Tàn cuộc S-400 đầy 'bão tố', Thổ Nhĩ Kỳ nên lùi vài bước chờ 'cứu tinh' xuất hiện?

Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải nhượng bộ vấn đề S-400 với Mỹ một chút nhằm kéo dài thời gian trước khi mong chờ một nhân vật có tiếng nói nhất vào cuộc.

Thổ Nhĩ Kỳ cần giữ cân bằng Nga-Mỹ trong thương vụ S-400

Thổ Nhĩ Kỳ cần giữ cân bằng Nga-Mỹ trong thương vụ S-400

Thổ Nhĩ Kỳ cần “tinh tế”?

Theo Al-Monitor, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách thoát khỏi tình trạng bế tắc ngoại giao trong việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể quyết định số phận của mình trước sức ép từ hai ông lớn.

Nếu không làm theo đề nghị của Washington, Ankara có nguy cơ phải đón nhận các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, đồng thời bị đẩy ra khỏi chương trình chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35.

Trong khi đó, bất kỳ sự chậm trễ hoặc hủy bỏ thỏa thuận nào đến từ chính quyền Erdogan trong hợp đồng mua S-400 có thể gây nguy hiểm cho sự hội tụ với Nga trong vấn đề Syria.

“Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt trong một tình huống khó khăn”, Nicholas Danforth, một thành viên cấp cao thuộc Quỹ Marshall của Đức nhận định. “Họ đang cố gắng cân bằng giữa Washington và Moscow, đồng thời xây dựng một chính sách độc lập trước áp lực to lớn từ cả hai nước”.

Tuần trước, các quan chức Mỹ đã yêu cầu Ankara hoãn lại hợp đồng S-400 cho đến năm 2020 để cho nhau thêm thời gian giải quyết khủng hoảng. Nhưng vào hôm 15/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã từ chối việc trì hoãn, bất chấp nguy cơ trừng phạt của Mỹ.

“Không muộn hơn tháng 7, chúng ta sẽ biết liệu Thổ Nhĩ Kỳ chọn duy trì trong liên minh với phương Tây truyền thống hay chuyển sang cái gọi là liên kết Âu-Á”, nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen nêu quan điểm.

“Mua S-400 nhưng không lắp đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc gửi đến một quốc gia thứ ba như Qatar, Azerbaijan không phải là lựa chọn hợp lý vì đạo luật trừng phạt của Mỹ vẫn quy định các biện pháp trừng phạt rõ ràng một khi chúng được mua bán”, Selcen bày tỏ hoài nghi về các giải pháp thoát khủng hoảng của Ankara được thảo luận gần đây.

Các biện pháp trừng phạt có thể tàn phá nền kinh tế mong manh của Thổ Nhĩ Kỳ giữa giai đoạn suy thoái hiện tại. Vì điều này, Ankara có thể sẽ phải nghĩ tới giải pháp an toàn hơn, giới quan sát nhận định.

“Có một quan điểm mang tính hợp tác hơn với Washington, đó là trì hoãn việc mua S-400 sẽ là một cách để giữ cho nền kinh tế ổn định trong thời gian ngắn”, ông Danforth nói với Al-Monitor. “Đây là một hành động cân bằng tinh tế cần thiết giữa vùng biển bão tố”.

Hy vọng cho S-400 đến từ ông Trump?

Tổng thống Trump có thể sẽ là người quyết định số phận S-400 dành cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống phòng không S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ dự định mua từ Nga hiện là chủ đề căng thẳng nhất giữa Ankara và Washington. Nhưng theo cây bút phân tích Melih Altinok của tờ Daily Sabah, cần phải đề cập đến Lầu Năm Góc thay vì Washington thì chính xác hơn trong bối cảnh này vì Tổng thống Donald Trump không hề đưa ra bất kỳ tuyên bố nào thể hiện lập trường của Nhà Trắng từ lúc khủng hoảng nổ ra.

Những tuyên bố khắc nghiệt nói trên hầu hết xuất phát từ giới chính trị “diều hâu” muốn tiếp tục các chính sách bá quyền của Mỹ trước đây.

Một ví dụ gần đây nhất là việc rộ lên những thông tin Mỹ sẽ gửi 120.000 binh sĩ đến Trung Đông nhằm gây áp lực với Iran, một tuyên bố sau đó đã bị ông Trump bác bỏ.

Tương tự như vậy, giới chính khách “diều hâu” này đã đưa ra sự phản đối của họ đối với việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, với những lý do là hợp đồng có thể gây hại đến an ninh NATO.

Chính vì điều này, cây bút Melih Altinok tin rằng, hy vọng cuối cùng cho những tranh cãi nảy lửa về S-400 giữa Mỹ-Thổ sẽ đến từ tiếng nói của Tổng thống Donald Trump – người vẫn đang giữ quan điểm trung lập cho đến hiện tại.

“Tổng thống Trump vẫn đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế hợp lý hơn cho lợi ích của Mỹ thay vì chọn các kế hoạch dài hạn, tốn kém và không bảo đảm. Trump là một chính trị gia có thể hiểu rằng vấn đề S-400 không chỉ là yêu cầu của chính quyền Erdogan, mà còn của các cử tri coi dự án là cần thiết cho an ninh quốc gia”, Altinok nhấn mạnh.

“Ông Trump hiểu rằng các phương pháp cũ của CIA như hỗ trợ khủng bố, đảo chính và đe dọa kinh tế sẽ không gây áp lực lên Ankara mà thậm chí còn tạo nên làn sóng chống Mỹ trong cử tri Thổ Nhĩ Kỳ”, cây bút của tờ Daily Sabah nhận định thêm.

Các cuộc khảo sát gần đây liên tục cảnh báo về làn sóng chống Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đến đỉnh điểm trong vài năm qua.

Với tình hình này, Tổng thống Trump có thể lật ngược tình thế bằng cách trút bỏ gánh nặng trên vai Mỹ. Ông có thể xoay chuyển cuộc khủng hoảng theo hướng có lợi cho mình bằng nhiều bước tôn trọng sự nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vấn đề liên quan đến nhóm PKK, Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd ở Syria (YPG) và Nhóm khủng bố FETO bị cáo buộc đứng sau nỗ lực đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự xoay chuyển lúc này của ông Trump sẽ hơi muộn. Nỗ lực này có thể không ngăn được việc chuyển giao hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè tới. Tuy nhiên, nó có thể giúp cân bằng cán cân quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và NATO.

Theo cây bút Melih Altinok, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có liên minh chiến lược lâu đời với Mỹ, không phải là một quốc gia thuộc vào nhóm không đáng tin cậy ở Trung Đông. Do đó, việc đánh mất Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì những tranh cãi nhỏ có thể gây ra hậu quả nặng nề cho Mỹ.

Công chúng sắp tới sẽ chờ xem liệu Tổng thống Trump có quyết định dẹp bỏ cái mà ông gọi là "các nhóm lợi ích bao vây Washington" hay không. Nếu thực hiện điều này, nó sẽ giữ cho bản thân và đất nước ông tránh khỏi rủi ro không cần thiết.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tan-cuoc-s-400-day-bao-to-tho-nhi-ky-nen-lui-vai-buoc-cho-cuu-tinh-xuat-hien-a434081.html