Tấn công trực tuyến ở Việt Nam giảm mạnh trong năm 2019

Theo dữ liệu từ Kaspersky, số vụ tấn công trực tuyến ở Việt Nam năm 2019 đã giảm hơn 30% so với năm 2018, xếp vị trí thứ 17 trên toàn cầu. Tấn công ngoại tuyến cũng giảm hơn 10% so với cùng kỳ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Báo cáo Kaspersky Security Network vừa được công bố cho thấy năm 2019, Việt Nam có 371.979.051 sự cố tấn công ngoại tuyến. Với số lượng sự cố giảm đáng kể, Việt Nam từ vị thứ 2 với 415.592.714 sự cố năm 2018 đã xuống vị trí thứ 6 trên toàn cầu năm 2019.

Singapore là quốc gia có tỷ lệ tấn công ngoại tuyến thấp nhất khu vực Đông Nam Á (34,8%) vào năm 2019, tương ứng với vị trí thứ 130 trên thế giới.

Cũng theo báo cáo, Việt Nam xếp thứ 17 trên toàn thế giới với 75.004.388 sự cố đe dọa trực tuyến trong năm 2019 (giảm hơn 30% so với năm 2018). Singapore là nước có số lượng tấn công trực tuyến thấp nhất Đông Nam Á với 4.657.235 sự cố, đứng ở vị trí thứ 156 trên toàn cầu.

5 mối đe dọa trực tuyến hàng đầu ở Đông Nam Á được xác định là: Mã độc ẩn trong các website - rất dễ gặp khi người dùng truy cập vào trình duyệt web bị nhiễm mã độc hoặc các quảng cáo trực tuyến; Mã độc trong tệp/chương trình được người dùng vô tình tải xuống từ internet; Tệp đính kèm độc hại từ email trực tuyến; Mã độc ẩn trong tiện ích mở rộng trên trình duyệt; Tệp chứa mã độc hoặc bị điều khiển bằng phương thức C&C (command-and-control) từ máy chủ của hacker.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: “Năm 2019 chứng kiến sự cải thiện đáng kể của bối cảnh an ninh mạng tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của người dùng và khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng của doanh nghiệp. Mặc dù những thay đổi này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dùng Việt Nam, nhưng chúng ta cần phải đề cao cảnh giác trước tội phạm mạng vì chúng chắc chắn vẫn đang tiếp tục gây lây nhiễm mã độc nhiều nhất có thể”./.

Khuyến nghị từ các chuyên gia bảo mật của Kaspersky:

- Người dùng nên kiểm tra cẩn thận các liên kết trước khi truy cập vào một trang web, đặc biệt là lỗi chính tả hoặc những nội dung bất thường trong link, ngay cả khi đây là trang web được truy cập thường xuyên;

- Chỉ nhập tên người dùng và mật khẩu qua những kết nối an toàn; Tránh đăng nhập vào ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ tài chính thông qua mạng wifi công cộng;

- Các link URL bắt đầu bằng các https hoặc https không phải lúc nào cũng an toàn. Không nên tin tưởng bất kỳ địa chỉ email nào được gửi từ người lạ cho đến khi có thể xác định chính xác được danh tính của họ;

- Sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy được trang bị tính năng chống phần mềm độc hại.

Minh Sơn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tan-cong-truc-tuyen-o-viet-nam-giam-manh-trong-nam-2019/626504.vnp