Tận dụng CMCN 4.0 có thể làm GDP Việt Nam tăng thêm 28 - 62 tỷ USD

Dự thảo Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đến năm 2030 cho thấy, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của DN, CMCN 4.0 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm đáng kể so với kịch bản không ứng dụng CMCN 4.0.

CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế.

CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế.

Theo Dự thảo Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đến năm 2030, CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế như: cắt giảm chi phí kinh doanh, nâng cao năng suất; tạo ra các mô hình kinh doanh có chi phí cận biên rất nhỏ; cơ hội phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới…

Có thể nhận định rằng CMCN 4.0 là một cơ hội rất lớn để một quốc gia vươn lên trình độ phát triển cao hơn. Theo tính toán của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG), nếu tận dụng được CMCN 4.0 có thể đem lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, đến năm 2030, GDP của nước ta có thể tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, tương đương với mức tăng thêm từ 7-16% GDP (so với kịch bản không tham gia CMCN 4.0).

CMCN 4.0 cũng sẽ làm tăng ròng từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm, mặc dù có thể làm thay đổi cấu trúc việc làm trong nền kinh tế. Đến năm 2030, năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm từ 315 - 640 USD.

Tại Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Chính phủ đề ra những mục tiêu đến năm 2025 và 2030 cùng với đó là những hành động và nhiệm vụ cụ thể.

Đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng môi trường thể chế kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, Chiến lược đề ra mục tiêu duy trì xếp hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Nâng cao Chỉ số chất lượng pháp luật thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu.

Với mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo của DN và nền kinh tế, hướng tới làm chủ một số công nghệ quan trọng của CMCN 4.0, dự thảo Chiến lược đề ra mục tiêu Việt Nam đạt tối thiểu 20% số DN ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0. Trong các ngành ưu tiên, tỷ lệ DN ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0 đạt tối thiểu 30%.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến 2025 kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 1,5% GDP.

Với mục tiêu hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; hoàn thiện hạ tầng kết nối, kỹ thuật số và chia sẽ dữ liệu, Chiến lực đề ra mục tiêu đạt mức Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam).

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Dự thảo Chiến lược nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu, Phát triển nguồn nhân lực, Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; Phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; Đầu tư, phát triển một số công nghệ cơ bản của CMCN 4.0.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tan-dung-cmcn-40-co-the-lam-gdp-viet-nam-tang-them-28-62-ty-usd-126545.html