Tấn công Syria, Mỹ cảnh cáo phá ngừng bắn Tây Nam

Khi Syria tuyên bố sẽ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Nga- Mỹ ở Tây Nam Syria, Washington cảnh cáo ở Deir ez-Zor.

Trang tin SANA của Syria dẫn nguồn tin quân sự khẳng định, một máy bay không người lái của liên quân do Mỹ đứng đầu có thể đã không kích vào vị trí của quân đội chính phủ Syria tại al-Harra, nằm ở phía đông nam Al Bukamal, tỉnh Deir ez-Zor, miền Đông Syria.

Cuộc không kích được cho là khiến một vài quân nhân thiệt mạng và bị thương.

Lực lượng SDF đang hoạt động ở Deir ez-Zor dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.

Reuters trích nguồn tin từ lực lượng địa phương thân chính phủ Syria cho biết, vụ tấn công dường như nhằm vào lực lượng người Iraq ở khu vực giữa Albu Kamal và Tanf, cũng như các mục tiêu của quân đội Syria.

Đây không phải là lần đầu tiên liên quân do Mỹ đứng đầu tấn công vào quân đội Syria và lực lượng thân với Damascus ở Deir ez-Zor. Khu vực này là địa bàn hoạt động của lực lượng dân chủ Syria (SDF) do phương Tây hậu thuẫn.

Cuộc tấn công vào Deir ez-Zor dù bị Mỹ phủ nhận tiến hành song lại được cho là đòn cảnh báo đối với chính quyền Syria trong việc thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn ở tây nam Syria.

Trước khi có thông tin về vụ tấn công ở Deir ez-Zor, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14/6 đã tuyên bố nước này có thể đưa ra phản ứng cứng rắn nếu như quân đội Syria tấn công ở "vùng giảm căng thẳng" phía tây nam, gồm các tỉnh Daraa, Quneitra và Suwayda.

Thông báo nhấn mạnh việc Mỹ "vô cùng quan ngại" trước hoạt động của quân đội Syria ở khu vực tây nam vốn nằm trong vùng giảm căng thẳng.

"Chúng tôi tái khẳng định, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp cứng rắn nếu quân đội Syria xâm phạm khu vực này" - Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Ngoài tuyên bố với Syria, Mỹ cũng đề nghị Nga phải chịu mọi trách nhiệm trước mọi hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở vùng giảm căng thẳng, ngăn chặn chính phủ Syria có thể phạm sai lầm.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước đó đã tuyên bố dù đang theo đuổi một giải pháp chính trị với lực lượng nổi dậy ở phía tây nam Syria, nhưng đã sẵn sàng sử dụng vũ lực, nếu đàm phán thất bại.

“Chúng tôi đang cho quá trình thương lượng một cơ hội. Nếu điều đó không thành công, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc giải phóng bằng vũ lực” - ông Assad nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức al-Alam của Iran.

Khu vực tây nam Syria đã được chính quyền Mỹ và Nga cùng đồng ý giảm căng thẳng bằng một thỏa thuận ngừng bắn kể từ thời điểm hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Đức.

Washington cho đến nay vẫn cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn hiệu lực và là cơ sở pháp lý ngăn chặn quân đội Syria sử dụng vũ lực thực hiện việc giải phóng vùng lãnh thổ phía tây nam Syria.

Tuy nhiên, khu vực này cũng đang hiện diện lực lượng Iran và Hezbollah - lực lượng tấn công hiệu quả trên nhiều chiến trường ở miền Tây Nam Syria. Đây cũng là lý do khiến Israel không thể "yên lòng" và khẳng định sẽ có thể tấn công vào Syria.

Khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố yêu cầu các lực lượng nước ngoài rút khỏi Syria.

Tuyên bố không chỉ nhắm vào Mỹ mà còn hướng tới lực lượng Iran đang hiện diện quân sự ở Syria.

Iran khẳng định sẽ không đi khỏi đây và họ là một lực lượng được chính phủ Syria mời đến để giúp đỡ chống lại khủng bố. Không những vậy, Chính phủ Syria lại khẳng định có thể mở thêm căn cứ quân sự nếu Iran yêu cầu.

"Hezbollah, Iran sẽ ở lại Syria đến khi khủng bố bị tiêu diệt" - Tổng thống Assad cho biết.

Sự phản đối một cách rõ rệt của lực lượng thân chính phủ đã đặt Nga vào một thế cờ khó.

Nếu Iran và Hezbollah rút khỏi Syria, Israel sẽ không còn cớ tấn công vào khu vực này, khi đó thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Mỹ sẽ trở thành khung pháp lý cho một giải pháp chính trị tại nam Syria.

Đương nhiên, khi đó, những gì Mỹ khai thác được từ thỏa thuận ngừng bắn sẽ không còn nữa và khả năng Mỹ rút khỏi Syria là chắc chắn.

Syria có muốn phá thỏa thuận ngừng bắn Nga- Mỹ?

Tuy nhiên, Syria không hề tin tưởng hoàn toàn vào những lời cam kết của Washington và Israel.

Việc lực lượng trung thành với Tổng thống Assad có ý định tấn công và tiến hành tấn công quân sự vào khu vực phía tây nam, đã như một sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được cả Mỹ và Nga bảo trợ.

Điều này chắc chắn sẽ biến lực lượng thân Chính phủ Syria là bên phá vỡ thỏa thuận và chỉ gặp bất lợi cho cả Nga và Tổng thống Assad.

Vụ không kích của Mỹ hay lực lượng được Mỹ hậu thuẫn nhằm vào khu vực xung đột bên bờ sông Euphrates là đòn cảnh báo mới nhất đến chính quyền Tổng thống Assad.

Thạch Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tan-cong-syria-my-canh-cao-pha-ngung-ban-tay-nam-3360240/