Tận dụng rơm rạ để phát triển kinh tế

Nếu như trước đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tình trạng đốt rơm rạ của người dân ở khu vực ngoại thành và ven đô, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn của người tham gia giao thông thì nay tình trạng này đã giảm dần nhờ các mô hình xử lý rơm rạ hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Ngô Thị Thúy Hằng cho biết, vừa qua, huyện đã tổ chức một số mô hình trồng nấm cho bà con nông dân. Hội đã tuyên truyền cho bà con sau mỗi mùa gặt cần thu gom rơm rạ để làm nguyên liệu sản xuất nấm rơm vừa có điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập những lúc nông nhàn tại địa phương.

Doanh nghiệp thu mua rơm rạ ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh làm thức ăn cho bò. (Ảnh: Nguyễn Mai)

Doanh nghiệp thu mua rơm rạ ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh làm thức ăn cho bò. (Ảnh: Nguyễn Mai)

Bên cạnh đó, UBND huyện Đông Anh đã kết nối Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội với các hộ nông dân trên địa bàn huyện trong việc thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội cho biết, ngay đợt đầu tiên, Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội đã thu mua rơm rạ của gần 500ha lúa sau thu hoạch với giá 400 đồng/kg.

Tương tự, tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, các hội viên nông dân cũng được hướng dẫn để tận dụng rơm rạ làm sản phẩm phân bón hữu ích. Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp xã triển khai mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ. Đã có 3 thôn tham gia mô hình với tổng diện tích là 63ha, các hộ dân của 3 thôn sẽ được cấp chế phẩm sinh học để rơm rạ sau thu hoạch trở thành phần bón hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Được triển khai từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Đan Phượng đã có 9 xã tham gia mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ với tổng diện tích trên 360ha. Việc này góp phần xử lý triệt để tồn dư rác thải sau thu hoạch, tạo ra môi trường xanh sạch, đẹp không ô nhiễm khói bụi, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, việc triển khai mô hình không đốt rơm rạ mang lại nhiều lợi ích cho bà con, không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn hạn chế việc ảnh hưởng đến giao thông. Trước kia, bà con thường gom vào và đốt, nhưng đến nay, trên địa bàn huyện đã hạn chế được tình trạng đó.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Thủ đô.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc xử lý rơm rạ trên đồng ruộng được đánh giá đã được cải thiện đáng kể, nhờ các mô hình xử lý rơm rạ hiệu quả, biến phụ phẩm này thành sản phẩm hữu ích. Mô hình sử dụng rơm rạ để trồng nấm là điển hình... Việc trồng nấm còn tạo điều kiện cho bà con nông dân có thêm việc làm, thêm thu nhập, đồng thời, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, giúp giảm ô nhiễm môi trường và tốt cho sức khỏe người dân nông thôn.

Thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ xử lý để không còn rơm rạ đốt bỏ ngoài đồng ruộng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận cho nhân dân, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để hạn chế đến mức thấp nhất việc đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tan-dung-rom-ra-de-phat-trien-kinh-te-94218.html