Tận dụng cơ hội mới

Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, với sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Theo tính toán của các chuyên gia, tham gia CPTPP là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn. GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%.

Ngoài ra, với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử... đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; hằng năm tăng thêm tổng số từ 20.000 đến 26.000 việc làm cho người lao động. Đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm thêm 600.000 người nghèo ở Việt Nam.

Không những thế, việc phê chuẩn CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Trước những lợi ích to lớn trên, điều mà cử tri và nhân dân cả nước trông đợi là hiệu quả hành động của toàn hệ thống chính trị để nhanh chóng bắt kịp rồi vượt lên trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Việc quan trọng cần làm ngay lúc này là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể tận dụng thành công các cơ hội mới mở ra.

Một con số rất đáng chú ý do Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy, trên Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 69 và xếp hạng cuối trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Kết quả này càng cho thấy, chặng đường để bắt kịp, đi cùng các nền kinh tế lớn còn rất nhiều thử thách.

Bài học từ việc Việt Nam tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang cho thấy, các FTA từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thật sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% và chủ yếu lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hơn 60% nguồn lợi, vì nhiều lý do khác nhau, đã tuột khỏi tay các doanh nghiệp Việt Nam.

Con số trên cho thấy, thu hút FDI cần chọn lọc và có điều kiện, không thu hút bằng mọi giá. Bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết mở cửa thị trường, chúng ta cần hết sức coi trọng sử dụng các công cụ, biện pháp phòng vệ phù hợp với quy định thông lệ quốc tế để bảo vệ và phát triển sản xuất cũng như thị trường trong nước.

Có thể khẳng định, quyết định thành bại trong cuộc hội nhập này phụ thuộc vào nỗ lực “sửa mình” của chính chúng ta, bằng cách phải đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước tiên là quyết liệt gỡ bỏ thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, phòng chống có hiệu quả tệ tham nhũng, lãng phí, đồng thời luôn thượng tôn pháp luật..., để tập trung cho mục tiêu rộng mở phía trước, tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân, của quốc gia vững bước trên con đường thịnh vượng.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tan-dung-co-hoi-moi/