'Tan chảy' trước những hòn đảo thiên đường của động vật ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản, có những hòn đảo mà số lượng của một loài động vật đặc trưng còn lớn hơn gấp nhiều lần so với số người đang sinh sống trên đảo.

Nhật Bản vốn nổi tiếng về văn hóa độc đáo và những điều kỳ lạ mà chẳng nơi nào trên thế giới có được. Bên cạnh đó, cảnh sắc thiên nhiên tại nơi đây cũng là điều khiến nhiều người phải trầm trồ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhật Bản sở hữu những hòn đảo động vật nổi tiếng như đảo mèo, đảo thỏ, đảo cáo... Đây là những nơi mà số lượng một loài động vật trên đảo còn lớn hơn gấp nhiều lần so với số người đang sinh sống trên đảo.

Đảo mèo Tashirojima

Ở Nhật Bản mèo được xem như là loài động vật mang lại may mắn. Người ta thường hay đặt những bức tượng mèo vẫy tay Mameki neko tại các cửa hàng với mong muốn mang tài lộc tới.

Có thể nhiều người đã từng nghe nói đến đảo mèo ở Nhật Bản nhưng chắc ít người biết Nhật Bản không chỉ có 1 mà tới tận 13 đảo mèo. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất trong số đó là đảo Tashirojima.

Tashirojima có một lịch sử lâu đời với loài mèo. Vào thời Edo, cư dân tại Tashirojima chủ yếu làm nghề nuôi tằm. Những cư dân nơi đây đã quyết định đưa loài mèo ra đảo với mục đích nhằm tiêu diệt bớt lũ chuột phá đám, chuyên ăn trộm tằm.

Dần dần, theo thời gian số lượng mèo ở nơi đây ngày càng gia tăng trong khi dân số ở đảo lại giảm xuống. Hiện nay, đảo Tashirojima chỉ có khoảng 100 người đang sinh sống, trong khi đó số lượng mèo lên tới vài trăm con. Nơi đây thậm chí còn có cả đền thờ mèo là Neko jinja.

Các du khách, đặc biệt là những người yêu mến loài mèo từ khắp nơi thường đổ về đây để được vuốt ve những chú mèo thân thiện, không hề sợ người. Người dân địa phương còn tin rằng, việc cho mèo ăn sẽ đem lại sự giàu có và may mắn. Bởi vậy, địa vị của loài mèo nơi đây có thể coi là “độc tôn”. Chó là loài động vật tuyệt đối bị cấm đặt chân lên đảo Tashirojima, do đó các du khách cần phải lưu ý nếu muốn dắt thú cưng của mình theo.

Đảo thỏ Okunoshima

Đảo Okunoshima hay còn được gọi là Usagi-shima (Đảo thỏ) nổi tiếng với hàng trăm chú thỏ mũm mĩm dễ thương. Chúng hoàn toàn không sợ người nên du khách có thể dễ dàng cho chúng ăn và cưng nựng, vuốt ve chúng.

Tuy nhiên ẩn sau vẻ dễ thương của lũ thỏ, hòn đảo Okunoshima lại có một quá khứ không mấy tốt đẹp. Từ năm 1927 cho đến khi Thế chiến thứ II kết thúc, Okunoshima là địa điểm được xây dựng một nhà máy sản xuất vũ khí hóa học. Nhà máy này được giữ bí mật đến nỗi Okunoshima còn từng bị xóa tên ra khỏi bản đồ. Những con thỏ đầu tiên xuất hiện trên đảo là do được mang đến để làm vật thí nghiệm hiệu quả của các loại vũ khí hóa học mà nhà máy này sản xuất.

Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, nhà máy vũ khí hóa học bị đóng cửa, những con thỏ được thả ra ngoài tự nhiên. Từ đó, chúng bắt đầu sinh sống trên hòn đảo này và gia tăng số lượng một cách nhanh chóng.

Để bảo vệ đàn thỏ, đảo Okunoshima cấm tuyệt đối mèo và chó, do vậy lũ thỏ có thể bình yên gặm cỏ ở bất cứ nơi nào chúng muốn và không hề sợ hãi khi tiếp xúc với du khách.

Làng cáo Zao Kitsune

Ngôi làng đặc biệt nổi tiếng với những cư dân toàn là cáo Zao Kitsune nằm tại tỉnh Miyagi, đảo Honshu. Đến với nơi đây, bạn có thể được ngắm nhìn hơn 100 chú cáo đáng yêu thuộc nhiều chủng loại khác nhau như cáo đỏ, cáo tuyết, cáo bạc, cáo bạch kim... đang chơi đùa tự do.

Trong văn hóa Nhật Bản, cáo được xem là biểu tượng của sự thông minh, tinh quái và may mắn. Trong đó, loài cáo tuyết được đặc biệt coi trọng bởi chúng là linh vật đại diện cho thần Inari Okami – vị thần bảo hộ cho nông thương nghiệp, rượu sake và trà.

Làng cáo Zao Kitsune được thành lập vào đầu năm 1990, ban đầu nơi đây là khu bảo tồn dành riêng cho loài cáo, trong đó có nhiều loài cáo quý hiếm.

Hiện nay, nơi đây trở thành địa điểm lý thú, thu hút nhiều du khách tới tham quan và ngắm nhìn những chú cáo thông minh. Nhiều con có thể sẽ chạy lại chơi với du khách và xin đồ ăn trong khi số khác nhút nhát hơn thường chui vào bụi rậm quan sát.

Theo Lan Anh/Báo Giao thông

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/-tan-chay-truoc-nhung-hon-dao-thien-duong-cua-dong-vat-o-nhat-ban/20210406110505850