Tận dụng sức sáng tạo của startup để phát triển các công nghệ đột phá

Nhiều doanh nghiệp có thể bỏ ra vài ba triệu cho một bữa nhậu, nhưng lại không chịu bỏ ra chi phí 1 triệu đồng cho phần mềm theo dõi và phân công công việc cho nhân viên.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM (phải) trao đổi với đại diện một doanh nghiệp tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Đó là chia sẻ của ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM tại hội thảo “Xu hướng công nghệ năm 2018 và ảnh hưởng đến doanh nghiệp” do Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM tổ chức sáng 9/12.

Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh trước sự thay đổi chóng mặt của công nghệ

Phát biểu tại hội thảo, ông Tuấn cho biết, trong một nghiên cứu mới đây, nhiều lĩnh vực của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục phát triển và phổ biến mạnh mẽ trong năm 2018.

Nếu như trước đây, xu hướng ứng dụng công nghệ mới của thế giới tại Việt Nam phải mất từ 5 năm mới bắt đầu. Nhưng 2 đến 3 năm trở lại đây, các xu hướng công nghệ mới của thế giới du nhập và phát triển tại Việt Nam chỉ mất khoảng 2 đến 2,5 năm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nhanh trong bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày” - ông Tuấn cho biết.

Theo Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM, trong năm 2018, sự phát triển của công nghệ ở thế giới sẽ phân thành 3 chủ đề chính: trí tuệ nhân tạo, số hóa và mạng lưới thiết bị.

Trí tuệ nhân tạo ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống và hoạt động sản xuất. Nó ảnh hưởng đến một số ngành như may mặc, giày da, phân tích tài chính…

Ông Tuấn cho rằng, nếu như trước đây không có máy móc nào có thể thay thế con người sản xuất những chi tiết nhỏ của áo. Nhưng đến nay, bằng sự hỗ trợ của các thiết bị cảm biến, robot có thể may được hoàn chỉnh một chiếc áo với độ phức tạp cao, nhiều chi tiết tỉ mỉ.

“Điều này cho thấy trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất, lực lượng lao động sẽ thất nghiệp khi sự có mặt của robot ngày càng nhiều” - ông Tuấn chia sẻ.

Chính những yếu tố công nghệ với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất của doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp không ứng dụng công nghệ để gia tăng năng suất lao động thì sẽ dễ dàng bị đào thải trong thời đại của kinh tế tri thức” - ông Tuấn cảnh báo.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Trung Hiếu, CEO Dân Trí Soft, cho biết ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động doanh nghiệp hiện nay không còn quá cao siêu như trước kia. Hiện nay nhiều công ty công nghệ cung cấp các giải pháp quản lý doanh nghiệp với giá cả rất rẻ, thậm chí là miễn phí. Tuy nhiền, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ít quan tâm đến vấn đề này.

“Vấn đề không phải nằm ở chi phí mà là ở nhận thức của doanh nghiệp. Chúng ta phải có nhiều hơn những chương trình hội thảo, chia sẻ để giúp doanh nghiệp thay đổi nhận thức trong vấn đề ứng dụng công nghệ vào hoạt động của mình” - ông Hiếu nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phí Anh Tuấn thừa nhận, nhiều doanh nghiệp có thể bỏ ra vài ba triệu cho một bữa nhậu, nhưng lại không chịu bỏ ra chi phí 1 triệu đồng cho phần mềm theo dõi và phân công công việc cho nhân viên.

“Doanh nghiệp phải thay đổi dần dần, vì hiện nay nếu không ứng dụng công nghệ thì không thể nào nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp cần quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)” - ông Tuấn chia sẻ.

Ông gợi ý, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phát triển hoạt động R&D để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới bằng việc kết hợp với startup. Đây là đối tượng có thừa sự sáng tạo, nhiệt huyết nhưng lại thiếu kỹ năng quản trị, kinh nghiệm làm việc, chi phí để trả cho họ lại thấp. Hai bên có thể kết hợp với nhau để nghiên cứu tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đột phá.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể hợp tác với các công ty tư vấn để phát hiện những vấn đề của doanh nghiệp và tìm cách khắc phục.

Ông Lưu Danh Anh Vũ, chuyên gia về an toàn thông tin của IBM Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Dữ liệu là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp

Tại hội thảo, vấn đề bảo mật dữ liệu, an toàn thông tin của doanh nghiệp cũng được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ.

Ông Lưu Danh Anh Vũ, chuyên gia về an toàn thông tin của IBM Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa có năng lực về xử lý an toàn thông tin, dữ liệu nội bộ và khách hàng. Thậm chí, các công ty lớn cũng chỉ có từ 1 đến 2 nhân sự cho vấn đề bảo mật. Số nhân sự này phần đông thiếu kiến thức về an toàn thông tin, an toàn dữ liệu.

Thiệt hại lớn nhất cho doanh nghiệp là khi bị đánh cắp dữ liệu nội bộ và của khách hàng. Một doanh nghiệp về công nghệ đã từng phải trả tiền cho hacker để mua lại dữ liệu mà mình bị đánh cắp. Điều đó cho thấy, vấn đề dữ liệu có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp trong thời đại công nghệ”- ông Vũ chia sẻ.

Ông Vũ khuyến nghị, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chưa có năng lực về an toàn thông tin. Vì thế doanh nghiệp nên tìm kiếm một nhà cung cấp dịch vụ tin cậy để bảo vệ dữ liệu thông tin của mình.

“Ngoài ra, doanh nghiệp nên có hoạt động nghiên cứu các giải pháp về an toàn thông tin. Dù biết đây là vấn đề rất rộng và phải luôn cập nhật thường xuyên nhưng không thể không làm” - ông Vũ nói.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ket-noi-sme-va-startup-de-tao-ra-san-pham-dich-vu-dot-pha-c7a597382.html