Tân Bộ trưởng Quốc phòng Austin: Mỹ sẵn sàng bảo vệ Senkaku

Người đứng đầu Lầu Năm Góc trong chính quyền mới của ông Joe Biden tuyên bố, Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ các đảo tranh chấp ở Senkaku của Nhật Bản.

Tân lãnh đạo của Lầu Năm Góc mới được ông Joe Biden bổ nhiệm là Đại tướng về hưu Lloyd Austin, cho biết trong cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi rằng, Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku đang bị Trung Quốc tranh chấp.

"Bộ trưởng Quốc phòng Austin xác nhận rằng, Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật bao trùm cả quần đảo Senkaku và Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông" - Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.

Điều khoản này của hiệp ước này giải thích rằng, Hoa Kỳ và Nhật Bản phải cùng nhau tự vệ trước mối đe dọa vũ trang từ một quốc gia thù địch.

Tuyên bố của Lầu Năm Góc được đưa ra trong bối cảnh trong những ngày đầu năm 2021, các tàu tuần tra Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện liên tục ở quần đảo Senkaku trong mấy ngày liền.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư) là vấn đề có tính lịch sử và đã gây nên nhiều rắc rối ở khu vực Biển Hoa Đông nói riêng và Đông Á nói chung.

Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ Quần đảo Senkaku trước Trung Quốc

Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ Quần đảo Senkaku trước Trung Quốc

Nhật Bản tuyên bố đã chiếm giữ những hòn đảo này từ năm 1895, trong khi Bắc Kinh tuyên bố rằng, trên bản đồ Nhật Bản năm 1783 và 1785, Quần đảo Điếu Ngư được ghi là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã leo thang lên một cấp độ mới sau khi Tokyo tuyên bố mua lại quần đảo này từ các chủ sở hữu tư nhân vào tháng 9/2012, làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn chống Nhật trên khắp lãnh thổ ở Trung Quốc.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã thường xuyên điều các tàu tuần tra đi lại gần các đảo tranh chấp và định kỳ thực hiện các cuộc biểu dương lực lượng ở khu vực ven biển Hoa Đông.

Theo báo cáo của giới chức Nhật Bản, trong năm 2020, tàu Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực quần đảo Senkaku kỷ lục 333 lần, cũng như 24 lần đi vào vùng nước mà Nhật Bản coi là lãnh hải của mình. Ngoài ra, tàu Trung Quốc năm ngoái đã lập kỷ lục gần 58 giờ liên tục ở khu vực này.

Cũng trong cuộc trao đổi, ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Quân đội hai nước Mỹ-Nhật cũng thảo luận về việc tái triển khai các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản và vấn đề Triều Tiên.

Cả hai bộ trưởng "nhất trí rằng các nước của họ cần đóng vai trò trung tâm trong việc tăng cường hợp tác của các đối tác khác nhau trong và ngoài khu vực để duy trì và củng cố một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" – tuyên bố nêu rõ.

Hai bên cũng tái khẳng định ý định tiếp tục hợp tác để giải quyết các vấn đề về tình hình Triều Tiên, như loại bỏ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo ở tất cả các tầm bay.

Trước đó, ông Austin sau khi nhận được lời chúc mừng từ đồng nghiệp Nhật Bản về việc ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu Lầu Năm Góc, đã đồng ý gặp mặt trực tiếp ông Nobuo Kishi "càng sớm càng tốt, có tính đến tình hình lây lan của coronavirus".

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tan-bo-truong-quoc-phong-austin-my-san-sang-bao-ve-senkaku-3426528/