Tận dụng cơ sở dữ liệu BIG DATA để kiểm toán môi trường hiệu quả

'Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững' là một trong những nội dung nghị sự quan trọng, thể hiện những đóng góp to lớn của cộng đồng ASOSAI.

Tiếp tục chương trình Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, sáng 20/8/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 về chủ đề chính của Đại hội: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Đây là một trong những nội dung nghị sự quan trọng, thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.

Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững".

Phát biểu với vai trò tân Chủ tịch của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018 - 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc nhận định, môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu đối với từng quốc gia. Trong thời gian tới, những thách thức về môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, đồng nghĩa với việc nhiệm vụ của các cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề hơn.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ môi trường, KTNN Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm toán về các vấn đề môi trường theo hướng bền vững.

Từ năm 2010 cho đến nay, KTNN thực hiện trung bình mỗi năm 5 cuộc kiểm toán về môi trường với chủ đề đa dạng từ quản lý rừng, đất đai, nước sạch đến quản lý chất thải, khai thác khoáng sản và gần đây nhất là chuyển hóa carbon thấp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm toán môi trường đối với sự phát triển bền vững, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) cần nhận thức một cách đầy đủ và xem hội nghị chuyên đề lần này là dịp để thể hiện hành động của mình đối với việc bảo vệ môi trường từng quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.

Thông qua Hội nghị này, KTNN Việt Nam mong muốn các Cơ quan Kiểm toán Nhà nước có thế mạnh và kinh nghiệm về kiểm toán môi trường chia sẻ những bài học thực tiễn đã đạt được để học hỏi, vận dụng, triển khai một cách đồng bộ tại các Cơ quan Kiểm toán tối cao trong cộng đồng ASOSAI; từ đó, đẩy mạnh sự phối hợp, hợp tác giữa các Cơ quan Kiểm toán tối cao trong việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán chung về môi trường mà các Cơ quan Kiểm toán tối cao cùng quan tâm.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia (NADM) Khalid Khan Bin Abdullah Khancho biết, Malaysia đã có những cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững cũng như cam kết trong bảo tồn môi trường. Theo đó, Malaysia cũng đã ký các thỏa thuận môi trường quốc tế như: Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm từ tàu thủy năm 1973; Tuyên bố Putrajaya hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững của vùng biển Đông Á, Malaysia, 2003; Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (2002) để giải quyết ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy đất và cháy rừng.

Về những kinh nghiệm trong kiểm toán môi trường, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia (NADM) Khalid Khan Bin Abdullah Khanchia sẻ, NADM có quyền hợp pháp để thực hiện Kiểm toán hoạt động, bao gồm kiểm toán các vấn đề liên quan đến môi trường với mục tiêu bảo đảm trách nhiệm giải trình, hiệu lực và hiệu quả của các chương trình và hoạt động của các bộ, cơ quan chính phủ cũng như việc tuân thủ luật môi trường. NADM đã thành lập Phòng Kiểm toán Môi trường trong năm 2008 và trong 10 năm qua, NADM đã thực hiện hơn 50 cuộc kiểm toán về các vấn đề môi trường ở cấp liên bang và tiểu bang.

Các đợt kiểm toán môi trường được thực hiện theo các tiêu chuẩn kiểm toán môi trường quốc tế (ISSAIs), các hướng dẫn kiểm toán môi trường, các hướng dẫn của nhóm công tác của INTOSAI về kiểm toán môi trường (WGEA) và hướng dẫn kiểm toán của NADM.

Ngoài ra, NADM đã sử dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để lấy mẫu và phân tích trong kiểm toán môi trường. Các chủ đề kiểm toán môi trường bao gồm: quản lý môi trường nội bộ của các bộ/ngành/cơ quan, quản lý chất thải, quản lý rừng, ngư nghiệp, quản lý tác động môi trường, ô nhiễm, công nghệ xanh…

Để thực hiện kiểm toán môi trường, NADM cũng hợp tác quốc tế về các vấn đề môi trường như từ năm 2008, phối hợp Kiểm toán nhà nước Indonesia đã tiến hành 4 cuộc đánh giá môi trường song song; tích cực tham gia các hoạt động của ASOSAI WGEA và INTOSAI WGEA…

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia cũng chỉ ra rằng, quá trình thực hiện kiểm toán môi trường đang phải đối mặt với những khó khăn như: Thiếu thông tin hoặc thông tin về môi trường không đầy đủ ở các cấp địa phương, khu vực và quốc tế; khó thực hiện các mảng chính của sự bền vững; các vấn đề môi trường tồn tại lâu; việc phân tích chi phí - lợi ích về lợi ích lâu dài của cam kết môi trường là rất quan trọng nhưng khó khăn; các vấn đề môi trường là đa quốc gia và đa ngành…

Do vậy, NADM định hướng năm tiếp theo trong thực hiện kiểm toán môi trường là: kết hợp tầm quan trọng của việc kiểm toán và theo dõi việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc trong Kế hoạch chiến lược 2016 – 2020; kết hợp với các kiểm toán viên phù hợp với kỹ năng kỹ thuật theo cách nhìn mới của các vấn đề mới nổi để kiểm toán như: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, các nguy cơ môi trường xuyên biên giới; hợp tác với các SAI khác về quản lý môi trường, kiểm toán môi trường và quản lý hoạt động môi trường; sử dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện kiểm toán môi trường.

Tại Hội nghị các đại biểu đã chia sẻ về kinh nghiệm kiểm toán môi trường ở mỗi quốc gia.

Với những kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm nay, ông Li Feng-Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Tài nguyên và môi trường Kiểm toán nhà nước Trung Quốc chia sẻ, để thực hiện kiểm toán môi trường một cách hiệu quả thì phải tận dụng tối đa hệ thống cơ sở dữ liệu BIG DATA. Trung Quốc hướng tới mục tiêu số hóa, sử dụng nền tảng công nghệ số. Từ đó, có thể giám sát, thu thập những phản hồi của người dân về hiệu quả kiểm toán sinh thái. Dựa trên số hóa dữ liệu, cơ quan kiểm toán có thể thu thập thông tin, dữ liệu để phục vụ kiểm toán môi trường.

Cùng với đó, để có thể hỗ trợ cơ quan kiểm toán tốt hơn thì phải quay lại mục tiêu cân bằng giữa phát triển với bảo vệ môi trường. Với Trung Quốc có đường biên giới và đường bờ biển trải dài, làm sao để quản lý hiệu quả nguồn nước, bảo vệ vùng ven biển… là thách thức không nhỏ. Do vậy, cần tính đến đặc tính tự nhiên khi thực hiện kiểm toán môi trường.

Trình bày tóm tắt báo cáo quốc gia “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Nguyễn Quang Thành đã chia sẻ những kinh nghiệm trong kiểm toán môi trường của Việt Nam.

Kể từ khi thành lập đến nay (11/7/1994), KTNN đã thực hiện một số cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực môi trường như: Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội; kiểm toán môi trường nước lưu vực sông Mekong; Kiểm toán công tác khai thác khoáng sản tại các địa phương; Kiểm toán công tác quản lý và xử lý môi trường tại các Khu công nghiệp.

Kết quả kiểm toán đã góp phần sửa đổi cơ chế chính sách nhằm quản lý môi trường tốt hơn, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT).

Thông qua việc tham gia các khóa đào tạo, hội thảo trao đổi kinh nghiệm và các hoạt động liên quan về kiểm toán môi trường (KTMT) trong cộng đồng INTOSAI, ASOSAI và ASEANSAI, KTNN đã có thêm kinh nghiệm và chủ động áp dụng triển khai thực hiện một số cuộc kiểm toán về chủ đề nước thải công nghiệp. Kết quả kiểm toán được cộng đồng người dân ủng hộ và đánh giá cao.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức trong quá trình kiểm toán môi trường, đó là nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về BVMT của các tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng chưa cao. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn về BVMT còn bất cập, thiếu tính khả thi, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình tuân thủ, thực thi pháp luật.

KTMT là một lĩnh vực mới, thiếu nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn sâu về môi trường… đặc biệt là chưa có các công cụ hướng dẫn kiểm toán cụ thể về KTMT để giúp Kiểm toán viên có định hướng, phương pháp tiếp cận và vận dụng khi triển khai các cuộc KTMT.

Nhằm khắc phục những khó khăn và để phát huy tốt vai trò của KTNN đối với công tác BVMT đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới, KTNN sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch kiểm toán chiến lược và Kế hoạch kiểm toán hàng năm trên cơ sở đánh giá việc thực hiện SDGs liên quan đến công tác BVMT của Chính phủ và các địa phương, đặc biệt chú trọng vấn đề nước thải, khí thải và biến đổi khí hậu.

Tiếp tục đẩy mạnh KTMT, đặc biệt tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác BVMT của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt được mục tiêu SDGs; Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp tham gia các đề án nghiên cứu khoa học của INTOSAI, ASOSAI về KTMT, thực hiện kiểm toán chung về các chủ đề KTMT với các SAI có thế mạnh về KTMT...

Kết thúc phiên thảo luận của Đại hội, các ý kiến đều cho rằng, trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang có những thay đổi nhanh chóng và phức tạp, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành thì rất cần sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ. Trong đó Chính phủ phải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của môi trường tới cộng đồng. Cùng với đó Chính phủ cần chung tay với KTNN để đảm bảo KTMT hiệu quả hướng tới phát triển bền vững./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/tan-dung-co-so-du-lieu-big-data-de-kiem-toan-moi-truong-hieu-qua-815230.vov