Tận dụng ưu thế các phần mềm để ôn tập hiệu quả

Thầy Hoàng Quốc Trung, Tổ trưởng bộ môn Vật lý (Trường THPT Thới Lai, TT Thới Lai, Cần Thơ) chia sẻ:

Giờ học trực tuyến của cô giáo Nguyễn Thị Kim Uyên.

Giờ học trực tuyến của cô giáo Nguyễn Thị Kim Uyên.

Để dạy bài mới và ôn tập hiệu quả cho HS trước Kỳ thi THPT quốc gia, tôi đã áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) với phần mềm classroom. Sử dụng phần mềm này, GV có thể quay các video, clip bài giảng gửi lên đó để trò theo dõi và học tập. Bài giảng sẽ được chuẩn bị với hình thức PowerPoint có thu âm trực tiếp những hướng dẫn và lưu ý của GV. Ưu điểm của cách làm này, HS có thể lên lớp học tập bất cứ lúc nào, hoặc chỗ nào chưa hiểu các em có thể xem lại. Với những bài tập trắc nghiệm, GV có thể chữa và giải thích cụ thể để HS hiểu rõ và nắm chắc vấn đề.

“Với lớp học classroom, thầy cô có thể cho HS làm các bài tập và luyện đề theo nhiều dạng khác nhau. Ở phần mềm này, GV có thể thấy được mức độ đúng sai của từng câu, điểm số từng học sinh. Như vậy trên cơ sở trình độ năng lực của từng lớp, thầy cô sẽ điều chỉnh mức độ ôn tập, hoặc nhấn mạnh vào từng nội dung và từng dạng đề để hệ thống kiến thức cũng như ôn luyện cho HS”, thầy Trung cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Kim Uyên, Tổ trưởng bộ môn Vật lý (Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Tiền Giang) cũng bày tỏ: Trước thời gian nghỉ Tết, HS đã có trong tay tài liệu ôn tập mà GV trong tổ cùng thống nhất và xây dựng. Tài liệu bao gồm các kiến thức lý thuyết cơ bản và các dạng bài tập theo từng chuyên đề. Vì vậy ngoài việc học lý thuyết thông qua các tiết dạy trực tuyến, HS khá thuận lợi trong việc ôn luyện kiến thức cũng như các dạng đề.

Theo cô Kim Uyên, để HS ôn luyện dưới dạng các đề, cô và các GV đã thực hiện trên phần mềm VN.edu. Theo đó, thầy cô soạn các câu hỏi theo từng chuyên đề để học sinh luyện tập. HS có thể làm lại nhiều lần cho tới khi đạt điểm tối đa. Ưu điểm của phần mềm là khi vào GV có thể kiểm soát được mức độ đúng sai, mức điểm, số lần làm đề của của từng em.

“Khi muốn cho HS làm bài kiểm tra, GV sẽ ra đề trên phần mềm này và quy định về thời gian làm bài. Thông thường trong 40 phút, sẽ có 30 - 40 câu tùy mức độ dễ và khó phù hợp với năng lực học sinh theo các ban A, B, C, D. Với tôi, sau 2 - 3 tuần khi dạy xong một chuyên đề sẽ yêu cầu HS làm bài kiểm tra với 10 mã đề khác nhau. Như vậy, HS sẽ nắm chắc kiến thức và có cơ hội cọ xát với các dạng bài ở từng chuyên đề”, cô Nguyễn Thị Kim Uyên nói.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tan-dung-uu-the-cac-phan-mem-de-on-tap-hieu-qua-20200404110302429.html