Tận diệt cây dược liệu - SOS

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua nhiều loại cây dược liệu như: Kim mao cẩu tích, củ khúc khắc... để bán sang Trung Quốc. Mặc dù, những loại cây này chỉ được thương lái thu mua với giá rẻ mạt, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên đồng bào các dân tộc thiểu số ở các bản, làng vẫn vào rừng khai thác với số lượng lớn bán kiếm tiền mưu sinh qua ngày. Nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu quý ở địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn đang hiện hữu trước mắt.

Một chiếc xe tải chở khối lượng lớn kim mao cẩu tích chuẩn bị chuyển ra khỏi địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Giá bèo... vẫn ồ ạt khai thác

Theo tài liệu y học thì kim mao cẩu tích là một giống cây thuộc họ dương xỉ, thân và củ phủ một lớp lông màu vàng nên dân gian thường gọi là cây lông cu li. Đây là loại cây có tác dụng rất tốt trong việc cầm máu, thân cây có tác dụng chữa các bệnh xương khớp, thần kinh tọa và một số bệnh khác. Còn củ khúc khắc hay còn gọi là thổ phục linh, là một vị thuốc quý được dùng cả trong Đông y và Tây y. Theo tài liệu y học cổ truyền thì thổ phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt, giải độc do thủy ngân. Nó còn chữa đau xương, ác sang ung thũng. Chính vì thế mà loài dược liệu này được sử dụng khá phổ biến trong nền y học nước nhà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây vì lợi nhuận trước mắt, một số thương lái đã đến Kỳ Sơn thu mua với khối lượng lớn loại dược liệu này để xuất sang Trung Quốc bán kiếm lời. Đích đến của các thương lái này là địa bàn các huyện vùng cao, nơi có nhiều loại cây dược liệu nói chung và kim mao cẩu tích nói riêng để dễ dàng thu mua với giả rẻ mạt. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có khá nhiều điểm thu mua, tập kết các loại dược liệu này. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ. Theo phản ánh của người dân địa phương, những điểm hoạt động thu mua các loại dược liệu này đã xuất hiện trên địa bàn cả thời gian dài. Thương lái cho người vào các bản làng thuộc các xã vùng sâu như Phà Đánh, Mường Lống, Huổi Tụ, Hữu Lập... thu mua rồi thuê xe nhỏ vận chuyển ra điểm tập kết.

Để xác minh nguồn tin này, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận được với chị L.T.T, chủ một điểm thu mua kim mao cẩu tích trên địa bàn thị trấn Mường Xén. Chị T vô tư cho biết, từ đầu năm đến nay đã đưa ra khỏi địa bàn hàng chục tấn cây kim mao cẩu tích và củ khúc khắc. Cũng theo chị T thì toàn bộ lượng hàng trên đều mua gom từ bà con trong các bản làng đi vào rừng khai thác về. Khi thu mua được một lượng lớn, thương lái sẽ cho xe có trọng tải lớn chở ra các đầu mối ngoài Bắc để xuất sang Trung Quốc. Khi được hỏi về việc thương lái Trung Quốc thu mua các loại cây trên để làm gì thì chị T cũng không hề hay biết! Chị cũng không biết rằng, đây là một loại dược liệu quý có giá trị, chỉ biết những đợt cao điểm, các thương lái Trung Quốc thu mua hàng chục tấn kim mao cẩu tích, qua đó, chị kiếm được một số tiền lời không nhỏ.

Trong quá trình tác nghiệp trên địa bàn các xã Mường Lống, Huổi Tụ, Hữu Lập, chúng tôi được người dân cho biết, kim mao cẩu tích bà con bán cho các thương lái với giá chỉ 2.500-3.000 đồng/kg, còn củ khúc khắc có giá 5.000-7.000 đồng/kg. Biết đây là giá "bèo" nhưng vì mưu sinh, bà con vẫn phải bán cho thương lái.

Nguy cơ cạn kiệt

Theo chia sẻ của chị T, dù giá thu mua các loại cây trên ở địa bàn huyện Kỳ Sơn không cao, nhưng thời gian đầu đang dễ tìm thì mỗi lao động có thể kiếm được 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Chính vì vậy, khi thấy có cơ hội kiếm tiền, nhà nhà, người người kéo nhau vào rừng tìm dược liệu bán cho thương lái. Vào những ngày hè được nghỉ học, nhiều học sinh theo người lớn lên rừng khai thác dược liệu bán lấy tiền giúp đỡ cha mẹ. Việc khai thác ồ ạt khiến cho cây kim mao cẩu tích và củ khúc khắc giảm xuống nhanh chóng, có nhiều nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, người dân càng ngày càng phải vào sâu hơn trong rừng để tìm kiếm, nhưng cùng lắm cũng chỉ được khoảng 15-20kg/ngày. Anh Moong Văn Bình, bản Noọng Ó, xã Hữu Lập cho biết: "Trước đây, 3 người trong gia đình tôi có thể kiếm được gần 1 tạ kim mao cẩu tích/ngày, nhưng giờ thì hiếm, khó tìm lắm! Nếu họ có thu mua với giá cao hơn thì cũng chịu thôi! Bởi giờ muốn tìm củ khúc khắc để nấu uống hằng ngày cũng khó lắm rồi (đồng bào Khơ Mú, ở huyện Kỳ Sơn có thói quen nấu nước củ khúc khắc tươi để uống hằng ngày)".

Đưa vấn đề nhiều loại cây dược liệu đang bị khai thác với mức độ tận diệt ở Kỳ Sơn hỏi một cán bộ công tác trong ngành kiểm lâm địa phương lâu năm thì được anh này chia sẻ: Rất khó ngăn chặn tình trạng tận diệt cây dược liệu trên địa bàn. Biện pháp chủ yếu của chúng tôi vẫn là phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ mức độ nguy hại của nó. Nhưng vì đời sống quá khó khăn, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế nên chỉ cần thấy có lợi nhuận trước mắt là họ đổ xô đi khai thác không thương tiếc loại dược liệu này.

Thực tế cho thấy, trong khi nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh trong nước ngày càng cao thì nguồn dược liệu ngày càng trở nên khan hiếm do bị khai thác bừa bãi. Hệ quả là giá dược liệu bị đẩy lên cao, nhiều cây thuốc phải nhập lại từ phía Trung Quốc với giá "cắt cổ" gây khó khăn cho việc chữa bệnh. Do đó, tình trạng tận diệt cây dược liệu ở Kỳ Sơn cần được can thiệp sớm để tránh xảy ra những hậu quả tương tự.

Viết Lam - Trọng Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tan-diet-cay-duoc-lieu-sos/