nứt nghiêm trọng

Mặt đường hơn 500 tỷ bị vỡ nứt nghiêm trọng

Ghi nhận thực tế, tại tuyến đường tránh Măng Rơi trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, hàng chục nghìn m3 đất đá vùi lấp nhiều đoạn đường, hình thành những vùng lõm, khi gặp mưa nước đọng lại và trơ đất nứt nẻ khi trời nắng. Ngoài ra, có những vị trí hàng chắn taluy dương cũng bị đất đá trên cao đổ ập làm bể, từng mảng bê tông vỡ vụn rơi xuống nền đường, chỉ còn trơ sắt. Nhiều vị trí sạt lở, phía taluy nền đất còn yếu, nếu có mưa thì có khả năng sẽ sạt lở tiếp, qua quan sát, nhiều vị trí hiện đang đã và tiếp tục bị sạt lở, hư hỏng.

Đáng nói, tại các điểm hư hỏng không có biển cảnh báo cho người tham gia giao thông, trong khi đường hư hỏng dày đặc từ tháng 10/2018. Từ đó đến nay, trên địa bàn nắng kéo dài nhiều tháng nhưng không thấy chủ đầu tư cũng như địa phương khắc phục tạm cho dân đi lại khiến dư luận bức xúc. Vị trí sạt lở rộng, có chỗ sửa rồi lại sạt, cộng với mặt đường gãy, đứt trải dài khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình.

Đường tránh đèo Măng Rơi có kinh phí xây dựng 543 tỷ đồng với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu tuyến đường đã nát bươm, tan hoang, nhiều người dân không dám đi qua đây.

Trao đổi về tình trạng này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện cho biết, tuyến đường trên do UBND huyện làm chủ đầu tư, 2 đơn vị liên danh Công ty TNHH Tuấn Dũng và Công ty cổ phần Trường Long thi công, được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 7/2016, đến 7/2017 thì hết hạn bảo hành.

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói, những vị trí hư hỏng, sạt lở tồn tại trên con đường diễn ra vào khoảng 10/2018 nhưng đến nay vẫn chưa sửa được vì nguồn kinh phí của huyện không đảm bảo nên phải chờ có kinh phí mới khắc phục được.

Đá cục ngổn ngang tại tuyến đường hơn 500 tỷ

Theo ông Ngô Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Măng Rơi (đại diện UBND huyện làm chủ đầu tư), có một số điểm sạt lở đã khắc phục nhưng bị vẫn sạt, lở tiếp. Những vị trí này hầu như taluy dương có nền đất yếu nên xảy ra sạt liên tục. Chỉ còn cách là sạt lúc nào thì hốt đất đá lại cho đến lúc ổn định mới hết sạt.

Chia sẻ về những vấn đề liên quan, ông Cường cho rằng, đơn vị thi công đã thi công đúng thiết kế, còn đường sạt lở và hư hỏng là do thiên tai. Giải thích về việc không cắm biển cảnh báo tại vị trí hư hỏng, ông Cường nói: “Thực ra các điểm hư có đặt biển cắm hết, nhưng do… bị mất.”

Cả quả núi sạt xuống mặt đường

Theo nhiều người dân sinh sống tại đây, đường tránh đèo Măng Rơi bị sạt lở nhiều tháng nay với hàng chục nghìn khối đất đá vùi lấp mặt đường nhưng đến nay vẫn không thấy khắc phục. Xây dựng đường tránh đèo để dân đi an toàn nhưng đường hư hỏng nên dân phải đi lại đường đèo cũ.

Trước đây, để lưu thông từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông về huyện Đắk Tô và ngược lại (cùng thuộc tỉnh Kon Tum), người dân đi 1 con đường, trong đó có đoạn qua đèo Măng Rơi. Đoạn đèo này có độ dốc lớn, nhiều khúc quanh co nguy hiểm, tầm quan sát nhỏ, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Sau này đường tránh đèo Măng Rơi được xây dựng nhằm mục đích một phần để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đường tránh này hiện bị tê liệt hoàn toàn do sạt lở.

Đến thời điểm hiện tại trên tuyến đường hơn 500 tỷ này đã bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục nghìn khối đất đá từ taluy dương đổ ập và lấp hết nền đường với chiều dài cả trăm mét. Từng mỏm đá nhọn hoắt nhô cao thành cái bẫy. Do đường đã bị đất đá lấp nên muốn đi phải đi vòng lên con đường mòn nhấp nhô đã mở tạm mà chỉ xe máy hoặc người đi bộ đi qua được.

Cả tuyến đường hư hỏng nguy hiểm không một biển báo an toàn

Phạm Trọng Nghị

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/tan-hoang-duong-tranh-dau-tu-hon-500-ty-dan-khong-co-duong-di-d72452.html