Tân Đại sứ Mỹ tại LHQ và nhiệm vụ đưa đất nước trở lại 'sân khấu' thế giới

Ngày 23/2, với 78 phiếu thuận, 20 phiếu chống và 2 phiếu trắng, đa số các thành viên Thượng viện đã ủng hộ nhà ngoại giao kỳ cựu Linda Thomas-Greenfield, người được Tổng thống Joe Biden đề cử, trở thành Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) .

Đa số các thành viên Thượng viện đã ủng hộ nhà ngoại giao kỳ cựu Linda Thomas-Greenfield trở thành Đại sứ Mỹ tại LHQ. (Nguồn: Reuters)

Đa số các thành viên Thượng viện đã ủng hộ nhà ngoại giao kỳ cựu Linda Thomas-Greenfield trở thành Đại sứ Mỹ tại LHQ. (Nguồn: Reuters)

Bà Linda Thomas-Greenfield là một nhà ngoại giao kỳ cựu với hơn 3 thập kỷ hoạt động, nhất là có kinh nghiệm dày dặn ở châu Phi.

Với tư cách là quan chức nội các thứ 8 trong chính quyền của ông Biden được xác nhận, bà Thomas-Greenfield trở thành một thành viên chủ chốt trong đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, đảm nhiệm vị trí đặc phái viên chủ chốt trong nỗ lực đưa Mỹ trở lại "sân khấu" thế giới và các thể chế đa phương.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York Charles Schumer nhấn mạnh, bà Thomas-Greenfield có đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào vị trí quan trọng này, đồng thời cho rằng, sẽ không có thời gian để lãng phí trong việc gây dựng lại danh tiếng của nước Mỹ và khẳng định lại công cụ quyền lực đầu tiên của Washington là ngoại giao.

Việc bổ nhiệm bà Thomas-Greenfield diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện các bước để khẳng định lại vị trí của Mỹ tại LHQ bằng cách đảo ngược các quyết định chính sách dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào các chương trình cụ thể.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang tập hợp các đồng minh để xử lý bất ổn chính trị ở Myanmar và trong bối cảnh chính quyền Biden đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao mới để giải quyết cuộc nội chiến ở Yemen.

Theo tờ The Hill, nhiệm vụ lớn nhất của bà Thomas-Greenfield là khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ và đoàn kết các đồng minh để đối trọng với ảnh hưởng và tham vọng của Trung Quốc tại cơ quan toàn cầu mà các chuyên gia cho rằng nhằm viết lại các quy tắc quốc tế có lợi cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa, nổi bật là Thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas) đã chỉ trích bà Thomas-Greenfield thiếu cảnh giác với Trung Quốc.

Năm 2019, bà Thomas-Greenfield có phát biểu gây tranh cãi tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Khổng Tử tại Đại học bang Savannah, trong đó ca ngợi cách tiếp cận của Trung Quốc ở châu Phi.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ-Châu Phi”, bà Linda Thomas-Greenfield gọi sự can thiệp của Trung Quốc vào châu Phi là một “tình huống đôi bên cùng có lợi”, Trung Quốc và Mỹ có thể thúc đẩy quản trị tốt, bình đẳng giới và pháp quyền.

Giới quan sát nhận định, việc bổ nhiệm bà Thomas-Greenfield, một người Mỹ gốc Phi, cũng báo hiệu cam kết của Tổng thống Biden trong việc thúc đẩy sự đa dạng nhân sự nội các, cũng như nhằm thúc đẩy bình đẳng sắc tộc sau các cuộc biểu tình đòi quyền sống của người da màu.

Sinh ra và lớn lên ở bang Louisiana, bà Thomas-Greenfield, 68 tuổi, là người phụ nữ gốc Phi đầu tiên trở thành phó trợ lý hàng đầu trong ngành ngoại giao của Mỹ.

Bà từng là người đứng đầu Cục các vấn đề châu Phi trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama và giúp định hướng chính sách của Mỹ trong cuộc khủng hoảng đại dịch Ebola.

Với 35 năm công tác tại Bộ Ngoại giao, bà Thomas-Greenfield từng là Đại sứ Mỹ tại Liberia, đồng thời kinh qua nhiều vị trí công tác ở Thụy Sỹ, Pakistan, Kenya, Gambia, Nigeria và Jamaica.

(theo Reuters, The Hill)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-dai-su-my-tai-lhq-va-nhiem-vu-dua-dat-nuoc-tro-lai-san-khau-the-gioi-137511.html