Tan hoang bản Sa Ná

Sau 2 ngày lũ dữ quét qua, bản Sa Ná, xã Na Mèo, H.Quan Sơn tiêu điều, xác xơ. Đau thương, tang tóc như phủ kín bản nghèo miền biên viễn xứ Thanh. Đâu đó, người dân từ rừng trở về nhà trong đống đổ nát, hoang tàn, cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại bị chôn vùi trong cơ man nào là đất, đá. Cuộc sống ở Sa Ná đầy tạm bợ với những lều, bạt và những bát mỳ được cứu trợ.

Sau 2 ngày lũ dữ quét qua, bản Sa Ná, xã Na Mèo, H.Quan Sơn tiêu điều, xác xơ. Đau thương, tang tóc như phủ kín bản nghèo miền biên viễn xứ Thanh. Đâu đó, người dân từ rừng trở về nhà trong đống đổ nát, hoang tàn, cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại bị chôn vùi trong cơ man nào là đất, đá. Cuộc sống ở Sa Ná đầy tạm bợ với những lều, bạt và những bát mỳ được cứu trợ.

LLVT dọn dẹp nhà bị sập giúp dân.

LLVT dọn dẹp nhà bị sập giúp dân.

Bản làng chìm trong nước mắt

Sáng 5- 8, con đường nhựa dẫn vào bản Sa Ná ngày nào đã biến mất, nhường chỗ là bùn đất, những tảng đá hộc nặng hàng tấn, những thân gỗ lớn nhỏ nằm ngổn ngang khắp mọi nơi. Dòng suối Son ngày nào còn cung cấp nguồn nước để dân bản sinh hoạt, sản xuất, nuôi dưỡng con cá để cải thiện bữa ăn nay đỏ ngầu cuồn cuộn chảy. Bên dòng suối Son giờ chỉ còn sót lại vài ngôi nhà bị lũ đẩy cho xiêu vẹo, còn lại là đống đổ nát, xác xơ.

Hai ngày qua, hàng ngàn người thuộc các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực tìm kiếm những người dân mất tích trong lũ, mỗi một giờ đồng hồ trôi qua, hy vọng tìm thấy những người còn sống như cạn dần. Khắp bản làng Sa Ná giờ là những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào và những tiếng nói không nên lời của những người dân có người thân mất tích, có nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi. Dãy núi Luốt Mu sừng sững chứng kiến nỗi đau dưới chân mình.

QK4 trao quà cho người dân vùng lũ quét.

Thẫn thờ nhìn ra dòng suối Son, anh Hà Văn Vân (1990) như không muốn tin chính nó đã cướp đi cùng lúc 6 người thân của mình là bố, mẹ, chị gái, vợ và hai đứa con thơ. Có lẽ, nỗi đau của anh Vân là quá bất ngờ và đột ngột khiến anh không thể chịu nổi. Đôi mắt thất thần của người đàn ông này cứ lặng lẽ nhìn ra dòng suối Son như muốn oán trách, nhưng cũng mong có một phép mầu nào đó đưa các người thân của anh trở về. Được biết, do đi làm ăn xa nên anh Vân mới thoát nạn. Nghe tin người thân bị lũ cuốn trôi mất tích, anh Vân tức tốc về nhà để nghe ngóng, song hơn 2 ngày trôi qua mọi thông tin về người thân vẫn lặng lẽ trôi theo dòng nước lũ. Được biết, toàn bộ 6 người trong gia đình của anh Vân gồm: ông Hà Văn Tiệu (55 tuổi, bố đẻ); bà Hà Thị Thắm (51 tuổi, mẹ đẻ); Hà Thị Vững (31 tuổi, chị gái), Vi Thị Sống (29 tuổi, vợ) và hai cháu nhỏ con anh Vân là Hà Văn Quỳnh (10 tuổi); Hà Văn Chấn (7 tuổi).

Còn anh Hoàng Xuân Luyến (1973) không kìm nén được nỗi đau nhớ lại: Thời điểm xảy ra sự việc, tôi đưa vợ và 2 đứa con sang nhà anh trai tá túc. Đến lúc quay về nhà tìm lấy bếp gas thì bất ngờ bị nước cuốn trôi cả nhà lẫn người. “Bị cuốn bất ngờ, mặt mũi tối sầm lại. Trong cơn nguy kịch tôi cố gắng bám vào khúc luồng và bám chặt cành tre rồi bò lên bờ. Đến khoảng 10 giờ có người tìm thấy và đưa tôi vào trạm xá”, anh Luyến nói. Anh Luyến cho biết, vợ mình là Nguyễn Thị Tiến (1988) lấy nhau lâu nhưng hiếm muộn đi chữa trị mãi mới được hai đứa con Hoàng Hải Yến (18 tháng tuổi) và một bé trai mới được 3 tháng tuổi. “Bây giờ tôi không biết vợ và hai con nhỏ đang ở đâu vì chưa thể liên lạc được. Nhà cửa trôi hết rồi, vợ và các con tôi ở đâu”, anh Luyến rơm rớm nước mắt.

Nỗ lực khắc phục sau lũ để ổn định cuộc sống.

Dạo quanh Sa Ná, bắt gặp nhiều ánh mắt trẻ nhỏ ngơ ngác vì mất nhà, mất người thân, ánh mắt bàng hoàng của những người già vì tay trắng, những gương mặt thất thần, hốc hác sau gần 2 ngày hoảng loạn chạy lũ, thiếu ăn, thiếu ngủ. Trong túp lều bạt dựng tạm trên nền đất cũ của gia đình con gái, cụ Hà Thị Yến (1939) không tin nổi lũ lại lớn đến vậy. “Cả đời tôi sống ở đây, thường ngày nước suối Son rất thấp, chúng tôi còn lội qua lại để đi rừng. Bà con còn vỡ ruộng, lấy nước suối cấy lúa sinh sống. Không ngờ lũ theo suối cuốn hết, mất hết rồi. Ở đây, người dân sống khổ lắm, bám vào mấy cây nứa, cây luồng trên rừng thôi, giờ nhà cửa trôi hết, không biết lấy gì để xây dựng lại”- cụ Yến lo lắng.

Bầu không khí u ám, não nề tại Sa Ná như càng tăng thêm bởi vào lúc 11 giờ trưa cùng ngày, với nỗ lực tìm trong đống đổ nát, mọi người đã tìm thấy thi thể chị Lò Thị Quạn (1983) bị vùi lấp ngay trong căn nhà của mình. Chị Quạn là 1 trong số 12 nạn nhân mất tích sau trận lũ quét kinh hoàng vừa qua. Còn đâu đó, 11 số phận còn lại hiện vẫn đang được lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm.

Anh Hà Văn Vân thẫn thờ ngóng tin 6 người thân bị lũ cuốn.

Chung tay với người dân vùng lũ

Trong sáng ngày 5- 8, ông Trịnh Văn Chiến- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa dẫn đầu đoàn công tác cùng các sở ban ngành đã có mặt tại xã Na Mèo để kiểm tra công tác khắc phục lũ lụt, thăm hỏi động viên những gia đình gặp nạn; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ tìm kiếm những người mất tích. Đồng chí bí thư đề nghị chính quyền địa phương tập trung phối hợp với các đơn vị vũ trang khẩn trương hỗ trợ nhân dân, trong đó tập trung cứu chữa cho người bị thương, tiếp tục ổn định chỗ ở cho những gia đình bị mất nhà cửa, phải tạo điều kiện hết sức để giúp đỡ bà con dân bản vượt qua những khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Trần Võ Dũng- Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã đến thăm và tặng quà cho nhân dân bị lũ lụt tại H.Quan Sơn. Sau khi nghe lãnh đạo H.Quan Sơn báo cáo về tình hình thiệt hại và tiến độ khắc phục hậu quả sau lũ lụt, thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu 4, thiếu tướng Trần Võ Dũng đã chia sẻ những mất mát về người và tài sản của nhân dân H.Quan Sơn trong đợt lũ lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua. Đồng chí mong rằng trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân trong huyện cùng với lực lượng vũ trang được tăng cường, trong đó có lực lượng của Bộ CHQS tỉnh, tập trung khắc phục mọi khó khăn, tích cực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích, củng cố lại nơi ăn ở của nhân dân, ổn định cuộc sống. Chia sẻ với những khó khăn của người dân vùng lũ Quan Sơn, trước mắt, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng 4 tấn lương thực (3 tấn mỳ tôm, 1 tấn lương khô) và 200 triệu đồng cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt của huyện.

Nhiều người dân bản Sa Ná bây giờ trắng tay không còn thứ gì ngoài một bộ quần áo đang mặc trên người, họ vẫn đang nhọc nhằn vượt khó sau cơn lũ càn quét. Bữa ăn giờ đây của bà con hoàn toàn trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn cứu trợ. Cuộc sống trước mắt của người dân vô vàn khó khăn, khi mà cái cày, cái cuốc, con lợn, con trâu, bao thóc cũng không còn. Bà con dân tộc Thái đang gồng mình vượt qua khó khăn, mất mát. Người dân bản Sa Ná rất cần sự quan tâm chia sẻ và sự vào cuộc khẩn trương hơn của các bộ ngành, bà con mong ước có được chỗ định cư bền vững, giúp cho bản làng vùng biên sớm bình yên.

X.S

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm đồng bào vùng lũ

Sáng 5-8, Chính phủ họp Phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong phát biểu khai mạc Phiên họp, đề cập đến diễn biến cơn bão số 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả thiên tai vẫn đang được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai tích cực. Thủ tướng đánh giá, cơn bão số 3 mặc dù không lớn nhưng đã gây ra những thiệt hại không nhỏ tại một số địa phương bão đi qua, nhất là tỉnh Thanh Hóa. Cùng thời gian này, mưa lớn kéo dài và sóng cao đánh liên tiếp vào đê biển H. Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau gây thiệt hại nặng về tài sản của nhân dân. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ, thăm hỏi đến chính quyền, nhân dân các địa phương chịu thiệt hại do bão số 3 như Thanh Hóa, Cà Mau và các địa phương khác; đồng thời khẳng định, công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai sẽ tiếp tục được triển khai theo phương châm kịp thời nhất, hiệu quả nhất.

P.V

Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương Trưởng Công an xã hy sinh khi giúp dân chống lũ

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thư thăm hỏi, biểu dương đồng chí Thao Văn Súa - Trưởng Công an xã (CAX) Nhi Sơn, H. Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và động viên thân nhân gia đình đồng chí Thao Văn Súa.

Nội dung thư nêu rõ:

Lãnh đạo Bộ CA được báo cáo: Ngày 3-8-2019, đồng chí Thao Văn Súa, Trưởng CAX Nhi Sơn, H. Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, trong khi làm nhiệm vụ kiểm tra an toàn của các hộ dân trên địa bàn xã Nhi Sơn nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở do mưa, lũ để hỗ trợ di dời, sơ tán đến nơi an toàn, đã hy sinh do bị đất, đá sạt lở, vùi lấp, nhận được nhiều lời tri ân và thương tiếc của nhân dân, đồng bào vùng thiên tai bão lũ.

Thay mặt Đảng ủy CA T.Ư, Bộ CA, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc và tri ân tới gia đình và cá nhân đồng chí Thao Văn Súa đã hy sinh; đồng chí Thao Văn Súa đã thể hiện tinh thần, phẩm chất của người chiến sĩ Công an nhân dân – Vì nước quên thân, vì dân quên mình, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chủ trì, phối hợp với Cục Tổ chức cán bộ và CA tỉnh Thanh Hóa tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình đồng chí Thao Văn Súa. Phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình tổ chức tang lễ cho đồng chí Thao Văn Súa chu đáo, trọng thể. CA tỉnh Thanh Hóa tăng cường lực lượng, phương tiện triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân trong vùng thiên tai, lụt bão, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

* Ngày 5-8, ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công, cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa lập hồ sơ để Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Thao Văn Súa - Trưởng CAX Nhi Sơn, H.Mường Lát bị tử vong do đất đá vùi lấp. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ CA đã thống nhất đề nghị với các cơ quan, chính quyền Thanh Hóa hoàn tất thủ tục ngay để trình Chính phủ xem xét công nhận liệt sỹ cho anh Thao Văn Súa.

X.S

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_210500_tan-hoang-ban-sa-na.aspx