Tân Bộ trưởng 26 tuổi: Không nên dùng từ 'thích ứng'

'ASEAN 4.0 cho tất cả Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư', đó là chủ đề của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra ngày 11-9.

Người gây chú ý đặc biệt tại sự kiện này là ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahma, Bộ trưởng Thanh Thiếu niên và Thể thao Malaysia, ông cũng là tân bộ trưởng trẻ tuổi nhất Malaysia và là thành viên trong nội các Chính phủ Malaysia ở tuổi 26.

Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia chia sẻ về tương lai khá lạc quan khi dân số ASEAN tương đối trẻ, còn nhiều tiềm năng để phát triển, cộng đồng kinh doanh tăng trưởng tốt.

Tại đây, các đại biểu tham dự cũng nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ. Một bạn trẻ đặt câu hỏi: Công nghiệp mới tạo nhiều công việc hơn nhưng người trẻ cần làm gì để thích ứng?. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Syed Saddiq cho rằng từ "thích ứng" là không nên dùng, đồng thời bày tỏ: "Tôi tin rằng người trẻ không cần thích ứng”.

Ông cho rằng "thích ứng" là cách làm việc bình thường, theo quy tắc, mà ở đó những người trẻ bị đánh giá thấp hơn do thiếu kinh nghiệm..

Ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahma, Bộ trưởng Thanh Thiếu niên và Thể thao Malaysia tại diễn đàn mở. Ảnh TG&VN

Ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahma, Bộ trưởng Thanh Thiếu niên và Thể thao Malaysia tại diễn đàn mở. Ảnh TG&VN

Một bạn trẻ khác đặt câu hỏi cho ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google Ấn Độ. Ông nói rằng ông thích Việt Nam, vậy tại sao Google chưa có văn phòng tại Hà Nội?". Bạn trẻ này cũng khẳng định rằng Việt Nam nói chung và Hà Nội có nhiều tài năng không kém bất cứ quốc gia này.

"Tôi hứa với ông về điều này", bạn gái này bày tỏ. Câu hỏi trên nhận được nhiều tiếng cười từ hội trường. Trên ghế đại biểu bộ trưởng Malaysia cũng không kìm được tiếng cười của mình.

Trả lời câu hỏi này, ông Rajan Anandan cho hay Việt Nam là quốc gia vô cùng quan trọng với lượng người dùng Internet hơn 50 triệu người, nhiều hơn nhiều nước khác. Chiến lược của Google là tập trung vào từng quốc gia để đảm bảo các sản phẩm luôn tốt, dù nhỏ nhất.

Đồng thời, Google cũng đảm bảo giải quyết được các rào cản trong việc công dân truy nhập được vào mạng. "Cuối cùng mới là bước có mặt tại hiện trường” - ông nói.

Bày tỏ sự phấn khích, đại diện Google cũng hy vọng các bạn trẻ Việt Nam tự làm việc cho mình, tự khai thác các nguồn lực từ nền tảng Google, thậm chí có thể trở thành một Google tiếp theo.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/tan-bo-truong-26-tuoi-khong-nen-dung-tu-thich-ung-791825.html