Tận dụng lòng đường để phơi thóc, người dân 'biết sai' nhưng mong được 'thông cảm'

Cứ đến mùa gặt, hình ảnh những 'con đường thóc' lại xuất hiện rất nhiều ở các xã trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội). Nhiều người phơi thóc chiếm diện tích gần hết lòng đường khiến các phương tiện đi lại phải nép sát vào bên lề.

Tận dụng dự án chưa sử dụng, người dân mang thóc ra phơi kín đường.

Tận dụng dự án chưa sử dụng, người dân mang thóc ra phơi kín đường.

Những ngày này, nông dân các xã, huyện ngoại thành Hà Nội đang bước vào thời gian thu hoạch lúa xuân 2020. Sau khi lúa được tuốt sạch, thóc đã đưa về nhà, người dân tranh thủ những ngày nắng mang thóc ra phơi cho khô giòn. Tuy nhiên, do điều kiện sân nhà chật hẹp, đường sá lại rộng thoáng nên hầu hết người dân tận dụng lòng đường để làm nơi phơi thóc. Có những chỗ người dân chỉ phơi thóc ở một phần lòng đường, song cũng có chỗ người dân trải bạt phơi thóc chiếm gần hết lòng đường khiến việc đi lại bị ảnh hưởng nhiều.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng gay gắt, đặc biệt vào buổi trưa, nhiều người đi đường bị ảnh hưởng mệt mỏi bởi ánh nắng, lại thêm các "đoạn đường thóc" bất ngờ xuất hiện khiến nhiều người không kịp xử lý, dễ xảy ra tai nạn.

Đường làng được người dân mang lúa ra phơi, chiếm gần hết diện tích mặt đường, các phương tiện lưu thông 2 chiều thường phải giảm tốc độ, nhường đường khi gặp đoạn "sân thóc".

Ghi nhận của PV tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội), những ngày này, người dân tấp nập vụ mùa. Thông thường, như các năm trước đó thì hầu hết lúa sẽ được người dân mang ra phơi trên trục đường quốc lộ, gần với cánh đồng đã thu hoạch. Năm nay, rất nhiều người dân đã lựa chọn phơi ở các con đường làng, gần nhà để dễ trông chừng, tránh bị trộm mất lúa.

Dưới ánh nắng gay gắt, ông Lê Văn Lập (60 tuổi, thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn mải miết đảo thóc. Uống cốc nước để hạ nhiệt, ông Lập nhìn ra "sân thóc" và chia sẻ: “Sân nhà chật quá nên tôi mang thóc ra đường phơi cho tiện. Năm nay nhà tôi thu hoạch được hơn 2 tấn thóc. Lúa tuốt xong, thóc mang từ ngoài đồng về là phải phơi ngay cho khô, để ẩm vài ngày là thóc hỏng hết”.

“Phơi thóc ở đường thế này là chúng tôi sai, nhưng cũng mong mọi người thông cảm vì nhà chật quá. Việc phơi thóc trong thời tiết nắng như thế này thì chỉ khoảng mấy ngày là xong. Ở địa phương người trồng lúa cũng nhiều nên hầu hết những người đi qua đây đều hiểu và thông cảm cho những người nông dân như chúng tôi”, ông Lập cười phân trần.

Trưa nắng, đường vắng, người dân càng phải tích cực đảo thóc để thóc nhanh khô và khô đều.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nhị, vợ ông Lập, hầu như ngày nào cả 2 vợ chồng đều túc trực từ sáng đến tối để canh chừng kẻ gian xúc trộm thóc như năm trước. Ngoài việc "trông trộm", người dân cũng phải đảo liên tục để thóc khô đều, tránh phần thì ăn nắng quá, phần lại bị ẩm.

Thông thường, thóc được người dân mang ra phơi từ lúc trời bắt đầu có nắng, đến khi chiều muộn tắt nắng thì thóc sẽ được gom lại cho gọn lối đi. Những ngày nắng to thế này, chỉ cần phơi 2-3 ngày là thóc đã khô giòn, đảm bảo không bị sâu mọt, hư hỏng.

Xung quanh các "sân thóc", người dân đặt các những viên gạch hoặc các thanh gỗ để ngăn thóc không tràn ra đường.

Hầu hết người dân phơi thóc ở phần đường ngay trước cửa nhà vì sân nhà rất hẹp, thậm chí nhiều nhà không có sân.

Nhà ở ngay cạnh một dự án đang làm dang dở, sẵn đường rộng, ít người đi lại nên chị Nguyễn Thị Bảy (thôn Đồng Nhân, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) tranh thủ mang thóc ra phơi nhờ. Theo chị Bảy, việc phơi thóc ở đây sẽ không làm ảnh hưởng đến việc đi ại của người dân trong thôn. Bên cạnh đó, do trong khu vực dự án vắng người nên cũng không lo thóc bị bẩn.

Đường dự án chưa sử dụng, ít người qua lại, người dân tranh thủ ngày nắng mang thóc ra phơi, thoải mái sử dụng toàn bộ lòng đường.

Những hạt thóc vàng ruộm là thành quả ngọt lành của người nông dân vất vả chăm sóc lúa trong suốt 3-4 tháng.

Mặc dù việc phơi thóc ở lòng đường của người dân diễn ra hàng năm, song theo quy định tại khoản 3, điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị cấm.

Mục d, khoản 2, điều 35 cũng quy định cấm phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, người dân cần hết sức lưu ý việc phơi thóc sau khi thu hoạch, tuân thủ các quy định của pháp luật để tránh những sự việc không mong muốn xảy ra.

Quang Hùng

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/nang-rat-mat-nong-dan-ngoai-thanh-ha-noi-dua-nhau-mang-thoc-do-ra-duong-254293.html