Tận dụng các công nghệ tiên phong để định hình cấu trúc quốc gia, khu vực và toàn cầu

Từ 16 – 17/9/2019, tại Jakarta, Indonesia đã diễn ra Đối thoại Toàn cầu 2019 với chủ đề 'Tận dụng các công nghệ tiên phong để định hình cấu trúc quốc gia, khu vực và toàn cầu'. Đây là Đối thoại toàn cầu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) phối hợp tổ chức.

Đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Toàn cầu 2019 với chủ đề “Tận dụng các công nghệ tiên phong để định hình cấu trúc quốc gia, khu vực và toàn cầu”. (Nguồn: KTĐP)

Đối thoại Toàn cầu 2019 thu hút sự tham gia đông đảo của khoảng 600 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn kinh tế và công nghệ hàng đầu khu vực và thế giới. Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn có Tiến sỹ Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Học viện Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia VNCPEC, Đại sứ Việt Nam tại Jakarta Phạm Vinh Quang và một số cán bộ của Bộ Ngoại giao.

Với 3 phiên họp toàn thể và nhiều phiên thảo luận chuyên sâu, Đối thoại tập trung trao đổi về nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng về trí tuệ nhân tạo, xác định cơ hội và thách thức và các tác động sâu rộng của các công nghệ tiên phong đối với từng cá nhân, doanh nghiệp và xã hội, từ đó đề xuất hướng phối hợp ở tầm khu vực và toàn cầu nhằm tận dụng cơ hội mà công nghệ tiên phong mang lại. Điểm nhấn của Đối thoại năm nay là sự xuất hiện của Sophia - robot đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân như con người - với tư cách là một trong những diễn giả chính.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại toàn cầu CSIS 2019 (Nguồn: KTĐP)

Các đại biểu đánh giá chủ đề của Đối thoại Toàn cầu CSIS 2019 có ý nghĩa rất thiết thực, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn và bất bình đẳng gia tăng vào thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực và toàn cầu.

Nhiều diễn giả nhấn mạnh, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhất là dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ gen, trí tuệ nhân tạo… và tác động sâu rộng và đa chiều của nó là nhân tố then chốt đang định hình tương lai kinh tế thế giới. Cách mạng công nghệ mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Đối với các nước Đông Nam Á như Indonesia và Việt Nam, cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại nhiều hơn là thách thức.

Để nắm bắt được các cơ hội đó, các nước sẽ phải thúc đẩy hợp tác, chú trọng đào tạo các kỹ năng mới cho người lao động để thích nghi với bối cảnh mới, áp dụng công nghệ để đóng góp tích cực cho sự phát triển quốc gia, khu vực và toàn cầu, thúc đẩy phối hợp ở tầm khu vực và toàn cầu.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Đối thoại Toàn cầu 2019. (Nguồn: KTĐP)

Đoàn Việt Nam tích cực tham dự Đối thoại, tham gia điều hành phiên họp toàn thể thứ ba về chủ đề “Những tác động kinh tế sâu sắc của cuộc cách mạng công nghệ”. Đoàn đóng góp thêm tiếng nói, nêu mối quan tâm của Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong việc khai thác, tận dụng công nghệ để phát triển đất nước. Ngoài ra, thông qua cuộc Đối thoại lần này, Đoàn đã trao đổi với PECC cũng như các nước thành viên, chuẩn bị cho năm 2020 khi Việt Nam đảm nhận vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bên cạnh Đối thoại, Đoàn đã gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi về một số vấn đề cụ thể với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các trung tâm nghiên cứu và cơ quan chức năng Indonesia nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong bối cảnh hai nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno trong năm 2019 và hướng tới kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia vào năm 2020.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) là trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu ở khu vực. Thành lập năm 1980, PECC hiện có 26 thành viên Hội đồng, bao gồm một thành viên cộng tác và hai thành viên tổ chức. Mỗi thành viên Hội đồng đều cử ra các học giả, các nhà hoạch định chính sách từ cơ quan chính phủ và các nhà kinh tế hàng đầu để tham gia vào các cuộc thảo luận và hình thành ý tưởng, chính sách hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một trong những đóng góp nổi bật của PECC là thúc đẩy hình thành APEC năm 1989, ý tưởng về Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)…đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quá trình hợp tác và phát triển khu vực, vai trò tiên phong của APEC về liên kết kinh tế khu vực. Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng PECC vào tháng 5/2017, đề xuất nhiều ý tưởng cho xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020.

PV.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-dung-cac-cong-nghe-tien-phong-de-dinh-hinh-cau-truc-quoc-gia-khu-vuc-va-toan-cau-101238.html