Tận dụng sinh khối để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo 'Các giải pháp tận dụng sinh khối nhằm giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời' nhằm đề xuất giải pháp thay thế cho hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)”. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) với sự tham gia của 05 quốc gia, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Philippin.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hội Nông dân Việt Nam; các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ thuộc các tỉnh đồng bằng Sông Hồng; Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên từ các huyện nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội; hợp tác xã nông nghiệp, hội nông dân một số tỉnh và các tổ chức NGOs.

Với thông điệp “Giảm thiểu đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, thực hành BAT/BEP để bảo vệ môi trường và sức khỏe”, Hội thảo nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về nguy cơ do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (U-POP), khí nhà kính và các chất ô nhiễm khác sinh ra do đốt ngoài trời, tập trung vào các nguy cơ do đốt rác sinh khối; và đề xuất giải pháp giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời cũng như hướng dẫn thực hiện BAT/BEP trong xử lý chất thải sinh khối, đặc biệt là rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác dễ phân hủy sinh học.

Hội thảo cũng đã đề xuất các giải pháp với quan điểm coi rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp là tài nguyên, với mong muốn tận dụng tài nguyên được ban tặng, cùng lúc đó giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời, giảm phát sinh các chất POP, đặc biệt là U-POP, góp phần bảo vệ môi trường trong lành cho các thế hệ tương lai.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tan-dung-sinh-khoi-de-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-64683.html