Tận dụng thế mạnh nông nghiệp để phát triển

Phát huy thế mạnh nông nghiệp, huyện Châu Thành (An Giang) tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung tổ chức sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ then chốt. Qua đó, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Châu Thành đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển hệ thống trạm bơm điện đảm bảo việc tưới tiêu trong sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, nâng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao.

Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp. Năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của thời tiết, tình hình dịch bệnh nhưng tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn duy trì ổn định. Giá trị sản xuất (GO) giá hiện hành lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt trên 6.262 tỷ đồng.

Huyện Châu Thành tập trung củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp (DN). Đồng thời, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo phát triển sản xuất - kinh doanh, từng bước nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân gắn với phát triển sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh cao.

Ngoài ra, khuyến khích DN, nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học. Qua đó tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân an tâm canh tác.

Thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Châu Thành quy hoạch chi tiết các vùng, sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương.

Huyện đã quy hoạch và triển khai thực hiện các vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực, như: lúa, gạo, xã hội hóa giống lúa, chăn nuôi, thủy sản, rau màu, nấm dược liệu, hoa - cây kiểng, cây ăn trái… Địa phương sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các loại sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có tiềm năng phát triển. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao.

Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất nông nghiệp. Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình canh tác, lãnh đạo huyện Châu Thành thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nông dân cũng như tiến hành khảo sát nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, sau gần 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã vận động nông dân chuyển đổi được 3.319ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau màu và cây ăn trái. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng, như: mô hình sản xuất rau màu an toàn, trồng cam sành, trồng bưởi, na hoàng hậu, trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao, trồng hoa kiểng…

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ các địa phương, ngành chức năng tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và chất lượng. Đồng thời, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhau và với các DN theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, để nền nông nghiệp địa phương phát triển bền vững…

Không chỉ quan tâm tái cơ cấu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Châu Thành còn tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả kinh tế và bền vững; hỗ trợ và khuyến khích DN, nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện phương thức nuôi cá tra giống và thương phẩm theo hướng hiệu quả kinh tế…

TRUNG HIẾU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tan-dung-the-manh-nong-nghiep-de-phat-trien-a274284.html